Thêm 12 máy chứa chất độc: Quảng Ninh gánh tồn dư "dồn"

(Tin tức thời sự) - Trong khi phát hiện thêm 12 máy biến thế có chứa chất độc PCB, thì hơn 7000 lít dầu độc hại ở cảng Cái Lân vẫn chưa rõ phương án di chuyển .

Loay hoay, bất lực trước 7.000lít hóa chất siêu độc "nhập khẩu" 7000 lít dầu siêu độc: Xử lý được nhưng...siêu đắt!

Theo Tổng cục Môi trường, trên lưới điện của tỉnh Quảng Ninh còn trên 100 máy biến thế được sản xuất từ trước năm 2001. Trong số các thiết bị đã triển khai lấy mẫu phân tích có 12 máy biến thế đã qua sử dụng chứa dầu nhiễm PCB có hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép.

Ngoài ra, còn một thiết bị truyền tải điện trung gian tại huyện Hoành Bồ trong quá trình bảo dưỡng đã phát hiện bị nhiễm PCB với nồng độ 84 ppm (ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam là 50 ppm). Hiện vẫn chưa có chương trình kiểm tra, đánh giá chi tiết số lượng thiết bị nói trên.

7.000 lít dầu độc "chuyển nhà", vịnh Hạ Long an toàn

Trước thông tin này, chia sẻ với Đất Việt, ngày 26/8, ông Hoàng Danh Sơn - Phó giám đốc Sở TNMT Quảng Ninh cho biết: "Đây là chương trình do Tổng cục môi trường thực hiện kiểm tra trên một số địa bàn, chứ không riêng gì tỉnh Quảng Ninh".

Nói về nguyên do dẫn đến việc này, ông Sơn giải thích, các máy biến thế này là tồn dư của thế hệ công nghệ hàng chục năm trước, trước đây đã có một số điều tra sơ bộ, thế nhưng chưa thể xử lý.

Hóa chất PCB trong hàng loạt máy biến thế

Theo ông Sơn, máy biến thế được quản lý theo thông tư 12 của Bộ Tài nguyên môi trường về chất độc nguy hại. Chính vì nó là mã đặc biệt hơn, nên cần hướng dẫn chi tiết, cần giấy phép mã hàng hóa phù hợp chứ không thể tiêu hủy linh tinh được.

Về vấn đề kiểm tra, ông Sơn cho hay: "Không riêng gì Quảng Ninh, mà rất nhiều địa bàn trên cả nước, cũng có nhiều tỉnh cũng rơi vào tình trạng này. Đó chính là các vấn đề liên quan đến hệ thống công nghệ cũ, giống như ngày xưa phải dùng xi măng giờ lại bỏ, cũng như trước đây dùng CPC666 làm thuốc trừ sâu diệt cỏ, giờ phải cũng thôi".

Vận chuyển 7000l dầu độc hại bằng cách nào?

Trong một diễn biến có liên quan, việc xử lý 7.000 lít dầu nhiễm PCB đang được quan tâm, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cửu Long, xác nhận chi phí xử lý số hóa chất này được Công ty Xi măng Holcim ở Kiên Giang đưa ra là 1 tỉ đồng. Ngoài chi phí này, công đoạn vận chuyển lô dầu từ cảng Cái Lân về Kiên Giang ước tính cũng tốn thêm khoảng 1 tỉ đồng nữa.

Sau khi nhận được thông tin từ chối tiếp nhận lô dầu chứa chất độc hại của UBND tỉnh Hải Phòng, trước mắt, Công ty Cửu Long đã đề xuất tạm thời đưa số chất thải được đựng trong 2 container rời xa khu vực cảng để tránh nguy cơ tràn xuống vịnh Hạ Long. Địa điểm lưu giữ do phía tỉnh Quảng Ninh chỉ định và doanh nghiệp sẽ phải chịu tiền thuê kho bãi.

7.000 lít hóa chất siêu độc:Hải Phòng hỏa tốc cấm!

Ông Sơn nói: "Chúng tôi đang đợi Bộ để có phương án tiêu hủy, Bộ đang ban hành hướng dẫn, ban hành xong, tiêu hủy như nào sẽ có hướng dẫn đúng quy định của pháp luật.

Hiện tại, không phải xử lý mà là chỉ lưu lại cách xa vịnh Hạ Long, tránh xa di sản, còn tiêu hủy thì phải đợi chỉ đạo của Bộ TN&MT".

Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết thêm: "Về cơ bản là chất độc vẫn di chuyển trên đất Quảng Ninh, chỉ là cách xa vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, công ty này có giấy phép về việc quản lý chất thải nguy hại, nên ít nhất sẽ quản lý tốt hơn để ở cảng Cái Lân".

Hơn nữa, ông Sơn vô cùng bức xúc trước những dư luận không hay về việc di chuyển hơn 7000 lít dầu độc hại.

Ông chỉ rõ: "Lên tiếng phản đối việc để chất độc hại gần di sản, chính vì thế chúng tôi mới phải di chuyển tránh xa di sản đó". Thế nhưng, tiêu hủy triệt để thì ông Sơn cho hay: "Sở vẫn sẽ đợi chỉ đạo từ Bộ xuống, vì làm gì cũng phải theo luật quy định, chứ không phải muốn thì làm".

Thế nhưng, ngày 12/8 chia sẻ với Đất Việt, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, lại cho biết: "Việc này, bây giờ không thuộc trách nhiệm của Tổng cục môi trường, chúng tôi chỉ đang tiến hành xử lý theo đúng chỉ đạo.Các đơn vị chuyên môn đang xử lý nhưng chưa có thông tin chính thức".

Trong khi đó, chiều 25/8, Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan chức năng và Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long, Công ty TNHH MTV Môi trường Vinacomin họp bàn xem xét thống nhất phương án di chuyển 2 container thân máy và gần 7000 lít dầu biến thế chứa chất PCB về nơi lưu giữ chờ tiêu hủy.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ sử dụng 2 xe đầu kéo, một xe cẩu để thực hiện bốc xếp, vận chuyển 2 container chứa lô hàng trên quãng đường 35km từ cảng Cái Lân qua huyện Hoành Bồ rồi về Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Môi trường Vinacomin tại xã Dương Huy (TP Cẩm Phả). Hai container được lưu giữ trong nhà kho có hệ thống cảnh báo và canh gác 24/24h.

Cơ quan chức năng và 2 doanh nghiệp thống nhất, do đoạn cuối của tuyến đường có 15km đường xấu, nhiều ổ gà nên sẽ tiến hành mở niêm phong chằng chống lại lô hàng cho chắc chắn, sau khi hoàn thành mới thực hiện di chuyển.

Ngay trong buổi chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã đề nghị UBND tỉnh ra quyết định cho di chuyển lô hàng, thành lập tổ giám sát để giám sát toàn bộ hoạt động bốc xếp, vận chuyển; ấn định thời gian thực hiện di chuyển, đồng thời cho phép 2 xe đầu kéo cụ thể được phép chở lô hàng về nơi lưu giữ.

Ngày 26/8, doanh nghiệp sẽ đưa phương tiện, công cụ cần thiết tới cảng Cái Lân thực hiện mở container kiểm tra để chằng buộc, chèn chống cho chắc chắn, đảm bảo không có sự cố rò rỉ trong quá trình di chuyển. Dự kiến trong tuần này, lô hàng sẽ được di chuyển về kho của Công ty Môi trường Vinacomin lưu giữ chờ tiêu hủy.

Thanh Huyền

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/them-12-may-chua-chat-doc-quang-ninh-ganh-ton-du-don-3054866/