Thể thao Thể thao quốc tế Can thiệp của VAR

Đã được sử dụng trước đó ở World Cup 2018 và Champions League nhưng phải đến Copa America 2019, WAR mới tỏ rõ quyền lực.

Phút 60 trận cầu Brazil – Venezuela, Firmino căng ngang và Jesus dứt điểm tung lưới Farinez. Trọng tài Julio Bascunan xem lại băng quay chậm từ sự hỗ trợ của VAR xác định Firmino việt vị. Phút 87, Everton lại căng ngang gây ra tình huống lộn xộn trong vòng cấm và Coutinho sút tung lưới đội khách. Một lần nữa, trọng tài chính Julio Bascunan được tư vấn từ tổ VAR đã xác nhận lỗi việt vị của Firmino. Trong trận cầu này, ba lần cầu thủ Brazil sút tung lưới đối phương nhưng bàn thắng không được công nhận, trong đó có 2 lần từ sự can thiệp của VAR.

Trọng tài xem lại tình huống trong trận Brazil – Bolivia. Ảnh: LICHTHIDAU.COM.VN

Đã được sử dụng trước đó ở World Cup 2018 và Champions League nhưng phải đến Copa America 2019, WAR mới tỏ rõ quyền lực. Thống kê cho thấy, trong 11 trận đấu đầu tiên của giải đấu, VAR đã can thiệp ở 9 trận với 11 tình huống. 7 tình huống trong số đó liên quan đến việc xác định tính hợp lệ của các bàn thắng, 6 tình huống xác định thổi phạt đền và 1 tình huống xác định rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của một cầu thủ. Tình huống chiếm nhiều thời gian nhất diễn ra ở trận Peru – Venezuela khi trọng tài hủy bỏ bàn thắng của Christofer Gonzales, tổng cộng 4 phút. Ở chiều ngược lại, là tình huống khi trọng tài hủy bỏ bàn thắng của Lodeiro ở trận Uruguay - Ecuador, chỉ mất 1 phút 3 giây.

Nếu Brazil cùng một số đội bóng khác nữa phải “ngậm bồ hòn làm vui” thì Venezuela là đội hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định áp dụng VAR. Đội bóng này có 4 lần bị đối thủ sút tung lưới, nhưng chưa phải nhận 1 bàn thua nào ở Copa America mùa này nhờ... VAR. Sau khi thủ hòa được chủ nhà Brazil ở trận cầu kể trên, HLV Dudamel hào hứng: “VAR vạn tuế”. Tương tự là Argentina. Phút 51, tiền đạo Lautaro Martínez dứt điểm trúng xà ngang khung thành Paraguay. Ngay sau đó, trọng tài cho Argentina được hưởng phạt đền sau khi VAR cho thấy bóng đã chạm tay một hậu vệ Paraguay. Trên chấm 11m, Messi thực hiện thành công gỡ hòa, cứu cho Argentina không rơi vào cảnh “xách vali về sớm”.

Có vẻ như ở Copa America 2019, công nghệ VAR lại can thiệp quá sâu. Đơn cử như trong trận đấu Ecuado gặp Chile, có một tình huống tiền đạo Ecuado đi bóng nhanh, đẩy bóng rất dài gần đường biên và thủ môn Chile ra cản phá. Trọng tài ban đầu không phạt thủ thành Chile nhưng tổ VAR liên tiếp báo lỗi buộc ông phải xem lại video và miễn cưỡng phạt một quả phạt trực tiếp. Đây là tình huống không liên quan đến bàn thắng, thẻ đỏ hay phạt đền. Còn nếu để ý kỹ, trong các tình huống sử dụng VAR tại Copa America 2019, khán giả truyền hình sẽ không được xem trực tiếp màn hình nhỏ mà trọng tài chính xem ở ngoài sân. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta được thấy khi VAR được sử dụng ở Champions League.

Hơn 30 năm trước, nếu có VAR chắc chắn sẽ không thể có “bàn tay của Chúa” của Maradona trong chiến thắng 2 - 1 trước người Anh ở vòng tứ kết để sau đó lần thứ hai, Argentina lên ngôi vua ở World Cup. Còn nữa, hơn 50 năm trước, cũng chắc chắn sẽ không có bàn thắng từ cú sút của Geoff Hurst khi bóng chưa lăn qua khỏi vạch vôi cầu môn đội Đức sau khi bật xuống từ xà ngang. Anh Quốc sau đó có chức vô địch thế giới duy nhất cho tới tận bây giờ. VAR đã và đang đem đến cho nhiều đội bóng nỗi buồn khó tả. Thế nhưng, vẫn chưa nghe thấy lời phàn nàn công khai nào đối với công nghệ này. Đơn giản, nó mang đến sự thật. Bóng đá có thể mất vui nhưng lại đảm bảo sự công bằng và đó là điều mà người ta hy vọng VAR sẽ tiếp tục can thiệp và là một phần không thể thiếu của bóng đá đương đại.

ĐÌNH NAM

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/can-thiep-cua-var-a73955.html