Thế sự tô đậm ý nghĩa

Tại vùng biển phía Tây Philippines sắp có cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia. Philippines muốn nhưng không thể tham gia do chưa thể giải quyết được những vấn đề về hậu cần và kỹ thuật.

Lực lượng Australia và Mỹ lên máy bay tham gia cuộc tập trận Alon. Ảnh: ADF/VOV

Việc các nước này tập trận quân sự chung hai bên hoặc ba bên vốn không có gì mới mẻ. Cả Nhật Bản lẫn Philippines và Australia đều là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ. Tập trận quân sự chung thuộc diện những nội dung và hoạt động chính trong mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với từng bên kia.

Nhưng cuộc tập trận quân sự chung sắp tới của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lại không phải đơn thuần chỉ là một hoạt động quân sự chung giữa ba nước này theo mô thức "đến hẹn lại lên" mà còn có ý nghĩa đặc biệt nhờ tình hình thế sự đặc biệt hiện tại trên thế giới và ở khu vực Đông Á.

Cuộc tập trận chung này đáng được chú ý bởi diễn ra trực tiếp ở khu vực Biển Đông, một trong những nơi vẫn rất nổi cộm vấn đề chính trị an ninh, chủ quyền lãnh thổ và luật pháp quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ở đây có chuyện Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số quốc gia Đông Nam Á. Vừa mới đây thôi, chuyện Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Philippines đã lại một lần gia tăng mức độ căng thẳng và quyết liệt, lại trở nên rất thời sự trong chính trị an ninh thế giới và chính trị an ninh khu vực.

Ở bên ngoài khu vực Biển Đông, Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự quy mô lớn ở vùng biển xung quanh đảo Đài Loan. Rồi còn có chuyện Nga và Trung Quốc tiến hành tuần tra chung ở vùng biển rộng tại Thái Bình Dương.

Không đáng chú ý sao được khi Mỹ, Nhật Bản và Australia đều nhấn mạnh mục đích cuộc tập trận quân sự chung ở khu vực Biển Đông là khẳng định cam kết của họ đối với luật pháp quốc tế trong khu vực và đối với tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế.

Cũng có thể hiểu thông điệp chủ đạo của Mỹ, Nhật Bản và Australia với cuộc tập trận này là không chấp nhận mọi mưu tính, hình thức và hành động của bất kể bên nào ở trong cũng như ngoài khu vực bất chấp hay hủy hoại hiệu lực của luật pháp quốc tế trong khu vực và cản trở hay cấm đoán tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế. Bộ ba này không nêu ra địa chỉ cụ thể mà thông điệp này được nhằm gửi đến nhưng bàn dân thiên hạ có thể nhận biết rõ ràng địa chỉ ấy ở đâu và bên nhận là ai.

Vài ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận quân sự ba bên trên, ở Mỹ có cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Một trong những kết quả quan trọng của cuộc gặp này là sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa ba nước nhằm đối phó Trung Quốc và Triều Tiên. Trong bản tuyên bố chung, bộ ba kia đã dùng nhiều ngôn từ nặng nề đối với Trung Quốc và Triều Tiên liên quan đến diễn biến tình hình chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, vùng eo biển Đài Loan và khu vực Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tạo thành Bộ Tứ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ, Australia và Anh đã thành lập Liên minh an ninh ba bên (AUKUS). Tất cả đều đề ra mục tiêu chung là bảo đảm hiệu lực của luật pháp quốc tế và tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, đặc biệt ở khu vực Biển Đông.

Từ đó có thể thấy cuộc tập trận quân sự ba bên trên không đơn lẻ và biệt lập. Rồi sẽ còn có nhiều cuộc tập trận chung như thế nữa với sự tham gia của nhiều bên khác nữa ở khu vực này nhằm cùng mục tiêu công khai trên.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/the-su-to-dam-y-nghia-638780.html