'Thế kỷ 21 là 'thế kỷ của Châu Á - Thái Bình Dương' không phải nói quá'

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) - 'Tầm nhìn về quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương cho thế kỷ 21' sáng ngày 15/5.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh: TN

Tỷ trọng khu vực trong GDP toàn cầu dự báo lên gần 70%

PECC đã khẳng định vai trò là một thể chế đặc biệt, nắm bắt được tâm huyết và trí tuệ của các doanh nghiệp, Chính phủ, và giới học giả để hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

Năm 1980, PECC được thành lập, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Ngày nay, con số này đã tăng lên trên 50%, hơn một tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Tỷ trọng khu vực trong GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050. 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.

“Khu vực này là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư. Vì vậy, dự báo thế kỷ 21 là “thế kỷ của Châu Á - Thái Bình Dương” không phải là nói quá”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, triển vọng của khu vực còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý 3 nhóm thách thức. Đó là năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4; những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng.

Liên kết toàn diện, tạo cơ hội, tham gia bình đẳng

Là một cơ chế tiên phong khu vực về các ý tưởng về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và liên kết, PECC đã luôn thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc hình thành các tầm nhìn cho khu vực.

Chủ đề và chương trình nghị sự PECC lựa chọn được đánh giá rất kịp thời và thiết thực.

Những câu hỏi chính được đặt ra cần giải đáp là: Mục tiêu của châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới là gì? Liệu khu vực của chúng ta có thể khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu hay không? Cần làm gì để tăng trưởng bao trùm, bền vững và sáng tạo trong kỷ nguyên số? Làm thế nào để tạo dựng được một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ?....

Trả lời điều này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kỳ vọng, sẽ xây dựng một Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người.

Động lực của kinh tế khu vực phải đến từ tăng trưởng có chất lượng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, kết nối và liên kết kinh tế sâu rộng.

Các động lực chính gồm cải cách cơ cấu, các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, thương mại số, nguồn nhân lực chất lượng, tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm tính bao trùm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội…

Cùng với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại và đầu tư tự do và mở, các hiệp định thương mại khu vực, các hiệp định tự do thương mại (RTAs/FTAs), hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

“Là một trung tâm công nghệ toàn cầu, chúng ta có lợi thế để thúc đẩy hơn nữa các mạng lưới rộng lớn gồm các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu, tăng cường kết nối và hợp tác phát triển hạ tầng cơ sở”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

“Hòa bình và tăng trưởng cùng liên kết kinh tế luôn đồng hành”

Ông cũng lưu ý, không có tầm nhìn hoặc chiến lược nào có thể được thực hiện nếu không có hòa bình và an ninh.

“Hòa bình và tăng trưởng cùng liên kết kinh tế luôn đồng hành với nhau”, Phó Thủ tướng nói, “trong một môi trường toàn cầu ngày càng bất định và mong manh, hơn lúc nào hết chúng ta cần một cấu trúc khu vực minh bạch, mở, dựa trên luật pháp, có tính xây dựng và có khả năng thích ứng”.

Nằm ở tâm điểm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về hướng đi nào cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để tiến tới hội nhập, phát triển và dự do hóa thương mại; vai trò của dịch vụ và đầu tư trong xúc tiến tăng trưởng và hội nhập kinh tế khu vực; điều gì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong vòng 5 - 10 năm tới; các nền kinh tế nên chuẩn bị như thế nào để tận dụng các động lực mới…

Các khuyến nghị và ý kiến tại hội nghị sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình tư duy về hợp tác APEC đến năm 2020 và tương lai, và vào chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Điều này rất có ý nghĩa đối với “Đối thoại nhiều bên về APEC đến 2020 và tương lai” do Việt Nam và PECC đồng tổ chức vào ngày mai (16/5).

Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM-2), hôm nay cũng diễn ra, Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và phát biểu tại đối thoại.

Đối thoại tập trung vào các lĩnh vực tương lai việc làm trong kỷ nguyên số hóa và tự động hóa những hàm ý chính sách dành cho thị trường lao động, các yêu cầu về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới và an sinh xã hội trong kỷ nguyên số.

Kết quả dự kiến của Đối thoại sẽ là một văn kiện về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Cùng ngày sẽ diễn ra các cuộc họp: Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) - Hội thảo về Phụ nữ trong Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM); Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) - Hội thảo về nghiên cứu và công nghệ; Nhóm adhoc về kinh tế mạng (AHSGIE); Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI); Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hóa; Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hóa - Thực địa; Ủy ban Chỉ đạo SOM về hợp tác kinh tế kỹ thuật (SCE); Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu chính sách (PSU) - Ban Quản trị.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/the-ky-21-la-the-ky-cua-chau-a-thai-binh-duong-khong-phai-noi-qua_t114c52n118995