Thế hệ 'quay xe', không còn nhậu tới bến

Nhiều bạn trẻ Gen Z thích uống rượu bia để 'chill' hay hỗ trợ sức khỏe chứ không muốn thành 'bợm nhậu'.

Cũng như những buổi sáng gần đây, Nguyễn Phan Minh Uyên (24 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) thức dậy đúng giờ để tự chuẩn bị đồ ăn trước khi đi làm.

Hôm nay, Uyên khởi đầu ngày mới bằng một bát ngũ cốc sữa chua, dự tính đến trưa thì ăn đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cơ bản để duy trì năng lượng làm việc cả ngày dài.

Theo đuổi chế độ ăn lành mạnh cộng với hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn đã giúp Uyên lấy lại vóc dáng săn chắc, cải thiện sức khỏe tổng thể và nâng cao khả năng tập trung trong công việc.

“Tôi thuộc kiểu người thích uống và được đánh giá là ‘đô nhậu bất tử’ nên từng sử dụng rượu bia đều đặn 1 lần/tuần. Hiện tại, tôi chỉ uống vào các dịp trọng đại, chẳng hạn như tiệc chia tay em tôi đi du học cách đây 3 hôm. Tôi không biết có phải mình hạn chế nhậu nên tửu lượng theo đó cũng giảm phần nào hay không”, Uyên chia sẻ vui với Tri thức - Znews.

Không còn tăng 1 ở nhà, tăng 2 ở quán...

Khi nhập học đại học ở TP.HCM, Minh Uyên thường xuyên được những người anh họ “rủ rê” ăn nhậu, hoặc là uống bia ở quán, hoặc là mua rượu Soju về nhà rồi pha với sữa chua uống. Chính vì vậy, Uyên không còn xa lạ từ những quán nhậu bình dân cho đến các địa điểm phục vụ rượu bia nổi tiếng với giới trẻ.

Nhóm bạn của Uyên đa phần là nam và xu hướng trò chuyện trên bàn nhậu. Khi biết các thành viên nữ có khả năng uống rượu bia, cả nhóm bắt đầu cùng nhau ăn nhậu mỗi tuần. Uyên không phủ nhận đây là cách thú vị để gắn kết tình bạn.

Tuy nhiên, kể từ ngày theo đuổi lối sống lành mạnh, Uyên chỉ nhận lời mời nhậu đối với những sự kiện đặc biệt, còn lại đa phần từ chối vì nghĩ đến cảnh bản thân chịu dư chấn đau đầu từ cuộc vui rượu bia.

“Tôi thường không say bét nhè đến mức chẳng biết trời trăng là gì, bằng chứng là đi nhậu về vẫn skincare từng bước rồi mới đi ngủ. Tuy nhiên, tôi phải ‘trả giá’ vào những ngày sau vì đau đầu lâu dứt, đồng thời cơ thể luôn cảm thấy mất nước, mệt mỏi”, Uyên chia sẻ.

Uyên đồng thời nhớ đến chi phí bỏ ra cho mỗi lần ăn nhậu, rơi vào tối thiểu 200.000 đồng/người đối với nhóm 5 người. Uyên cho rằng khoản tiền này không hợp lý bởi nó chỉ đổi lấy những giây phút vui vẻ chốc lát và mọi người sẽ nhanh chóng quên hết vào sáng hôm sau.

Vì vậy, thay vì “đầu tư” tiền vào các buổi nhậu hàng tuần, Uyên giờ đây đã biết sắm sửa những thứ có ý nghĩa thiết thực cho bản thân.

Gen Z được đánh giá là ít sử dụng đồ uống có cồn hơn các thế hệ trước. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Giống như Uyên, Nguyễn Thanh Quỳnh (26 tuổi, làm thiết kế, ngụ quận 7, TP.HCM) từng có khoảng thời gian vui tới bến trong những buổi nhậu hàng tuần.

Cô có thể “cân” từ Strongbow, Soju cho đến bia các loại. Quỳnh và bạn bè thường nhậu tăng 1 ở nhà, tăng 2 ở quán và thuê homestay sau đó để ở chung đến sáng mai.

Dần dà, Quỳnh bắt đầu chán cảnh say xỉn nên đã giảm tần suất uống rượu bia thành 3-6 tháng một lần.

“Tôi tự nhận mình ham chơi tới bến, thường là người cuối cùng trên bàn nhậu trong khi mọi người đã gục hết. Giờ thì tôi ít uống hơn nhiều, chủ yếu uống có chọn lọc và không cố gắng thể hiện bản thân. Tôi cũng lo cho sức khỏe và công việc cần giải quyết trước mắt nên hạn chế nhậu nhẹt”, Quỳnh nói với Znews.

Nếu phải sử dụng đồ uống có cồn, Quỳnh cũng không để mình nôn sau khi say rượu, bởi cô từng trải nghiệm lần “gặp chị Huệ” (cảm giác như say xe - PV) nhớ đời vào năm nhất đại học. Khi ấy, Quỳnh trộn rượu Vodka và Sting, uống say đến mức ngủ quên trong nhà vệ sinh.

Giờ đây, Quỳnh thay thế rượu bia bằng nước điện giải tốt cho sức khỏe, đồng thời tiết kiệm được khoản tiền kha khá từng đổ vào chi phí đồ uống, xe đưa đón, nơi ở mỗi lần ăn nhậu.

Uống rượu bia có trách nhiệm hơn

Theo Forbes, xu hướng sử dụng rượu bia bị ảnh hưởng bởi nhận thức tăng cao về sức khỏe sau đại dịch Covid-19, cũng như việc thế hệ trẻ ngày nay tiêu thụ ít đồ uống có cồn hơn.

Cụ thể, Gen Z (những người sinh năm 1997 đến 2012 - PV) uống rượu bia ít hơn 20% so với Gen Y (còn gọi là thế hệ Millennials, những người sinh năm 1980 đến 2000 - PV).

Nhìn nhận vấn đề, Minh Uyên cho biết một người anh sinh năm 1995 của mình có tần suất nhậu dày đặc vì mục đích xã giao, trao đổi công việc. “Người anh ấy không mập nhưng lại sớm hình thành bụng bia sau thời gian dài tiếp đối tác, lãnh đạo. Tôi đoán thế hệ trước có xu hướng dùng men để kết nối với nhau, trong khi Gen Z có nhiều hoạt động trải nghiệm khác như tô tượng, tham gia workshop…”, Uyên chia sẻ.

Gen Z khá đắn đo khi sử dụng đồ uống có cồn. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Hơn nữa, quy định tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng khiến nhiều người đắn đo hơn trước rượu bia.

Đó là lý do mà Hoàng Nguyên (22 tuổi) không dám “đụng” rượu bia trong dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua. Cùng thời điểm vào năm ngoái, Nguyên sử dụng đồ uống có cồn 1-2 lần/tháng, nhưng hiện tại thì gần như không.

“Dĩ nhiên, tôi vẫn có thể nhậu 7-10 lon bia trong những lần tán gẫu với đồng nghiệp. Tuy nhiên, nhậu vui lúc đó nhưng chẳng may bị thổi nồng độ cồn là coi như mất tiền triệu. Tôi cũng không muốn bản thân say lướt khướt nên cố gắng hạn chế rượu bia ở mức thấp nhất có thể”, Nguyên bày tỏ, đồng thời nhớ lại lần mình bị bạn rót bia liên tục đến mức nôn mửa.

Hiện tại, Nguyên nâng cao sức khỏe bằng cách đá bóng 1-2 lần/tuần, kết hợp nhảy dây, chơi cầu lông… Để tăng niềm vui cho các cuộc gặp gỡ, Nguyên cùng bạn bè tổ chức chơi board game (thể loại trò chơi được vận hành và tương tác giữa nhiều người dưới dạng một bàn cờ - PV) ở quán cà phê, thay vì tìm đến rượu bia và không khí ồn ào của quán nhậu.

Trong khi đó, Trần Xuân Nam (22 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) và bạn bè thuộc thế hệ Z của mình cũng không sử dụng rượu bia thường xuyên. Nếu phải nhậu, Nam cho hay mình luôn biết điểm dừng vì suy nghĩ cho bản thân và gia đình, đề phòng các rủi ro có thể xảy ra.

Không cần ăn nhậu, Gen Z có nhiều cách để vui tới bến cùng bạn bè. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Mặt khác, Nam hiểu việc uống bia vừa phải sẽ tốt cho hệ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe tinh thần… nên duy trì uống 1 lon/ngày, 4-5 lon/tuần.

Nhìn chung, Nam hầu như không ra ngoài uống vì lo ngại vấn đề thổi nồng độ cồn. Ngoài ra, việc uống ở nhà cũng tạo bầu không khí thoải mái, giúp Nam trò chuyện nhiều hơn mà không áp lực về thời gian quán đóng cửa, phương tiện di chuyển sau buổi nhậu…

“Tôi chỉ uống rượu bia để ‘chill’ hay hỗ trợ sức khỏe chứ không muốn thành ‘bợm nhậu’. Bản thân tôi cũng chơi thể thao (tập gym, đá bóng, đánh cầu lông) khá nhiều nên luôn giữ cơ thể ở trạng thái tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Sử dụng rượu bia quá đà có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình tập luyện của tôi”, Nam nói.

Nam cũng tỏ rõ quan điểm về việc chỉ thích uống với bạn bè, người thân ở một mức độ phù hợp để tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ bên nhau. Đối với Nam, “rượu vào lời ra” là một trong những cách hiệu quả để giải tỏa tinh thần, giãi bày những điều chất chứa trong lòng nhưng quan trọng là người uống cần biết cách kiểm soát.

Mai Vũ - Đông Tùng

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-he-noi-khong-nhieu-hon-voi-ruou-bia-post1462285.html