Thế hệ chạy KPI, cứu tê giác trắng trên Tinder

Không tìm kiếm đối tác tình cảm, nhiều người sử dụng Tinder theo những cách rất khác.

“Tôi vừa rao bán gói content (nội dung) của mình trên Tinder. Ngay lập tức có hai khách hàng mới nhắn tin. Cảm ơn Tinder đã mang tới cơ hội việc làm cho tôi”.

Câu chuyện thật như đùa của một thành viên (người đề nghị giấu tên - PV) trong cộng đồng quy tụ hơn nửa triệu người tham gia đã lập tức thu hút sự tò mò của mọi người về cách dùng Tinder này.

Tinder được thiết kế và quảng cáo là một ứng dụng hẹn hò. Tinder được sử dụng phổ biến bởi 56% người Việt độc thân để làm quen bạn mới, hẹn hò, tìm kiếm mối quan hệ lâu dài, mở rộng mạng lưới mối quan hệ, tìm FWB (friends with benefits - mối quan hệ không ràng buộc tình cảm) và tình một đêm, theo khảo sát năm 2022 của Decision Lab.

Nhưng những người từng quét Tinder thường xuyên gặp rất nhiều người dùng khác không hề có tất cả các mục đích trên.

Người dùng bất ngờ về các cách sử dụng Tinder trong cuộc sống. Ảnh: Freepik.

Làm marketing

Rao bán sản phẩm trên Tinder có thể gây cười và "lệch pha" so với mục đích chính của app hẹn hò. Song, tác giả Elizabeth Sramek của trang Scaleo nhận thấy làm marketing như vậy đơn giản mà hiệu quả, bởi quảng cáo sẽ tiếp cận lượng lớn người dùng tiềm năng, thông điệp gặp đúng người với tính năng quẹt trái/phải...

Bên dưới bài đăng, nhiều người “đồng cảm” với khả năng làm marketing trên Tinder và chia sẻ trải nghiệm tương tự. Trong đó, một tài khoản nói rằng cô từng chạy KPI cho phòng khám nha khoa, mang về doanh thu cả trăm triệu.

Qua tìm hiểu, Tri Thức - Znews được biết người này tải Tinder vì muốn tìm hiểu cách hoạt động của ứng dụng, rồi nhận ra Tinder “na ná” một công cụ marketing.

"Nó có tệp khách hàng đa dạng, thị trường ít đối thủ, chi phí thấp mà vẫn đảm bảo đầy đủ yếu tố: content (phần tiểu sử), tư vấn (tính năng chat), SEO (lên top hiển thị khi mua Tinder Gold)", người này chia sẻ.

Thế rồi, cô bắt tay vào tạo hồ sơ với tiểu sử hài hước, không ngại "thú nhận" mình cần chạy KPI công việc. Điều đáng nói là kết quả nhận về khả quan ngoài mong đợi, như 3.000 like/tháng, 1.000 lượt match (kết nối hồ sơ Tinder), hàng chục người tìm đến địa chỉ nha khoa...

Bên cạnh tin nhắn dịch vụ, cô cũng có vài cuộc trò chuyện về sách và phim ảnh, do đó “lãi” được cậu bạn thân hợp gu.

Tinder không chỉ dùng để hẹn hò. Ảnh: Freepik

Trong khi đó, Quỳnh Như (31 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP HCM) thành công “kéo” khách trên Tinder xem Tarot và kiếm được khoản tiền nhỏ từ “nghề tay trái”, dù đây không phải chủ ý ban đầu của cô.

“Vài năm trước, tôi thất tình nên tạo hồ sơ Tinder để tìm người trò chuyện, ai ngờ có được trải nghiệm thú vị là xem Tarot cho những người quen biết từ Tinder. Bên cạnh đó, vì thuộc lứa 9X, tôi ngại làm quen bằng bộ câu hỏi kiểu ‘ăn cơm chưa?’, ‘bao giờ đi ngủ?’... Lúc này, Tarot là ‘cầu nối’ để tôi và đối phương bắt đầu những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn”, Như chia sẻ.

Một trường hợp khác là D. (35 tuổi, sinh sống tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) tạo Tinder để tìm người yêu, nhưng tiểu sử ghi thông tin bán đồ handmade bằng len vô tình biến hồ sơ của D. thành nơi kinh doanh. "Bán được hàng nhưng trải nghiệm tìm người yêu 'lạ lắm'. Số tôi toàn gặp phải mấy em trai thích lái máy bay, còn khi tìm được người ưng ý thì kết cục lại 'drama'", D. dở khóc dở cười.

Trong 3 năm sử dụng Tinder, T.V (22 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) thường bắt gặp nhiều hồ sơ không nhằm mục đích hẹn hò mà dùng để rao bán tài liệu, khóa học tiếng Anh. Cá nhân V. thấy điều này không ảnh hưởng đến trải nghiệm trên Tinder của mình, bởi nếu không có nhu cầu mua hàng thì V. sẽ quẹt trái để bỏ qua hồ sơ đó. "App hẹn hò cơ bản cũng là một mạng xã hội nên không tránh khỏi các kiểu tài khoản khác nhau. Quan trọng là người dùng có nhu cầu ra sao", V. nói.

Đồng quan điểm, H.T.M (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cho biết bản thân thậm chí thấy buồn cười trước những hồ sơ "bá đạo" trên Tinder, song vẫn tập trung vào trải nghiệm tìm kiếm đối tác hẹn hò mà không quan tâm nhiều đến vấn đề khác. Kể cả khi có nhu cầu mua hàng (khóa học, tài liệu,...), cô cũng ưu tiên tìm đến những nền tảng đúng mục đích hơn Tinder.

Tìm việc làm

Không chỉ Việt Nam, người dùng ở quốc gia khác cũng "biến tấu" cách sử dụng Tinder, ngoài mục đích hẹn hò và... bán hàng.

Hồi tháng 5, Sixth Tone đưa tin về việc mạng xã hội việc làm lớn nhất thế giới LinkedIn cắt giảm nhân sự Trung Quốc, tiến tới đóng cửa tất cả hoạt động liên quan tại thị trường này. Theo đó, ứng dụng InCareer của công ty chính thức ngừng hoạt động ở Trung Quốc từ ngày 9/8/2023. Các chức năng khác như tuyển dụng, đăng việc làm có số phận tương tự.

Sự kiện xảy ra vào thời điểm không thể khó khăn hơn đối với sinh viên tốt nghiệp như Songsong (22 tuổi, sinh viên ngành thời trang, sinh sống tại Bắc Kinh). Cô cảm thấy chán nản vì công cuộc tìm việc chẳng đi đến đâu dù đã ứng tuyển hơn 30 vị trí.

Sau khi xem nhiều loại quảng cáo và hồ sơ Tinder, Songsong nảy ra ý tưởng táo bạo là tìm việc trên ứng dụng hẹn hò nổi tiếng này. Nghĩ là làm, cô thay ảnh đại diện selfie bằng ảnh dòng chữ: “Có ai thiếu nhân sự không? Hiện tôi đang tìm kiếm một công việc. Hãy thuê tôi”.

Songsong chuyển sang Tinder để tìm việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp sau đại học ngày càng tăng. Ảnh: NVCC.

Không trực tiếp “rao bán” sức lao động như Songsong, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh tên là Xing, nói với Sixth Tone rằng cuộc gặp gỡ tình cờ qua Tinder là bước đệm cho sự nghiệp của cô. Không lâu trước khi hoàn thành tấm bằng đại học, cô hẹn hò với một người đàn ông đã match qua ứng dụng.

Xing dành phần lớn thời gian buổi tối để chia sẻ với người này về nỗi lo thất nghiệp, trong khi anh ta - hiện là chồng chưa cưới của Xing và làm việc cho một công ty công nghệ lớn ở Bắc Kinh - đưa ra lời khuyên để Xing chắc suất thực tập tại công ty. Cuối cùng, Xing thực sự giành được vị trí thực tập sinh, tăng cơ hội thành công khi ứng tuyển công việc khác.

“Điều tuyệt vời ở Tinder là có thể kết nối với những người ngoài vòng tròn xã hội thường ngày. Hầu hết mọi người đều có công việc tốt nên bạn sẽ có cơ hội được giới thiệu cho công ty lớn. Tinder cũng tạo ra bầu không khí thân mật hơn LinkedIn, bởi cuộc trò chuyện đầu tiên thường bắt đầu bằng đời sống cá nhân”, Xing nói.

Bà Yang Yutong, giám đốc nhân sự tại một công ty ở Thượng Hải, cho rằng việc sử dụng ứng dụng hẹn hò để kết nối với người cùng ngành, tìm cơ hội việc làm là chiến lược sáng tạo, phù hợp với thế hệ trẻ.

Truyền thông xã hội

Độ nổi tiếng của Tinder còn được tận dụng để tạo tiếng vang cho các hoạt động xã hội.

Chiến dịch bảo tồn chú tê giác trắng cuối cùng do Ogilvy Africa phối hợp cùng Ogilvy North America và trung tâm bảo tồn thiên nhiên OL Pejeta (Kenya) thực hiện là một ví dụ. Họ đã tạo tài khoản Tinder cho Sudan với dòng tiểu sử xưng “tôi”, nói rằng mình là chú tê giác trắng đực cuối cùng trên Trái Đất, thích ăn cỏ và thư giãn trong bùn.

Những ai quẹt phải hồ sơ này sẽ được Tinder chuyển hướng đến trang gây quỹ và nâng cao nhận thức về động vật sắp tuyệt chủng.

Khi những chú chó... dùng Tinder. Ảnh: @socialteesnyc

Một trường hợp khác thì dùng Tinder để tìm chủ mới cho những chú chó bị bỏ rơi. Đây là sáng kiến của nhóm thực tập sinh tại công ty quảng cáo Bartle Bogle Hegarty (Anh) cùng tổ chức phi lợi nhuận Social Tees Animal Rescue (Mỹ).

Bắt đầu bằng thao tác vuốt phải, người dùng sẽ được sắp xếp một buổi “hẹn hò” với chú chó họ chọn, đồng thời nhận thông tin về cơ hội nhận nuôi và làm tình nguyện viên tại tổ chức. Những ai chưa sẵn sàng nhận nuôi vẫn có thể lên lịch dắt chó đi dạo hoặc chơi cùng chúng trong vài tuần.

“Tôi không biết Tinder sẽ phản ứng thế nào, nhưng hy vọng họ đánh giá cao nỗ lực sáng tạo nhằm thu hút nhiều sự chú ý hơn đến hoạt động giải cứu động vật”, Samantha Brody, giám đốc phát triển dự án, trả lời email NBC News.

Tinder nói gì?

Trao đổi với Tri Thức - Znews về những trường hợp trên, đại diện Tinder nhấn mạnh rằng người dùng nên sử dụng Tinder để xây dựng các mối quan hệ cá nhân, không vì mục đích kinh doanh để tăng lợi nhuận hay kiếm tiền.

Tương tự, người dùng cũng không nên quảng bá, chia sẻ các tài khoản hoặc liên kết mạng xã hội để thu hút người theo dõi, bán hàng, gây quỹ hoặc cổ vũ chiến dịch của cá nhân.

"Chúng tôi muốn Tinder trở thành một nền tảng an toàn, thú vị và đa dạng để mọi người được là chính mình và tự do thể hiện bản thân khi xây dựng những kết nối mới. Đây cũng là lý do Quy tắc cộng đồng được tạo ra nhằm giúp mọi người hiểu những giới hạn hành vi của mình ở trong và ngoài ứng dụng. Việc không tuân thủ Quy tắc cộng đồng sẽ dẫn đến việc tài khoản bị cảnh báo hoặc cấm sử dụng Tinder", vị này cho biết.

Bất chấp những mục đích "lệch pha" khi sử dụng ứng dụng, dữ liệu của Tinder cho thấy "hẹn hò lâu dài" là mục đích được lựa chọn nhiều nhất trên Tinder (với 40% thành viên toàn cầu).

Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát 400 người trong độ tuổi 18-26 do Khoa PR và Quảng Cáo (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) phối hợp cùng Tinder thực hiện vào tháng 1/2022, cho thấy tìm kiếm bạn mới, người đồng hành và mối quan hệ lãng mạn là ba lý do hàng đầu thu hút giới trẻ Việt sử dụng ứng dụng hẹn hò.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tinder-khong-chi-de-hen-ho-post1450536.html