Thế giới vẫn còn hơn 40 triệu bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 28/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 511.380.367 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.252.953 ca tử vong.

Số bệnh nhân đã bình phục là 464.676.598 người, trong khi vẫn còn 40.450.0816 bệnh nhân đang phải điều trị.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 636.782 ca mắc COVID-19 và 2.587 ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới là Đức, Italy và Hàn Quốc, lần lượt ghi nhận 124.863 ca, 87.940 ca và 76.761 ca.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng 1.019.690 ca tử vong trong số 82.867.303 ca mắc. Trong 24 giờ qua, Mỹ có 51.391 ca nhiễm mới và 288 ca tử vong.

Tại Trung Quốc, nước này vẫn đang nỗ lực khống chế dịch bệnh COVID-19. Theo CCTV, thủ đô Bắc Kinh ngày 27/4 có 48 ca mắc mới có triệu chứng và 2 ca mắc mới không triệu chứng. Bắc Kinh đã hoàn tất vòng một xét nghiệm diện rộng, tìm ra 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 trên tổng số 20 triệu xét nghiệm.

Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến vào cuối tuần trước đã đẩy nhà chức trách Bắc Kinh (Trung Quốc) đi tới quyết định thực hiện ba vòng xét nghiêm diện rộng. Kết thúc vòng xét nghiệm đầu tiên, thành phố phát hiện thêm 12 ca mắc COVID-19 trong tổng số gần 20 triệu lượt xét nghiệm.

Theo ông Li Ang, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Bắc Kinh, trong 12 mẫu xét nghiệm dương tính này có ba người thuộc “khu vực kiểm soát tạm thời” – tức khu vực bị phong tỏa sau khi phát hiện những ca mắc đầu tiên, thuộc quận Triều Dương. Những trường hợp còn lại nằm rải rác tại 5 quận ở thủ đô và đều không thuộc khu vực phong tỏa.

Trong khi đó, Chính phủ Kuwait ngày 27/4 thông báo quyết định dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch COVID-19 bắt đầu từ ngày 1/5. Theo quyết định này, đeo khẩu trang không còn là yêu cầu bắt buộc cả ở trong nhà lẫn ngoài trời. Tất cả người nhập cảnh, không phân biệt tình trạng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cũng không bắt buộc phải làm xét nghiệm PCR.

Quy định này cũng được áp dụng với tất cả những người đã tiêm khi vào các địa điểm công cộng có không gian kín. Những người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 không còn phải cách ly và chỉ được yêu cầu xét nghiệm PCR nếu xuất hiện triệu chứng trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng.

Những người đã được xác nhận mắc COVID-19 sẽ phải cách ly ở nhà trong 5 ngày kể từ ngày nhiễm, đồng thời bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Liên minh châu Âu (EU) dự định giữ lại hầu hết năng lực sản xuất vắc xin, vốn được phát triển mạnh khi đối mặt với đại dịch COVID-19, để ứng phó với những cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai. Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu với báo giới hôm 27/4, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton cho biết sau một giai đoạn phát triển chưa từng có để đối phó với đại dịch, EU đã đạt năng lực sản xuất tương đương 3 hoặc 4 tỉ liều vắc xin mỗi năm.

Với mục tiêu tiếp tục có vắc xin “địa phương” để có thể huy động nhanh chóng trong tương lai, Ủy ban châu Âu (EC) mong muốn duy trì một “mạng lưới” các điểm sản xuất vắc xin trên khắp Lục địa già, với khả năng có “quyền ưu tiên”.

Để đạt được mục tiêu này, EC đưa ra sáng kiến “EU FAB”, kêu gọi đấu thầu dự trữ năng lực sản xuất vắc xin theo 3 công nghệ lớn là protein, RNA thông tin hoặc vector virus đặt tại EU hoặc tại Iceland, Liechtenstein, Na Uy - 3 quốc gia thuộc khu vực kinh tế châu Âu - với mục tiêu đối phó với “những trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai”.

Các công ty dược phẩm và các công ty sản xuất cho những đối tượng khác trong lĩnh vực dược phẩm có thể đăng ký tham gia sáng kiến trên cho đến ngày 3/6. Trong bước thứ hai, tiến trình đàm phán sẽ mở ra với các ứng viên được chọn. Trong trường hợp khẩn cấp về y tế, EU có thể kích hoạt các năng lực được quy định trong hợp đồng.

Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas nêu rõ: “Chúng tôi phải chuẩn bị cho những tình huống khác nhau, theo cách phối hợp. Sự ngẫu hứng, phân mảnh không phải là một lựa chọn. Từ một người lính cứu hỏa khi đối mặt với tình huống khẩn cấp do đại dịch COVID-19 gây ra, chúng tôi phải trở thành kiến trúc sư của một liên minh y tế bảo vệ sức khỏe của công chúng, khả năng phục hồi của xã hội và nền kinh tế”.

EC nhấn mạnh cuộc chiến chống COVID-19 mang lại cho các quốc gia thành viên EU cơ hội tăng cường công tác giám sát sức khỏe, hệ thống y tế và công tác chuẩn bị chung cho những đại dịch trong tương lai. Tuy nhiên, do vẫn còn nguy cơ gia tăng số ca mắc mới khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi nên các nước EU cần chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch để nhanh chóng trở lại tình trạng khẩn cấp khi cần thiết và nên đẩy mạnh các chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/274824/the-gioi-van-con-hon-40-trieu-benh-nhan-covid-19-dang-phai-dieu-tri.html