Thế giới tuần qua: Cuộc chiến không tiếng súng

Những cuộc xung đột không tiếng súng là bức tranh chung về thế giới tuần qua.

Chiến tranh DDOS bắt đầu

Ảnh: Alex Wong / Getty Images

Nhiều trang web lớn, từ Twitter tới Spotify, GitHub hay PayPal, thậm chí cả một số trang truyền thông trong tuần qua đã bị “đánh” tới tấp, gây ra một cuộc từ chối dịch vụ (tấn công DDOS) trên diện rộng.

Tấn công DDOS không phức tạp. Nó chỉ tương đương với đám vũ khí được tạo ra bởi những đứa trẻ. Cuộc tấn công lần này chủ yếu tập trung vào Dyn, một công ty cung cấp dịch vụ tên miền. Cách thức tấn công: một mạng lưới các thiết bị bí mật bị nhiễm phần mềm độc hại Mirai, biến chúng trở thành botnet - một cách gọi đội quân zombie DDOS.

Giản đơn, nhưng đủ gây hoang mang bởi chưa xác định được ai làm. Chính phủ Mỹ đã phải tiến hành điều tra “khẩn cấp”. WikiLeaks cố gắng… nhận tội. Tuy nhiên, muốn có tội thì cũng phải đưa ra được bằng chứng. Và họ không có.

Hơn nữa, ngày nay, có quá nhiều thiết bị kết nối Internet, không chỉ điện thoại thông minh hay máy tính. Một thế giới người ta gọi là Internet vạn vật (Internet of Things – IoT). Một thế giới người ta coi thường bảo mật. Không đến mức nguy hiểm, nhưng hay bị thương, dù là phần mềm độc hại giản đơn. Chúng ta có thể nhìn thấy bình minh của một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của các cuộc tấn công Internet trên diện rộng.

Mắc kẹt

Hai trẻ em tị nạn trong xe đẩy. Ảnh: Louisa Gouliamaki / AFP

Một cuộc khủng hoảng di cư dài hạn ở Hy Lạp đã hiển hiện trước mắt. Các trại tị nạn ở quốc gia này đã quá chật chội với hàng chục ngàn người Syria tràn vào, báo động khẩn cấp đối với xã hội châu Âu.

Nguyên nhân sâu xa là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một thỏa thuận, Hy Lạp có thể gửi người di cư Syria sang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng quan chức Hy Lạp, bất chấp yêu cầu từ Quốc hội, không muốn làm như vậy vì lo sợ tình trạng nhân quyền không đảm bảo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi chuyển một nhóm sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm mới lại đổ bộ vào Hy Lạp. Hôm thứ năm (20/10), Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã công bố báo cáo cho biết 60.000 người tị nạn sống trong “điều kiện kinh khủng”, nơi mà trẻ em đi lại bằng chân trần và gia đình sống chật vật trong túp lều nhỏ.

Đầu tuần qua, người tị nạn trong các trại đã nổi loạn sau khi một xe cứu thương đã chậm chạp trong việc cứu một phụ nữ bị xe đâm. Một số ném đá vào cảnh sát, số khác đốt xe. Hồi tháng 9, sau khi có tin đồn thất thiệt về việc bị trục xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ, có người đã đốt lều ở trại Lesbos và khiến 4.000 người sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Lực lượng chống người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tích cực, kết nối với các cuộc tuần tra xung quanh trại, và tố cáo các trường hợp cứu trợ nhân đạo khẩn cấp lại bị tấn công.

Cuộc tranh luận thứ ba

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận.

Donald Trump đã tự sản xuất chương trình thực tế trong cuộc tranh luận tổng thống hôm thứ tư (19/10). Ông từ chối đưa ra nhận định. Ông chỉ mỉm cười: Tôi sẽ để các bạn hồi hộp.

Không hổ danh là “ngôi sao truyền thông Mỹ”, ông khiến mọi người phải dán mắt vào mình. Ông nói vào hôm 20/10 chỉ chấp nhận một kết quả chiến thắng. Những người ủng hộ ông đã dẫn lại trường hợp ông Al Gore không lập tức thừ nhận thất bại trước George W. Bush vào năm 2000 (tuy nhiên, đó là khi hai đối thủ quả sít sao và ông Al Gore nghi ngờ kết quả kiểm phiếu ở Florida đáng ra sẽ giúp ông chiến thắng).

Nhìn chung, bà Hillary Clinton có phần áp đảo trong ba cuộc tranh luận. Tỷ lệ ủng hộ cho bà hiện nay cũng đang dẫn trước đối thủ. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra trong cuộc trưng cầu Brexit, bản hòa bình ở Colombia, mọi chuyện đều có thể lật ngược ở phút thứ 89.

Nhưng dù người chiến thắng là ai, không thể phủ nhận, “hiện tượng Donald Trump” cho thấy một vết sẹo dài khó lành trong xã hội Mỹ nói riêng và thế giới nói chung: Thế nào là tự do? Thế nào là thân thiện? Người nhập cư, chào đón hay không? Làm thế nào để cân bằng giữa giá trị nội tại và sự hào phóng đón nhận những luồng di cư mới, tư tưởng mới? Tất cả vẫn đang trong cuộc chiến dường như không có kết thúc.

Ẩn số Philippines

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: WSJ

Hôm thứ năm (20/10), Rodrigo Duterte, Tổng thống Philippines, đã giáng đòn lớn vào liên minh hàng thập kỷ giữa Philippines và Mỹ. Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc, ông tuyên bố “chia tay” với Mỹ và bày tỏ mong muốn gia nhập vào liên minh Nga-Trung.

Dù sau đó đã lên tiếng đính chính không phải “cắt đứt” mà là “độc lập”, chính sách liên minh với Trung Quốc là sự đảo ngược rất lớn so với chính sách người tiền nhiệm. Nguyên thủ đại diện cho quốc gia đi kiện (và chiến thắng) công khai bày tỏ hòa hoãn với đối thủ, không chủ động nhắc đến vấn đề Biển Đông trừ khi Trung Quốc đưa ra trước.

Đây là đòn giáng tê tái vào Mỹ, nhưng đồng thời, cũng đặt Philippines vào thế mạnh miệng nhiều hơn thực chất. Bởi liên minh Nga-Trung không quá bền chắc và dễ chịu. Cứ nhìn vào hành động của chính Manila hiện nay là rõ. Mối quan hệ tưởng bền lâu với Mỹ còn có thể tuyên bố cắt bỏ chóng vánh, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

“Tạm biệt” HFC

Cuộc họp về biến đổi khí hậu ở Rwanda đồng ý cắt giảm chất làm lạnh HFC. Ảnh: Cyril Ndegeya/AFP/Getty Images

Thứ bảy (15/10), gần 200 quốc gia đã phê chuẩn một thỏa thuận cắt giảm mạnh hydrofluorocarbon (HFC), nguồn gây ra biến đổi khí hậu nhanh nhất.

HFC được hiểu là chất làm lạnh, thay thế cho CFC (tạo ra các lỗ thủng tầng ozone) bị hạn chế từ năm 1987. Tuy nhiên, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, cơn sốt HFC lại góp phần to lớn và sự ấm lên toàn cầu.

Cuộc đàm phán về HFC ở Rwanda phản ánh khá cơ bản tình hình chính trị biến đổi khí hậu quốc tế: nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, ủng hộ cắt bỏ HFC, nhưng các nước đang phát triển như Ấn Độ bày tỏ lo ngại về nguồn điện lạnh.

Ngân hàng Thế giới nhảy vào cuộc để làm giảm các bất đồng. Họ hứa hẹn sẽ lập ra các quỹ thân thiện môi trường, tăng cường lựa chọn cho các nước như Việt Nam.

Tưởng buồn, hóa ra ngành hóa chất chẳng buồn tí nào. Theo New York Times, những công ty như Honeywell tự tin có thể phát triển chất làm lạnh thay thế (một số hoài nghi nếu có thì nó sẽ bước vào con đường của CFC, HFC: bị cấm rồi lại tìm chất mới).

Dù sao, đây cũng là một tin tốt với khí hậu, và là điểm sáng trong tuần. Nó có thể ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu nóng lên 0,4 độ C vào cuối thế kỷ này.

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/the-gioi-tuan-qua-cuoc-chien-khong-tieng-sung