Thế giới Thế giới COVID-19: Tiêm chủng giúp giảm hơn 1/2 số ca tử vong trên toàn cầu

Theo một nghiên cứu mô hình toán học vừa được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm The Lancet ngày hôm nay (24/6), việc tiêm chủng giúp làm giảm hơn một nửa số ca tử vong do đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, khi ước tính có khoảng 19,8 triệu ca tử vong đã được ngăn chặn trong năm đầu tiên sau khi vaccine ngừa COVID-19 được triển khai.

Nhân viên y tế triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở tỉnh Ontario, Canada. Ảnh minh họa: TTXVN

Các tác giả trong nghiên cứu nói trên cho biết, mức giảm này tập trung ở những quốc gia có thu nhập cao, dựa vào các chương trình tiêm chủng để nới lỏng các biện pháp can thiệp và cho phép sự lây truyền của virus SARS-CoV-2 tăng lên khi họ chuyển sang giai đoạn mới của đại dịch.

Các nhà nghiên cứu đến từ trường Cao đẳng Hoàng gia London (Vương quốc Anh) ước tính, 31,4 triệu người có thể đã tử vong, nếu không ai được tiêm phòng trong năm đầu tiên thực hiện các chương trình tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 8/12/2020. Tác giả chính của nghiên cứu, ông Oliver Watson cho biết: "Tuy nhiên, nhờ tiêm chủng, chúng tôi ước tính 19,8 triệu người trong số này đã được cứu sống".

Được biết, các ước tính dựa trên số ca tử vong tăng thêm, từ 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những ca tử vong tăng thêm được định nghĩa là sự chênh lệch giữa tổng số trường hợp tử vong đã xảy ra và số trường hợp tử vong được dự báo trong trường hợp không có đại dịch, đây là những ca tử vong có thể do COVID-19 gây ra trực tiếp hoặc gián tiếp.

Theo các ước tính do WHO công bố hồi tháng 5 vừa qua, số ca tử vong tăng thêm trong 2 năm đầu xảy ra đại dịch ở mức gần 15 triệu người. Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn đã không thể đạt được các mục tiêu tiêm chủng trong năm đầu tiên, sau khi vaccine được đưa vào triển khai, và do đó hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng.

Nghiên cứu ước tính, 156.900 ca tử vong khác có thể đã được ngăn chặn nếu mục tiêu tiêm chủng 20% dân số do sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX đưa ra đạt được trong khung thời gian đó, và thêm 599.300 ca tử vong nữa có thể đã được ngăn chặn nếu mục tiêu từ Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) là tiêm chủng cho 40% dân số của mỗi quốc gia trong năm 2021 trở thành hiện thực.

Trong một thông cáo báo chí, ông Oliver Watson cho rằng: "Nếu các mục tiêu do WHO đề ra đã đạt được, chúng tôi ước tính cứ 5 trường hợp tử vong do COVID-19 ở các quốc gia có thu nhập thấp thì sẽ có khoảng 1 trường hợp có thể đã được ngăn chặn".

Hơn 3/4 trong số 19,8 triệu ca tử vong được ngăn chặn là nhờ vào sự bảo vệ trực tiếp thông qua các nỗ lực tiêm chủng chống lại những triệu chứng nghiêm trọng. 4,3 triệu ca tử vong được ngăn chặn còn lại đã nhận được sự bảo vệ gián tiếp, khi việc sử dụng vaccine đã làm giảm sự lây truyền của virus trong dân số, và giảm gánh nặng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc y tế cho những người cần được chăm sóc y tế nhất.

Cũng theo ông Oliver Watson, sự bảo vệ gián tiếp đã được mở rộng cho cả những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng. Thứ nhất, những quần thể dân số có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao sẽ có ít sự lây nhiễm hơn, điều này làm giảm khả năng một cá nhân gặp phải người bị nhiễm bệnh. Thứ hai, những cá nhân đã được chủng ngừa nhưng vẫn bị nhiễm bệnh sẽ có khả năng ít lây nhiễm hơn, so với trường hợp khi họ không được tiêm chủng. Điều này làm giảm khả năng những người này dẫn đến các ca nhiễm bệnh sau đó.

Đáng chú ý, nghiên cứu mới nhất này là nghiên cứu đầu tiên ước tính tác động của việc tiêm chủng COVID-19 trên quy mô toàn cầu, đồng thời cũng là nghiên cứu đầu tiên đánh giá số ca tử vong được ngăn chặn cả trực tiếp và gián tiếp.

Nhận định về điều này, ông Teo Yik Ying, Hiệu trưởng trường Đại học Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng: “Những nghiên cứu như vậy là hoàn toàn cần thiết trong chính sách y tế, nhằm xác định mức độ bệnh tật và tử vong có thể phòng ngừa được”.

Những con số này làm nổi bật đóng góp quan trọng của vaccine trong việc cứu sống con người. Quan trọng hơn, kết quả nghiên cứu cũng thể hiện lợi ích chung đối với thế giới, nếu thách thức về bất bình đẳng trong tiếp cận và phân phối vaccine có thể được giải quyết thành công, ông Teo Yik Ying nói thêm.

Trong một bình luận liên quan đến nghiên cứu, bà Alison Galvani, đến từ Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ) cho hay: "Việc phân phối vaccine không công bằng đã kéo dài đại dịch, và làm trầm trọng thêm xác suất và tần suất sự xuất hiện của các biến thể đáng quan ngại. Ngoài ra, nhiều biến thể mới này trốn khả năng miễn dịch của vật chủ, do đó làm xói mòn hiệu quả của vaccine, cũng như làm tăng khả năng lây nhiễm".

Lê Thảo (Lược dịch từ The Straits Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/covid-19-tiem-chung-giup-giam-hon-1-2-so-ca-tu-vong-tren-toan-cau-a114655.html