Thế giới phản ứng trái chiều trước việc ông Trump dọa hủy thỏa thuận hạt nhân Iran

Các lãnh đạo trên thế giới đã nhanh chóng phản ứng lại quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chứng thực Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận này.

Thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức) hồi năm 2015 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA là một thỏa thuận mà Tehran sẽ cắt giảm chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy cộng đồng quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Trong bài diễn văn tại Nhà Trắng hôm 13.10, ông Trump nói rằng ông sẽ không chứng thực rằng Tehran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Đồng thời Tổng thống Mỹ cho hay ông sẽ trao cho Bộ Tài chính Mỹ quyền áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào lực lượng và các cơ quan thuộc quân đội Iran, Lực lượng Phòng vệ Iran nhằm đáp trả cái mà Washington gọi là động thái gây bất ổn ở Trung Đông. Quyết định của ông Trump sẽ buộc Quốc hội Mỹ phải quyết định xem liệu có khôi phục cấm vận nhằm vào Iran hay không, sau 60 ngày cân nhắc.

Cuối cùng Tổng thống Mỹ nhấn mạnh nếu Quốc hội Mỹ không thông qua đòn trừng phạt mới và Washington không thể đàm phán với các nước còn lại trong nhóm P5 + 1 thì chính phủ Mỹ sẽ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận.

Tuyên bố của ông Trump ngay lập tức bị lãnh đạo các nước châu Âu, Nga, Iran chỉ trích mạnh.

"Chúng tôi khuyến khích Mỹ và Quốc hội của họ nên xem xét tình hình an ninh của Mỹ và các nước đồng minh trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm suy yếu JCPOA, như áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran ngoài thỏa thuận", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May cho biết trong một tuyên bố chung.

Tại Brussels bà Federica Mogherini, trưởng nhóm chính sách đối ngoại của EU nói rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận quốc tế và "không một quốc gia nào có thể tự ý chấm dứt nó".

"Đây không phải là một hiệp định song phương, nó không thuộc về bất kỳ một quốc gia nào hết... Tổng thống Mỹ có thể có nhiều quyền, nhưng đây không nằm trong phạm vi quyền lực của ông ta", bà Mogherini nói thêm.

Bộ Ngoại giao Nga thì tuyên bố rằng không có chỗ cho những lời hùng biện đầy tính đe dọa, hiếu chiến trong hoạt động ngoại giao quốc tế và những phương pháp tiếp cận như vậy thường thất bại. Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh việc Mỹ rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran không làm cho thỏa thuận này sụp đổ nhưng hành động này là đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận.

Về phía Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng bất chấp tuyên bố của ông Trump, Tehran sẽ tiếp tục tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân.

"Những gì tôi nghe thấy hôm nay chỉ là sự lặp đi lặp lại của những cáo buộc vô căn cứ và những đe dọa mà họ đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Đất nước Iran không hề mong đợi điều gì khác từ họ. Chúng tôi tôn trọng JCPOA... chừng nào nó còn phù hợp với quyền lợi và lợi ích quốc gia của chúng tôi", ông Rouhani nói.

Trong khi đó, Israel và Ả Rập Saudi, hai quốc gia thù địch với Iran và là đồng minh chính của Mỹ tại Trung Đông lại hoan nghênh tuyên bố của ông Trump.

Ái Vi (theo Al-Jazeera)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/the-gioi-phan-ung-trai-chieu-truoc-viec-ong-trump-doa-huy-thoa-thuan-hat-nhan-iran-73611.html