Thế giới ngày qua

Bô-li-vi-a: Tổng thống đương nhiệm tiếp tục tranh cử

Ủy ban Chính trị đảng Phong trào Xã hội chủ nghĩa (MAS) cầm quyền ở Bô-li-vi-a thông báo, đảng này nhất trí cao tiếp tục đề cử Tổng thống Ê.Mô-ra-lết ra tranh cử Tổng thống năm 2019. MAS cũng chuẩn bị các thủ tục pháp lý để trình Quốc hội thông qua sửa đổi Hiến pháp, dù việc này đã bị cử tri Bô-li-vi-a bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 2. Ông Ê.Mô-ra-lết là Tổng thống người thổ dân đầu tiên ở Bô-li-vi-a. Sau gần ba nhiệm kỳ của Tổng thống Mô-ra-lết, Bô-li-vi-a hiện là một trong những nền kinh tế phát triển năng động và ổn định nhất tại Nam Mỹ.

Phi-li-pin: Yêu cầu quân đội Mỹ rút đi

Tổng thống Phi-li-pin R.Đu-téc-tê, ngày 16-12, bất ngờ cảnh báo Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc hủy bỏ Thỏa thuận về các lực lượng viếng thăm (VFA) - văn kiện hợp tác quốc phòng song phương mà Phi-li-pin và Mỹ ký năm 1998, theo đó cho phép quân đội Mỹ triển khai luân phiên binh sĩ và trang thiết bị quân sự tại Phi-li-pin phục vụ các hoạt động tập trận và cứu trợ thảm họa. Ông Đu-téc-tê cũng nhấn mạnh, Phi-li-pin có thể tồn tại mà không cần tiền của Mỹ, nhằm đáp trả việc Mỹ vừa quyết định không gia hạn gói viện trợ Phi-li-pin chống đói, nghèo.

Pa-le-xtin: Lo ngại về triển vọng hòa bình

Ngày 16-12, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) X.Ê-ra-cát cảnh báo, nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Đ.Trăm thực hiện lời hứa chuyển Đại sứ quán Mỹ tại I-xra-en tới Giê-ru-xa-lem, điều này sẽ hủy hoại triển vọng hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Theo ông Ê-ra-cát, Giê-ru-xa-lem là vấn đề tranh cãi lâu nay, việc Mỹ đưa ra quyết định nêu trên vào thời điểm này sẽ "phá hủy tiến trình hòa bình Trung Đông”.

* Trong khi đó, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu hoan nghênh việc Tổng thống đắc cử Đ.Trăm chỉ định ông Đ.Phrai-man làm Đại sứ Mỹ tại I-xra-en. Ông Phrai-man ủng hộ việc mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Giê-ru-xa-lem.

Trung Quốc: Cảnh báo về ô nhiễm môi trường

Sau khi ban hành cảnh báo đỏ, mức cao nhất về ô nhiễm môi trường tại thành phố Bắc Kinh, Chính quyền thủ đô của Trung Quốc đã yêu cầu khoảng một nghìn nhà máy ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng. Theo thông báo, khoảng 700 cơ sở sản xuất ở thủ đô phải ngừng hoạt động; khoảng 500 công ty, nhà máy phải giảm sản lượng, trong đó có các nhà máy lọc dầu, sản xuất thép và chế biến thực phẩm. 10 thành phố ở tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh, cũng ban hành cảnh báo đỏ về ô nhiễm môi trường.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/31582002-the-gioi-ngay-qua.html