Thế giới không chỉ thiếu vaccine Covid-19 mà còn khan hiếm... chip

Tình trạng khan hiếm nguồn cung chip ngày càng nghiêm trọng hơn khi các công ty ở Trung Quốc và Apple ráo riết mua tích trữ sản phẩm quan trọng này để sản xuất smartphone (điện thoại thông minh), ô tô và ti-vi...

Ngành công nghiệp sản xuất chip hiện nay về cơ bản tập trung tại châu Á. Ảnh: WSJ

Ngành ô tô và thiết bị công nghệ lo lắng thiếu chip

Sau khi ập đến hồi đầu năm ngoái, đại dịch Covid-19 xóa sạch nhu cầu, rồi sau đó nhanh chóng đốt nóng tốc độ sử dụng internet và điện toán di động khi các nền kinh tế lấy lại được sức sống. Sự thay đổi này diễn ra chỉ trong vòng vài tháng nhưng có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn trầm trọng nhất trong nhiều năm qua.

Các nhà sản xuất ô tô và thiết bị điện tử đã phải cắt giảm mạnh công suất trong những ngày đầu của dịch bệnh. Trong những tháng gần đây, họ sốt sắng ký kết trở lại các đơn hàng, chỉ để rồi không thể giao kịp chúng vì các nhà sản xuất chip đang căng sức để cung cấp lượng chip tối đa cho các hãng smartphone hàng đầu thế giới như Apple.

Những tuần gần đây, nhiều lãnh đạo ngành sản xuất ô tô và thiết bị công nghệ lên tiếng bày tỏ lo ngại họ không có đủ chip để lắp ráp các sản phẩm.

Tuần trước, Giám đốc điều hành hãng chip Qualcomm, Cristiano Amon, cảnh báo tình trạng thiếu hụt chip sẽ xảy ra khắp nhiều lĩnh vực do nguồn cung chip phụ thuộc vào chỉ một vài công ty ở châu Á.

Các hãng xe dường như đối mặt với tình thế khó khăn nhất do thiếu hụt chip sử dụng cho các linh kiện điện tử trên ô tô. Họ đã yêu cầu các chính phủ Mỹ và Đức có động thái hỗ trợ.

Mới đây, hãng xe General Motors (Mỹ) buộc phải dừng hoạt động 3 nhà máy lắp ráp ô tô tại Bắc Mỹ. Trong khi đó, hãng xe Ford cũng dự báo sản lượng ô tô của hãng sẽ suy giảm 20% trong ngắn hạn do thiếu chip.

Nhiều lĩnh vực khác cũng bắt đầu bị ảnh hưởng do thiếu chip. Đại dịch Covid-19 và cơn bùng nổ nhu cầu các dòng smartphone 5G mới bao gồm iPhone 12 của Apple đã làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung vốn chip đang diễn ra khắp ngành công nghiệp hàng điện tử tiêu dùng.

Các công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan, đứng đầu là TSMC, là nguồn cung cấp chip chủ yếu cho các hãng xe và công nghệ trên thế giới. Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo hãng tư vấn AlixPartners, tình trạng khan hiếm chip sẽ làm tổn thất 61 tỉ đô la Mỹ doanh số ở các hãng xe nhưng thiệt hại đối với ngành công nghiệp điện tử có thể lớn hơn nhiều.

Apple, khách hàng chính của Qualcomm, cho biết doanh số của một số mẫu iPhone 12 mới bị kìm hãm vì thiếu chip. Hai hãng chip NXP Semiconductors và Infineon Technologies ở châu Âu cho hay tình trạng thiếu chip không chỉ xảy ra ở ngành công nghiệp ô tô.

Hãng Sony vừa dự báo hãng có thể không đáp ứng đầy đủ nhu cầu máy chơi game mới trong năm 2021 vì tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng chip.

“Đại dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội ở các nhà máy cũng như sự cạnh tranh tăng vọt từ máy tính bảng, laptop và xe điện đang gây ra một số điều kiện khó khăn nhất đối với nguồn cung linh kiện smartphone trong nhiều năm qua”, Neil Mawston, nhà phân tích ở Công ty Strategy Analytics, nhận định.

Ông ước tính các linh kiện quan trọng của smartphone bao gồm chip và màn hình đã tăng giá đến 15% trong 3-6 tháng qua.

Các nhà sản xuất máy tính cá nhân (PC) bao gồm Lenovo cũng đang lo lắng vì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung chip.

Cuộc khủng hoảng thiếu chip xuất phát từ nhiều yếu tố hội tụ vào năm ngoái. Giống như hầu hết mọi công ty thiết kế chip khác trên toàn cầu, Qualcomm gia công sản xuất ở các công ty châu Á, bao gồm TSMC và Samsung. Hai công ty này là nơi cung cấp chủ yếu các chip bán dẫn cao cấp nhất. Các dự án tỉ đô nhằm mở rộng công suất chip của họ phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Cơn bùng nổ nhu cầu internet và smartphone 5G gây bất ngờ cho khách hàng của họ.

Trung Quốc và Apple chạy đua mua tích trữ chip

Các lãnh đạo ngành sản xuất công nghệ chỉ trích tình trạng tích trữ chip quá mức, bắt đầu từ mùa hè năm ngoái khi hãng công nghệ Huawei (Trung Quốc), nhà sản xuất thiết bị viễn thông và smartphone hàng đầu thế giới, mua gom các linh kiện chip bán dẫn để bảo đảm sự sống còn trước các đòn trừng phạt nặng nề của Mỹ.
Trung Quốc đã nhập khẩu chip các loại với trị giá lên đến gần 380 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020, chiếm gần 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này trong năm ngoái.

Các đối thủ bao gồm Apple cũng buộc phải lao vào cuộc chạy đua tích trữ chip.

Ngành ô tô ở Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Á, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể mất mát doanh số tổng cộng đến 61 tỉ đô la Mỹ do sản lượng lắp ráp suy giảm vì thiếu chip, theo dự báo của hãng tư vấn AlixPartners. Ảnh: Bloomberg

Cùng lúc đó, việc nhiều người ở nhà trong thời kỳ phong tỏa cũng thúc đẩy doanh số đồ gia dụng từ những mẫu tivi đắt giá nhất cho đến máy lọc không khí giá rẻ nhất, tất cả đều được trang bị các con chip thông minh.
Các lãnh đạo của TSMC cho biết khách hàng của hãng này đang mua tích trữ chip nhiều hơn bình thường để ứng phó tình trạng nguồn cung bất ổn. Họ dự báo hoạt động mua tích trữ sẽ còn tiếp diễn.

“Cuộc chạy đua tích trữ chip đang diễn ra”, Will Bright, người đồng sáng lập Drop, công ty sử dụng chip tùy biến trong các sản phẩm tai nghe và bàn phím, nói.

Hiện tượng mua vét này đã làm cạn kiệt nguồn cung chip đối với những khách hàng sử dụng chip với số lượng ít hơn như các hãng xe và các công ty sản xuất máy chơi game gồm Nintendo, Sony và Microsoft.

Một số nhà phân tích nhận định các hãng xe gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung chip vì hoạch định kinh doanh với tầm nhìn ngắn hạn và đánh giá thấp đà phục hồi của nhu cầu ô tô sau cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các nhà phân tích khác cho rằng các nhà sản xuất chip ưu tiên cung cấp số lượng chip lớn hơn cho những công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng bao gồm smartphone.

Công ty Minebea Mitsumi (Nhật Bản), nhà cung cấp linh kiện cho ngành công nghiệp điện tử và vận tải, dự báo tình trạng thiếu chip có thể lan ra nhiều ngành khác, bao gồm hàng không.

“Nhu cầu chip đang bật dậy nhanh hơn dự kiến ở khắp mọi lĩnh vực. Các hãng hàng không trên khắp thế giới đang phân rã máy bay cũ để giảm gánh nặng chi phí nhưng nhu cầu đi lại hàng không sẽ bùng nổ sau đại dịch”, Yoshihisa Kainuma, Giám đốc điều hành Minebea Mitsumi, nói.

Giới phân tích nhận định không có giải pháp nào nhanh chóng để đáp ứng kịp nhu cầu chip đang bùng nổ trên toàn cầu hiện nay. Mario Morales, nhà phân tích ở hãng nghiên cứu thị trường, dự báo tình trạng thiếu hụt chip chỉ dịu lại vào nửa cuối năm nay

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/313663/the-gioi-khong-chi-thieu-vaccine-covid-19-ma-con-khan-hiem-chip.html