Thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực lan rộng

Thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng tại nhiều nơi trên toàn cầu. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực chung tay để ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực từ mối đe dọa này.

Phân phát bữa ăn từ thiện ở châu Phi

“Bóng ma” mất an ninh lương thực gõ cửa

Báo cáo chung của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD) khu vực Đông Phi cho thấy khoảng 58,1 triệu người ở vùng Sừng Lớn của châu Phi đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Trong số đó, 30,5 triệu người đến từ 6 trong số 8 quốc gia thành viên IGAD, gồm Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda. Số người còn lại đến từ Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Congo và Tanzania. Phần lớn số người bị mất an ninh lương thực tập trung ở Congo với 23,4 triệu người, tiếp theo là Sudan với 17,7 triệu người. Trong khi đó, tại khu vực Mỹ Latin và Caribe, Haiti cũng đang bị “bóng ma” mất an ninh lương thực gõ cửa. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, khoảng 45% dân số Haiti đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó có 250 nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Thực trạng này biến quốc gia vùng Caribe trở thành một trong những nước chịu khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trên thế giới. Tình hình an ninh xấu đi, các dịch vụ cơ bản bên bờ vực sụp đổ, tác động của nhiều năm hạn hán và thiên tai khiến 5,5 triệu người Haiti có nguy cơ cao bị tổn thương trong năm nay.

Trên quy mô toàn cầu, bảo đảm an ninh lương thực là một trong những vấn đề tối quan trọng và cấp bách hiện nay. Theo số liệu mới nhất, trên thế giới cứ 10 người thì có một người đang thiếu ăn; hơn 2 tỷ người không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Thông cáo chung, được các Bộ trưởng Nông nghiệp của 61 quốc gia đưa ra tại một hội nghị về an ninh lương thực, đánh giá thế giới vẫn đang ở giữa một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu chưa từng có và rất khó có thể đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 2, nghĩa là “Không còn nạn đói” vào năm 2030, với những biện pháp vẫn được thực hiện bấy lâu nay. Nếu không có hành động quyết liệt, gần 600 triệu người trên thế giới vẫn sẽ phải đối mặt nạn đói vào năm 2030.

Việc lương thực không đảm bảo có thể bắt nguồn từ lý do nguồn cung không đủ, sức mua yếu, phân phối không hợp lý và việc sử dụng không thỏa đáng. Tuy nhiên, yếu tố chủ yếu là do xung đột, đặc biệt là khi xung đột xảy ra ở những khu vực sản xuất lương thực chủ yếu của toàn cầu. Cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể coi là một ví dụ điển hình. Phần lớn ngũ cốc của các nước châu Phi là từ Ukraine và Nga. Khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, khu vực này bị thiếu trầm trọng nguồn cung cấp lương thực. Hệ quả là hàng triệu người đứng bên bờ vực của nạn đói. Nhân tố thứ hai là môi trường. Các hiểm họa và nguy cơ như biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất, mất tính đa dạng sinh học và dịch bệnh đang tác động nhiều mặt đến an ninh lương thực. Chẳng hạn năm 2022, tình trạng hạn hán và mưa úng bất thường do gió mùa gây ra ở Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dẫn đến sản lượng thu hoạch giảm, buộc quốc gia này phải ra lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, khiến giá lương thực thế giới tăng lên.

Các cú sốc kinh tế do dịch bệnh kéo dài, lạm phát tăng cao hay tình trạng suy thoái cũng ảnh hưởng đến thu nhập và sức mua của các hộ gia đình, đặc biệt là nhóm đối tượng thu nhập thấp. Giá cả leo thang sẽ làm giảm cơ hội tiếp cận lương thực, sự đa dạng và chất lượng ăn uống. Thêm vào đó là nạn lãng phí lương thực. Theo thống kê, mỗi năm, hơn 30% sản lượng lương thực của hành tinh đã bị hết hạn hoặc bị vứt bỏ trước khi đến tay người tiêu dùng. Con số này tương ứng với 1,3 tỷ tấn lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ. Khủng hoảng lương thực sẽ dẫn đến nạn đói, suy dinh dưỡng và những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống.

Xây dựng hệ thống lương thực toàn diện và bền vững

Chính vì thế, an ninh lương thực đã trở thành một trong những thành tố của an ninh con người, bảo đảm an ninh lương thực trở thành điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người. Thực tế cho thấy, thế giới cần một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận an ninh lương thực, tập trung vào các giải pháp dài hạn để ngăn chặn khủng hoảng lương thực trước khi nó xảy ra. Trước hết, cần thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế để tìm kiếm giải pháp toàn diện, toàn cầu. Mục tiêu trước mắt là cần hỗ trợ các quốc gia đang bị khủng hoảng lương thực đe dọa khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu và kiểm soát áp lực tăng giá nông sản để phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Về mục tiêu lâu dài, các quốc gia thành viên LHQ cần hướng tới hoạt động bao trùm là xây dựng một hệ thống lương thực toàn diện và bền vững, kết hợp với đầu tư phát triển nông nghiệp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để tăng sản lượng thu hoạch và gắn với giải quyết mối liên hệ giữa hòa bình và phát triển. Các nước cần khai thác sức mạnh của khoa học công nghệ để đảm bảo nguồn cung lương thực có khả năng phục hồi trước các mối đe dọa như xung đột và thiên tai.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn chia sẻ mối quan tâm và cam kết tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đang đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới, nhất là ở các nước kém phát triển và những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, thiên tai, dịch bệnh hoặc biến đổi khí hậu.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu, thông qua duy trì xuất khẩu gạo và các nông sản khác ổn định, sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực do tác động của xung đột. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới. Trong đó, xuất khẩu gạo trong năm 2023 đạt mức kỷ lục 8,1 triệu tấn. Không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho người dân trong nước, với những thành tựu nổi bật trong sản xuất, Việt Nam còn đóng góp vào chương trình bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Tiêu biểu là mô hình hợp tác ba bên giữa Việt Nam, FAO và nước đối tác ở châu Phi về trồng lúa. Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo cho một số nước châu Phi. Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp ổn định lúa gạo, hỗ trợ lương thực cứu đói cho các nước xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, giúp đỡ phát triển trồng cây lương thực ở các vùng khó khăn ở châu Phi, châu Á, theo các chương trình của Liên hợp quốc.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-doi-mat-voi-nguy-co-khung-hoang-an-ninh-luong-thuc-lan-rong-post568768.antd