'The Beguiled' - Cuộc chiến khốc liệt từ một chữ tình

Ngoài yếu tố chuyên môn đã được các nhà làm phim thế giới dành nhiều lời khen, Những kẻ khát tình (tựa gốc The Beguiled) còn để lại dấu ấn ám ảnh với cách miêu tả cuộc xung đột tình ái chân thật, đầy tính nghệ thuật.

Những phụ nữ đứng sau màn đấu đá khốc liệt trong 'Những kẻ khát tình'

Chuyện phim khởi đầu với ngôi trường nữ sinh của Martha Farnworth (Nicole Kidman) đang bình yên tại vùng quê Virginia trong bối cảnh cuộc nội chiến đang khốc liệt tại nước Mỹ. Ngoài Martha, ngôi trường chỉ còn năm nữ sinh gồm Alicia (Elle Fanning), Jane (Angourie Rice), Emily (Emma Howard), Marie (Addison Riecke), Amy (Oona Laurence) cùng cô giáo Edwina Dabney (Kirsten Dunst).

Thế rồi cuộc sống phẳng lặng của họ bất ngờ bị phá tan khi Amy trong một lần hái nấm đã phát hiện một người lính chạy khỏi trung đoàn của mình và đang bị trọng thương. Quyết định mang anh về ngôi trường, cô bé không ngờ đã châm ngòi cho một màn ganh đua kịch tính trong chính nơi mà cô xem như mái ấm.

Colin Farrel trong vai hạ sĩ John McBurney bị thương trong cuộc nội chiến

Tất cả những người phụ nữ tại đây đều dốc hết sức để chữa trị và che giấu anh lính John McBurney (Colin Farrel) mặc cho anh không cùng lý tưởng với họ. Thay vì lo rằng người lính sẽ hãm hại mình, những cô gái lại lo sợ anh sẽ bị phát hiện. Từ chi tiết này, phim đã cố ý nhấn mạnh đến việc sự xuất hiện của một người đàn ông đã vô tình đánh thức những nhu cầu cơ bản về giới tính tiềm ẩn bấy lâu của trường nữ sinh. Ngoài cánh cửa kia là xung đột chính trị giải quyết bằng súng đạn, còn bên trong ngôi trường lại là cuộc chiến nội bộ giữa bảy người đẹp nhưng cũng khốc liệt không kém…

Có thể nói, màn khắc họa cách từng nhân vật trong ngôi trường muốn gây ấn tượng trước John McBurney là tình tiết đắt giá nhất trong Những kẻ khát tình. Với lối làm phim đặc sắc của riêng mình cùng góc nhìn của một người phụ nữ, đạo diễn Sofia Coppola đã vẽ nên một bức tranh được tạo nên bởi các nhân vật có nhiều sắc thái, tính cách và suy nghĩ khác nhau nhưng đều hướng đến chung một mục đích. Ở đó, họ không ngại thể hiện tình cảm đặc biệt cho người đàn ông duy nhất trong nhà qua cái liếc mắt đưa tình, tranh nhau tặng sách hay hầu nước, hoặc lén nhìn "quý ông" làm việc bằng sự rung động…

Phim có những góc quay ấn tượng

Không phải kiểu tranh giành công khai như Mean girls hay mưu đồ đấu đá như dạng phim thâm cung nội chiến, trong Những kẻ khát tình, phụ nữ cạnh tranh nhau theo một kiểu thông minh rất quý tộc. Dùng lời nói gia giáo, nhẹ nhàng “nhắc nhở” đối phương không được kể xấu về mình, so sánh từng phụ kiện bông tai kẹp áo, diện lên những bộ đầm xinh đẹp để tỏa sáng nhất có thể...

Đặc biệt, phân đoạn trên bàn ăn là khoảnh khắc khán giả cảm nhận rõ nhất “cuộc chiến ngầm” giữa những cô gái. Chiếc bánh táo nhỏ nhắn bỗng trở thành mục tiêu tranh công của người làm bánh, người đưa ra công thức và cả người đi tìm nguyên liệu. Đây là một sự tinh tế mà hầu hết khán giả đều tỏ ra vô cùng thích thú. Tiếng cười của người xem qua từng lời thoại có phần trẻ con trong cảnh này cũng là minh chứng cho việc bộ phim đem lại cảm giác gần gũi nhưng vẫn có gì đó rất nghệ thuật với hình tượng ẩn dụ chiếc bánh táo.

Hai cảnh bữa ăn trong phim đánh dấu hai bước ngoặt lớn của số phận John McBurney

Trong Những kẻ khát tình, ai trong trường đều cho thấy ham muốn với John McBurney. Nổi trội nhất là ba nhân vật: Hiệu trưởng Martha, cô giáo Edwina, nữ sinh Alicia. Trước tình cảm của bảy người phụ nữ, John McBurney không phải không biết mà còn rất thích thú. Đương nhiên, anh cũng ''đền đáp'' họ và khéo léo “phân loại” để không mất lòng ai nhưng vẫn đạt được mục đích cá nhân. Anh cư xử thân thiện với nhóm học trò nhỏ dại, tán tỉnh cô nữ sinh mới lớn nhưng mong mỏi được khám phá, lịch sự với hiệu trưởng - người đàn bà mạnh mẽ luôn biết cách kìm chế bản thân, và nghiêm túc với cô giáo viên xinh đẹp - người phụ nữ trưởng thành đắm chìm trong tình yêu chớm nở.

Sở hữu sẵn vẻ ngoài lịch lãm, cùng đôi mắt gợi tình, Colin Farrell đã mang đến màn ảnh rộng một John McBurney quá quyến rũ. Nam diễn viên thành công khi giúp người xem hiểu được rằng nhân vật này trở thành “trung tâm vũ trụ” không phải vì đó là người đàn ông duy nhất trong ngôi nhà toàn nữ mà là vì đây là con người có sức hút khó cưỡng. Bởi ngay cả lúc còn nằm trên giường cùng lối trò chuyện thăm dò nhưng nhún nhường, hay khi làm vườn chảy mồ hôi trong trang phục nam tính hoặc cách đối đáp tung hứng trên bàn ăn, anh đã dễ dàng chinh phục cảm tình tất cả.

Colin Farrell không quá khó khăn để thể hiện nhân vật John McBurney

Có thể nói, từ một tên lính đánh thuê nhận 300 USD để thế thân cho người khác đến một quý ông trong mộng của bảy người phụ nữ là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của John McBurney. Đây được xem là giấc mơ hạnh phúc nhất đời anh. Thế nhưng, nếu gọi là mơ thì cũng sẽ có một ngày phải tỉnh…

Quyết định vào phòng Alicia thay vì Edwina như lời hứa hẹn đã khiến John McBurney hối hận vì kể từ đó về sau, mọi chuyện trở nên vô cùng đen tối… Anh gần như mất mọi thứ tưởng chừng như đã có trong tay. Tức giận và đau đớn, anh lính trốn nghĩa vụ đã “phát điên” lên bởi những phụ nữ trong nhà. Và để chấm dứt nỗi sợ hãi mà John đem lại, các cô gái (trừ Edwina) quyết định trừ khử anh.

Phương thức giết người cũng được Sofia Coppola lồng vào hơi thở nghệ thuật điện ảnh. Nếu như cô bé Marie từ đầu phim luôn cho thấy sự đáng yêu ngây thơ với John McBurney lẫn khán giả thì chính cô gái này đã đưa ra ý kiến giết anh một cách lạnh lùng nhất có thể. Khung cảnh Amy vào rừng hái nấm độc không khó để nhiều người liên tưởng đến phần đầu tác phẩm khi cô bé tìm thấy John. Tuy nhiên, lần này, cô không phải để cứu người mà lại tìm cách giết người. Mọi chuyện cứ thế quay về vạch xuất phát nhưng đích đến không còn tươi sáng như trước vì tất cả những ai quý mến John McBurney đều đã bắt tay nhau quay lưng chống lại anh.

Đạo diễn Sofia Coppola (quần đen, ngồi giữa) cùng những nữ diễn viên trong phim

Cuộc chiến nhỏ của hai giới trong lòng một trận chiến chính trị lớn đã được nhà làm phim sinh năm 1971 khéo léo chồng chéo lên nhau, để làm đậm lên bản ngã của những con người trong đó. Dù không tự tay cầm súng, nhưng họ - những phụ nữ có trí tuệ và tháo vát, sẵn sàng cắn xé nhau để có được người đàn ông, rồi cũng không ngần ngại lên kế hoạch giết chết người đàn ông ấy vì cảm thấy bị đe dọa.

Về dàn sao nữ trong phim, nếu không nhắc tới Nicole Kidman, Kirsten Dunst vẫn giữ nguyên phong độ thì Oona Laurence là nữ diễn viên để lại dấu ấn nhất. Một Amy ngây thơ nhưng quyết đoán được cô bé 14 tuổi thể hiện khá trọn vẹn.

Theo một số ý kiến của khán giả, Những kẻ khát tình không bằng phiên bản của Don Siegel năm 1971. Tuy nhiên, sản phẩm của hãng American Zoetrope lại rất được ủng hộ vì mang đậm tính nữ quyền từ trong mọi ngóc ngách bộ phim.

Sofia Coppola thì đã quá nổi tiếng với những bộ phim giàu tính nữ và ẩn chứa những thông điệp nổi loạn ngầm, nhưng The Beguiled thì rõ ràng là chẳng ngầm gì cả. Mọi thứ cứ thế mà biểu lộ ra bên ngoài, từ những ánh mắt khát tình cho đến những rung động nhỏ nhất trong trái tim của các nhân vật. Nhưng cái hay của The Beguiled là Sofia Coppola đã tạo ra được một bầu không khí khá căng thẳng với những phân đoạn sặc mùi rùng rợn giữa các nhân vật với nhau. Đó có thể là lý do mà Sofia Coppola chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes lần thứ 70. Cứ xét đến việc lấy tiểu thuyết tiêu biểu của tác giả Thomas P.Cullinan ra đời năm 1966 và chuyển thể lên màn ảnh rộng từ góc nhìn của người phụ nữ hiện đại, cô đã làm nhiều người tâm phục khẩu phục.

Thanh Đào
ẢNH: UNIVERSAL

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/the-beguiled-cuoc-chien-khoc-liet-tu-mot-chu-tinh-854973.html