Thầy, trò tập trung cho kỳ thi THPT quốc gia

Thầy trò khối lớp 12 đang tập trung học tập, ôn luyện để chuẩn bị chu đáo cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Đến nay, công tác lựa chọn tổ hợp môn thi của HS đã cơ bản được định hình; việc giảng dạy, ôn luyện cũng được ngành Giáo dục địa phương và nhà trường đặc biệt quan tâm...

Quan tâm công tác chỉ đạo

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được xã hội đánh giá cao khi hướng đến nhiều điểm thuận lợi cho thí sinh, nhà trường và cả phía phụ huynh. Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo và các em HS: Năm nay, Bộ GD&ĐT đã sớm công bố phương án thi, đề thi mẫu cũng như công bố lịch thi… làm cho việc giảng dạy, học tập và ôn luyện thuận lợi hơn trước rất nhiều. Theo đó, thầy trò không còn cảnh “bị động” khi nắm thông tin về kỳ thi từ rất sớm; nhà trường chủ động cùng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn triển khai kịp thời đến phụ huynh và HS.

Để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, công tác chỉ đạo trong ngành Giáo dục, đặc biệt là cấp Sở, trường THPT luôn được chú trọng. Do năm nay, thời gian kỳ thi, lịch thi có thay đổi nên kế hoạch giảng dạy, ôn tập phải được tổ chức một cách khoa học, linh động. Điều các trường lưu ý là thời gian không còn nhiều nên việc dạy học, ôn tập theo kiểu “cuốn chiếu” là thích hợp nhất, vì dàn trải sẽ không có đủ thời gian ôn tập cho HS. Song song đó là việc giúp HS tự học, tự ôn luyện để bổ sung kiến thức.

Theo ông Châu Tuấn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng: Từ đầu năm học 2016 - 2017, Sở đã chỉ đạo các trường phải bố trí và có thời khóa biểu cụ thể để đảm bảo dạy đúng và đầy đủ chương trình theo quy định. Phải đảm bảo đủ thời lượng cần thiết để tập trung ôn thi cho học sinh khối 12. Riêng đối với những môn có thay đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải nghiên cứu và hướng cho các em làm quen với hình thức làm bài trắc nghiệm, giúp HS có thêm kiến thức và kinh nghiệm khi làm bài thi dạng này...

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, về hình thức thi chỉ có Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với những đổi mới của kỳ thi, lần đầu tiên môn Toán thi trắc nghiệm và môn Giáo dục công dân có trong các môn thi THPT quốc gia, nên Ban Giám hiệu các trường cũng đã chỉ đạo các tổ chuyên môn thay đổi phương pháp giảng dạy, để có cách truyền thụ kiến thức phù hợp với các đối tượng HS…

Nhằm đảm bảo đạt chất lượng trong quá trình giảng dạy, ôn luyện cho HS khối lớp 12, Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) chú trọng từ khâu chọn giáo viên giảng dạy đến việc tư vấn, giúp đỡ HS chọn tổ hợp môn thi. Đến nay, trường đã tổ chức 2 lần thi thử với nội dung, hình thức thi như một kỳ thi chính thức để các em HS làm quen với hình thức thi và cách thi. Đội ngũ giáo viên trong trường thường xuyên có những buổi họp tổ, để nghiên cứu đề thi, phương pháp giải đề, kinh nghiệm dạy để có phương pháp ôn luyện cho HS tốt nhất.

Để chuẩn bị chu đáo cho Kỳ thi THPT quốc gia 2017, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Cà Mau, các trường THPT trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm học đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương án thi THPT quốc gia. Theo đó, các trường chú trọng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, đưa những điểm mới trong công tác tuyển sinh, thi cử đến với HS và mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng tổ chức tư vấn cho HS trong việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp; tập trung củng cố nâng cao kiến thức cho HS đảm bảo đủ kiến thức, vững tâm lý để bước vào kỳ thi, gặt hái được những kết quả cao nhất…

Tổ hợp Khoa học xã hội “lên ngôi”

Theo chia sẻ của thầy Hồ Văn Luyến - Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu 1, huyện Châu Thành A (Hậu Giang): Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng tình hình HS chọn tổ hợp Khoa học xã hội cao hơn các năm trước. Theo thống kê sơ bộ, toàn trường có 137/273 HS đăng ký tổ hợp môn Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Đánh giá về việc HS lựa chọn nhiều ở tổ hợp Khoa học xã hội, thầy Luyến cho biết: “Sau khi tổ chức thi học kỳ I, điểm số các môn thi của tổ hợp Khoa học xã hội cao hơn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên rất nhiều. Cũng vì lý do này mà đa phần các em muốn nắm phần chắc trong tay nên sự lựa chọn có thiên về các môn xã hội”.

Sau nhiều năm các môn thi khối Khoa học xã hội có ít thí sinh lựa chọn thì năm nay Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) có nhiều thí sinh lựa chọn thi theo tổ hợp môn này. Theo chia sẻ của thầy Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng nhà trường: Đến thời điểm hiện tại, xu hướng chọn thi tổ hợp môn Khoa học xã hội của HS năm nay có tăng hơn. Theo đó, tỷ lệ HS đăng ký tổ hợp môn Khoa học xã hội là 27%, tăng gần 20% so với năm trước.

Nếu như năm vừa rồi chỉ có gần 100 HS chọn thi các môn Sử, Địa thì năm nay Trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau) có 188/498 HS chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội. Theo thầy Châu Văn Tuy - Hiệu trưởng nhà trường: Việc gia tăng số HS chọn thi tổ hợp Khoa học xã hội là do các em nhận thấy sẽ dễ lấy điểm hơn, đặc biệt là các em HS trung bình, khá…

Cũng theo khảo sát của Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Có 120/465 HS chọn đăng ký thi tổ hợp Khoa học xã hội (chiếm 25%), tăng so với năm học trước. Theo Thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng nhà trường: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT năm 2017, trường đã chủ động cho các em HS lựa chọn tổ hợp môn thi. Sau đó sắp xếp những em chọn tổ hợp giống nhau sẽ học chung lớp. Để đảm bảo chất lượng, nhà trường phân công những giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm để giảng dạy, ôn tập cho HS ở các tổ hợp môn…

Đến nay, mặc dù chưa chốt việc đăng ký tổ hợp môn thi THPT quốc gia nhưng theo ghi nhận của chúng tôi đã có nhiều HS lựa chọn thi theo tổ hợp Khoa học xã hội. Lý giải về lựa chọn này, nhiều giáo viên cho biết do các môn xã hội như Sử, Địa thi theo hình thức trắc nghiệm nên HS thấy yên tâm vì chỉ cần nắm vững kiến thức, không cần học thuộc lòng cũng có thể có điểm cao. Bên cạnh đó, tổ hợp Khoa học xã hội đối với HS có học lực trung bình hay học khá sẽ phù hợp hơn và dễ kiếm điểm hơn…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thay-tro-tap-trung-cho-ky-thi-thpt-quoc-gia-2927892-b.html