Thầy thuốc của những bệnh nhân đặc biệt

Hiện nay, người bị nhiễm HIV/AIDS vẫn sống trong sự kỳ thị của cộng đồng khiến họ rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti, sống không có niềm tin. Ở Bệnh viện Nhân Ái, thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, đóng chân trên địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước gần 20 năm qua, luôn có những y, bác sĩ ngày đêm quên đi niềm hạnh phúc riêng để phục vụ bệnh nhân AIDS. Họ đang nỗ lực tìm niềm tin sống và thực hiện những mong ước của các bệnh nhân bằng tất cả những gì có thể với mong muốn họ sẽ được sống tốt, sống có niềm tin và sống có ích cho những ngày còn lại.

“Linh hít sâu, thở đều và đếm 1, 2, 3 nhé. Bữa giờ điều trị bằng enforce thấy phổi Linh cải thiện hơn rồi đó”. - “Dạ, lúc mới vào em thở không nổi, phải thở bằng ô-xy, nay em thấy khỏe hơn nhiều rồi ạ!”. - “Buổi tối và sáng sớm, Linh phải giữ ấm nha, phải uống nước ấm, không được uống nước lạnh, có khó khăn gì thì nhớ báo bác biết. Linh cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé…!”. Đó là đoạn đối thoại, lời dặn dò thể hiện sự tận tâm của bác sĩ Trần Văn Quang đối với một bệnh nhân AIDS đang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.

Bác sĩ Bệnh viện Nhân Ái thăm khám, động viên bệnh nhân HIV/AIDS

Bác sĩ Quang chia sẻ: “Tôi sống và làm việc ở Bệnh viện Nhân Ái hơn 10 năm. Công việc của tôi và đồng nghiệp chủ yếu là điều trị, chăm sóc, động viên, cố gắng giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân HIV/AIDS. Nơi đây, mỗi ngày tôi đều nhìn thấy và cảm nhận được nỗi đau tinh thần, thể xác của bệnh nhân. Họ đều mong muốn có được cuộc sống khỏe mạnh, vui tươi và có một điều tốt đẹp nào đó sẽ đến với họ. Đó cũng là lý do mà tôi đã đến đây, đã chọn nơi này làm việc. Và ở đây, ít nhất tôi cũng hạnh phúc với trách nhiệm của mình, giúp họ có động lực sống, có thêm nụ cười để xóa đi mặc cảm, để rồi họ có cuộc sống yên lành, thanh bình, sống có ích với quãng đời còn lại”.

“Không giống với những bệnh nhân ngoài xã hội, người bị nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn cuối tâm lý thường bất ổn. Vì vậy, tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập, khả năng phơi nhiễm có thể xảy ra, đó là thực tế mà các y, bác sĩ nơi đây luôn phải đối mặt. Ngoài vấn đề quan tâm điều trị thì mình chỉ nói ngắn gọn thế này thôi, đó là phải cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu”.

Bác sĩ LÊ VĂN LONG, Bệnh viện Nhân Ái, huyện Bù Gia Mập

Vì mắc bệnh mà họ phải rời xa gia đình, xa quê nhà để nương náu ở một góc nhỏ vùng quê hẻo lánh. Ở đây, gần 600 người đều có câu chuyện, quá khứ riêng, nhưng tất cả chung một số phận là nhiễm HIV/AIDS. Họ về Bệnh viện Nhân Ái và xem nơi đây như ngôi nhà của mình.

Chị Trịnh Thị Kim Dung, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái chia sẻ: “Mình vào đây điều trị đã hơn 10 năm và được các y, bác sĩ, thầy cô tận tình chăm sóc. Từ một người yếu ớt, nay mình đã cảm thấy khỏe hơn rất nhiều. Cũng có một số người ở ngoài xã hội kỳ thị, nhìn mình ở góc hẹp và nơi này đã giúp mình xóa đi mặc cảm, sống có niềm tin hơn. Mọi người ở đây rất tốt. Có nhiều bệnh nhân cuối đời mong được gặp lại con hay mặc đồ đẹp, ăn món mình yêu thích… cũng được đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ nơi đây giúp thực hiện. Các cán bộ xem chúng tôi như những người thân trong gia đình”.

Điều dưỡng Bệnh viện Nhân Ái giúp bệnh nhân ăn uống

Bệnh nhân được xóa đi mặc cảm, tìm được niềm tin tại Bệnh viện Nhân Ái

Dù bao khó khăn, hiểm nguy nhưng chưa khi nào các y, bác sĩ nơi đây nản lòng, chùn bước. Với trách nhiệm và vai trò của mình, họ vẫn ngày đêm giúp bệnh nhân HIV có thêm sức khỏe, sống có ích và có niềm tin hơn.

Trung Quang - Trần Cảnh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/154518/thay-thuoc-cua-nhung-benh-nhan-dac-biet