Thầy giáo 'đi B' - Bài 2: Giữ vững chí khí, từ cõi chết trở về (Tiếp theo và hết)

Hôm sau, 9 giờ sáng, lính gác bịt mắt tôi đưa đi tra tấn và hỏi cung. Tại đây, bọn chúng dùng nhiều đòn tra tấn thật khủng khiếp. Cứ sau mỗi câu trả lời của tôi làm chúng không bằng lòng luôn là những cú đá và dùi cui đánh tới tấp vào đầu, vào mặt...

Chúng liên tiếp hỏi tên tôi và ở đơn vị nào, đóng ở đâu? Tôi trả lời tôi là Trần Long, Việt kiều hồi hương. Tôi không biết gì hết! Với lối tra tấn dã man này, tôi ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. 2 giờ chiều hôm đó, một tên lính vào phòng giam mở khóa chuồng cọp lôi tôi ra ngoài, bịt mắt rồi lại đưa tôi đến phòng hỏi cung. Đến nơi, tên sĩ quan chỉ huy bắt lính mở băng bịt mắt cho tôi và bắt tôi quỳ trước một cái bàn. Hắn khom người xuống nhìn vào mặt tôi hỏi: Mày tên gì? Thủ trưởng mày tên gì? Đơn vị mày đóng ở đâu? Tôi lại trả lời: “Tôi là Trần Long, Việt kiều hồi hương. Tôi không có thủ trưởng nào và tôi không có đơn vị nào cả. Tôi không biết!”. Hắn rít một hơi thuốc dài rồi dùng điếu thuốc châm vào mi mắt tôi bỏng rát. Lần tiếp, theo phản xạ tôi ngoảnh mặt để tránh thì lập tức bị một cú đá như trời giáng bằng giày đinh vào ngực làm tôi ngã lăn ra đất...

Bọn chúng điên tiết tra tấn, đánh đập tôi dã man cho đến 5 giờ chiều, khi tôi ngất xỉu mới thôi và sau đó lại đẩy tôi vào chuồng cọp. Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, lại tên sĩ quan ngụy ác ôn lúc chiều đến nói với tôi rằng mấy thằng bên kia khai hết rồi. Đang lúc ấy, tôi nghe một loạt tiếng nổ lớn từ phía bên kia, tiếng súng AR-15 của Mỹ. Tên sĩ quan nói: “Nếu mày không khai thì kết cục cũng như thế đó!”. Nói xong, chúng bịt mắt tôi đưa đến bờ sông Tiền Giang, đẩy tôi xuống thuyền máy chạy ra giữa sông, cột đá vào chân rồi tiếp tục tra khảo. “Không biết!”. Chúng tức giận quẳng tôi xuống sông. Một lúc sau, tỉnh lại, tôi thấy mình đã ở trên mạn thuyền với tư thế nằm ngửa, đầu, cổ thõng xuống sông. Chúng tiếp tục dùng chân đạp vào bụng, dội nước vào mặt, mũi tôi và tra khảo nhưng không có kết quả. Tôi lại bị quẳng xuống sông, rồi được kéo lên, cứ như thế đến 3 lần. Sau cùng, chúng đưa tôi vào gần bờ sông. Hai tên lính cầm chân tôi dốc ngược, cắm đầu tôi xuống bùn sâu, tra tấn theo lối “trồng chuối”. Sau này nghe kể lại: Khi không thấy chân tôi cựa quậy nữa, bọn chúng lôi lên. Sau đó, hai tên hai bên xốc nách giữ tôi đứng trên thuyền. Tên chỉ huy dí súng vào mang tai tôi và nói “Tao đếm 3 tiếng, nếu mày không khai thì tao cho mày về chầu Diêm Vương!”. Sau khi nghe nó đếm tiếng thứ 3 thì tôi nói: “Các ông thương để tôi về với vợ con, nếu không thì tôi cũng phải chịu”. Lập tức, tôi nghe thấy tiếng nổ đinh tai và không biết gì nữa. Sáng mai tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong chuồng cọp, tôi mới biết là mình vẫn còn sống.

Nhà giáo Thái Duy Trấp (thứ ba, từ trái sang) và đồng đội từng cùng "đi B". Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhà giáo Thái Duy Trấp (thứ ba, từ trái sang) và đồng đội từng cùng "đi B". Ảnh do nhân vật cung cấp

Chiều hôm sau, địch bắt tôi lên máy bay đưa về “Phòng Nhì”, tỉnh Châu Đốc (tỉnh An Giang ngày nay), lại nhốt tôi vào chuồng cọp. Tại đây, bọn ác ôn không còn tính người tiếp tục tra tấn tôi một cách tàn ác, dã man như treo ngược hai chân lên xà ngang cho đến lúc máu dồn xuống mặt bầm tím. Khi tôi ngất đi, chúng lại cắt dây cho rơi xuống rồi đổ nước xà phòng vào mũi, miệng để tôi tỉnh lại và tiếp tục tra hỏi, đánh đập. Vẫn không có kết quả, bọn địch quẳng tôi vào một chiếc thùng phuy đổ đầy nước, đậy nắp thùng rồi dùng búa tạ đánh xung quanh thùng khiến máu tai, mũi, miệng tôi trào ra cho đến khi ngất xỉu. Bọn chúng lại đổ tôi ra khỏi thùng phuy, làm cho tôi tỉnh lại rồi tiếp tục tra khảo.

Chuồng cọp này khác với chuồng cọp tôi đã nằm trước đây. Đó là một thùng sắt hình vuông đứng chạm đầu, nằm chạm chân, nhốt được nhiều người, được đặt đứng ở ngoài trời, dưới cái nắng nóng khủng khiếp. Sáng hôm sau, một tên lính ngục mở chuồng cọp, bịt mắt tôi lại rồi dẫn đến một cái sân rộng như sân bóng đã được rải sẵn đá dăm. Một tên lính nói với tôi: “Bắt đầu cày”. Hắn nắm tóc và đè đầu khiến cho mặt tôi úp xuống sân bóng rải đá dăm rồi nắm lấy hai chân tôi đẩy từ đầu sân đến cuối sân. Bị đẩy đi đẩy lại nhiều lần, hai cùi chỏ tay và trán tôi da toạc, xương trồi, máu me đầy tay, đầy mặt. Khi đưa tôi trở lại phòng tra khảo, tên sĩ quan nói: “Mày biết đi cày rồi chứ! Thế nào? Mày có chịu khai không?”. Tôi lại nói: “Tôi là Việt kiều hồi hương, tôi không biết gì hết”. Vừa dứt lời chúng đã dùng dùi cui đánh tới tấp vào đầu, mặt và cơ thể tôi.

Các bạn tù bị nhốt chung thấy tôi bị tra tấn quá dã man đã rất cảm động nên mỗi người một việc giúp tôi lau sạch các vết thương và tra thuốc sát trùng. May là họ đều có người thân thăm nuôi thường xuyên nên có được sự trợ giúp thuốc thang từ bên ngoài. Thấy tôi tội nghiệp, chẳng có người thân thăm hỏi nên họ rất thông cảm, thương tình. Không chỉ cho tôi ăn mà họ còn giúp tra thuốc vào vết thương cho tôi hằng ngày.

Sau một thời gian tra khảo, đánh đập dã man nhưng không có kết quả, bọn chúng đưa tôi và một số người khác ra tòa án binh để xử, trong đó có một số người bị nhốt chung một chuồng cọp với tôi. Vì không có căn cứ để kết tội, tôi được chúng tha bổng. Vì một mặt khác, tôi lại có căn cước của chính quyền ngụy Sài Gòn cấp, thực chất là do tổ chức cơ sở bí mật trang bị khi mới đến.

Được tha, nhưng vì thấy tôi còn trẻ, chúng bắt tôi và một người khác cùng lứa tuổi đến quân trường Thất Sơn ở Châu Đốc (thuộc tỉnh An Giang ngày nay) để đi lính cho ngụy Sài Gòn. Trên đường đến quân trường, khi xe đi qua chợ thì 30 người cùng bị bắt đi lính như tôi ra hiệu với nhau và đồng loạt nhảy xuống xe chạy trốn, chỉ còn sót vài ba người nhảy không được.

Tôi vượt sông biên giới sang Campuchia để tìm đường về đơn vị, nhưng thật không may lại bị quân ngụy Sài Gòn đóng trên bờ sông Sở Thượng đi càn tưởng tôi là lính đào ngũ nên bắt giữ và chuyển đến quân trường để tiếp tục đi lính. Trong thời gian bị giam ở đây, trước sự tra tấn, hỏi cung của địch, tôi vẫn chỉ một mực khai là Việt kiều hồi hương đi lính. Chúng tin rằng tôi là lính trốn về thăm người thân thật. Trong một tháng bị giam ở Cao Lãnh, thỉnh thoảng có những tên sĩ quan đi về đều bắt tôi ra rửa xe, có khi chúng còn cho tiền và cho phép tôi được đi lại trong khu vực doanh trại của chúng. Tên Thiếu tá Trưởng ty An ninh Quân đội tỉnh Kiến Phong hỏi tôi: “Đơn vị mày ở đâu?”. Tôi trả lời đơn vị tôi đóng ở Sa Đéc. Nó bảo: “Ít bữa nữa, tao trả mày về đơn vị”.

Một hôm, tên Thiếu tá cho đòi tôi lên phòng làm việc của nó và bảo: “Tao cho mày về đơn vị. Mày có đi được không hay tao cho bọn lính đưa mày đi?”. Tôi bảo tôi biết đường và đi được. Hắn đưa cho tôi 500 đồng tiền miền Nam và một tờ giấy, bảo: “Mày về Sa Đéc trình giấy này cho ông Thiếu tá Trưởng ty An ninh Quân đội Sa Đéc”. Nội dung trong giấy là: “Chúng tôi bắt giữ tên lính Trần Long trốn đơn vị về thăm gia đình, chúng tôi đã giữ lại một thời gian để điều tra; nay trả về đơn vị...”.

Thật may là chúng không cho lính đưa tôi đi. Ra khỏi vọng gác khu vực, tôi quan sát, lợi dụng lúc vắng, không có lính, quay lại đi về phía Hồng Ngự, rồi xin quá giang lúc thì ô tô, khi thì thuyền. Tôi không đi bên kia sông Sở Thượng (bờ phía Tây) như lần trước mà đi theo bờ phía Đông nên không sợ gặp phải lính nữa. Tôi về đến Hồng Ngự vào chiều 14-7-1972 âm lịch.

Thấy bà con đang chuẩn bị thắp hương rằm tháng Bảy, tôi vào nhà một má già ở một mình và xin nghỉ qua đêm. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều, trời đã nhá nhem, tôi thưa: “Dạ, con chào má ạ!”. Má già ngước nhìn tôi: “Má chào con, mời ngồi chơi!”. Bên bếp lửa hồng, má già và tôi ngồi nói chuyện xã giao. Một lát, nhìn qua cánh đồng nước mênh mông thấy đèn lấp loáng nhiều chỗ trong rừng sâu, tôi hỏi má: “Má ơi! Sao bên kia có nhiều đèn thế hở má?”. Má trả lời: “Đó là bọn giăng câu, thả lưới đấy”. Rồi má nói tiếp: “Hồi trước bà con cũng ở trong đó, nhưng vì “ô bi” phục nhiều quá (pháo địch bắn nhiều quá) nên phải dời ra đây ở”. Ý má cho tôi biết là trong rừng phía bên kia cánh đồng nước có Quân Giải phóng. Hóa ra, dân ở vùng địch quản lý nhưng đây cũng là vùng hoạt động bí mật của cách mạng. Nửa đêm hôm đó, khi bà con đã ngủ, tôi ra sân thấy một tấm nilon bèn lấy gối, chăn, màn, quần áo rồi dùng tấm nilon đó gói lại thành một cục to làm phao bơi. Tôi ôm phao lội xuống nước thầm chào tạm biệt má rồi nhắm thẳng chỗ có ánh đèn mà bơi tới. Gặp chỗ nào cạn thì lội, chỗ nào sâu không lội được thì bơi, vừa lội vừa bơi được khoảng 100m thì gặp nước chảy mạnh. Càng xa bờ, nước chảy càng mạnh...

Bơi lội suốt đêm, lại đói nên người mệt lả. Tôi bơi đến một khu rừng nhỏ gần đó và thấy cây cối bị gãy cành, ngọn, cảnh rừng xơ xác như vừa có đánh nhau, đoán rằng ở đây có các anh Giải phóng đóng quân. Bơi đến được một gốc cây khá to, tôi trèo lên chạc ba, gác phao lên cây và gối đầu lên phao, nghĩ bụng: Nếu ở đây có các anh Giải phóng thì chắc chắn sáng mai, họ sẽ bơi ra đồng kiếm cái ăn, lúc đó, mình sẽ gặp các anh và nhờ các anh chỉ đường về cơ quan... Nghĩ đến đó, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Bất chợt nghe một loạt súng đại liên bắn từ phía bên kia bờ sông Sở Thượng sang, tôi giật mình tỉnh giấc thì trời đã rạng Đông. Nhìn sang phía bên kia bờ sông thấy bọn lính ngụy đang chuẩn bị đi càn, biết là bên ấy có đồn địch, tôi ôm phao nhảy xuống khỏi cây và tiếp tục bơi dọc bờ sông. Bơi được khoảng hơn 200m thì gặp một khu rừng toàn là cây me dương. Thật vất vả khi phải vượt qua khu rừng đầy gai góc này. Cứ thế, tôi bơi lội lênh đênh suốt 4 ngày đêm trên sông nước Đồng Tháp Mười mênh mông.

Và rạng sáng ngày thứ 5 kể từ khi vượt sông nước, tôi đã về đến sông Cả Cùng. Tôi hét lên: “Ông Ba, má Năm, chú Tư, bà con cô bác ơi! Hai Sơn sống về đây nè”! Bà con chạy ùa ra bờ sông. Mọi người vừa vỗ tay vừa reo lên: “Thằng Hai Sơn đang sống đã về bà con cô bác ơi!”.

Sau Hiệp định Paris 1973, Tiểu ban Giáo dục K1 của chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, tôi được phân công về Ty Giáo dục Tây Ninh. Năm 1977, tôi được trở về quê hương tiếp tục làm một nhà giáo ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đó là công việc hết sức thiêng liêng và cao quý mà tôi đã cống hiến hết đời mình.

Nhà giáo THÁI DUY TRẤP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/thay-giao-di-b-bai-2-giu-vung-chi-khi-tu-coi-chet-tro-ve-tiep-theo-va-het-727753