Thầy giáo 20 năm vẽ ước mơ cho trẻ khuyết tật

Từng lỡ hẹn rất nhiều cuộc thi hội họa nhưng suốt hơn 20 năm qua, thầy giáo Dương Tử Long (54 tuổi, ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) lại không hề lỡ hẹn trong việc ươm mầm tài năng hội họa, vẽ lên vô vàn ước mơ cho trẻ em nghèo, khuyết tật.

20 năm cần mẫn với nghề

Mặc dù đã tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm, nhưng sau khi ra trường thầy Dương Tử Long xin học thêm chuyên ngành hội họa của trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, thầy Long phải đối đầu với gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Gạt qua tất thảy, thầy vẫn quyết giữ trọn đam mê và theo đuổi ước mơ đến cùng. Thầy tâm sự, mình vốn trầm tính, những lúc buồn phiền đều không tâm sự với ai, chỉ biết nhờ cây bút vẽ để trải lòng mình. Cứ thế, những vật dụng tưởng như vô tri vô giác như bút vẽ, những mảng màu tối sáng cùng với bức tranh như những người bạn tri kỷ của thầy.

Khi bố mất, thầy Long lỡ hẹn với nhiều cuộc thi hội họa lớn nhỏ ở Hà Nội. Rất buồn nhưng thay vào đó thầy chọn hướng đi khác cho nghiệp “vẽ” của mình. Thầy nhận lời một người bạn (là chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội) đến dạy lớp hội họa, địa điểm tại trường tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa). Ngày đầu đến lớp, nhìn những đứa trẻ ngây thơ say sưa vẽ đến nỗi màu vẽ nhem nhuốc hết lên quần áo, cơ thể, thầy cảm động lắm. Ấy thế mà đã hơn 20 năm thầy gắn bó và nuôi dưỡng tài năng hội họa cho các mầm non “khuyết”.

Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ bị khuyết tật, có em bị tự kỷ còn khó hơn gấp bội lần. Phần lớn các em bị câm, điếc bẩm sinh nên để hiểu hơn những suy nghĩ, tình cảm của học trò, thầy Long đã tham gia lớp học giao tiếp bằng hình thể. Mới đầu chưa quen, động tác nọ xọ động tác kia nhưng giờ nhìn mỗi động tác, cử chỉ của các con là thầy biết các con muốn nói gì, cần gì. Tình cảm thầy trò thân thiết như cha con cứ lớn dần từ đó.

Phần lớn những người yêu thích nghệ thuật đều sống rất tình cảm và thầy Long cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, khi đến lớp, thầy rất nghiêm khắc, khen chê học trò rõ ràng. Có điều đặc biệt tại lớp học vẽ của thầy Long, đó là trước khi vào học, các học trò đều phải trải qua vòng “tuyển chọn” của thầy. Học trò nào thực sự yêu thích vẽ thầy mới nhận dạy. Nếu thầy thấy các bậc phụ huynh chỉ đưa con đến lớp nhằm lấp kín thời gian thì nhất định thầy sẽ từ chối. Dựa vào khả năng của mỗi học trò,thầy sẽ sắp xếp các em vào các lớp học khác nhau như lớp dùng màu, lớp dùng thuốc nước, bột màu và lớp học cao nhất là dùng sơn dầu để vẽ. Với học sinh khuyết tật, thầy thường bóc tách thật cụ thể bố cục của đồ vật giúp các em có thể nhận thức rõ và vẽ tốt nhất. Để các em có được những bức tranh sống động về thiên nhiên, con người, thầy Long tổ chức cho các em những buổi đi dã ngoại thật vui vẻ, đầm ấm, cũng là để các em biết chia sẻ, yêu thương bạn bè hơn.

Các học sinh của thầy Long đều đang ở độ tuổi ăn, tuổi lớn nên rất hiếu động, nhiều lúc đang học thì lại trêu đùa, la hét. Thầy thường khuyên bảo nhẹ nhàng, tình cảm nhưng với nhiều em thầy nghiêm khắc phê bình để các em rút kinh nghiệm và sửa đổi bản thân. Thầy tâm sự, các em không có được hình hài bình thường như chúng bạn đã là một thiệt thòi lớn nhất rồi nên thường rất nhạy cảm. Chỉ cần một tổn thương nhỏ thôi cũng khiến các em mặc cảm vô cùng. Thế nên trong quá trình dạy học, thầy phải thật khéo léo, lúc nào cũng cho học sinh cảm giác được yêu thương, chia sẻ. “Tôi không bao giờ nói học sinh các câu đại loại như “không được, không đúng, không phải” mà phải nói các con “nên như thế này, nên thế kia” để các con thấy mình rất tôn trọng chúng, yêu thương chúng”, thầy Long cho biết. Cũng bởi cách dạy trìu mến ấy mà các học sinh của thầy đều tiến bộ nhanh chóng. Có em sau 3 tháng học đã nắm bắt được hầu hết các kiến thức cơ bản, vẽ được những bức tranh ấn tượng, giàu cảm xúc.

Với những ai yêu thích hội họa thì đó chính là ngôi nhà hạnh phúc có thể thỏa sức sáng tạo, thả vào đó những trăn trở, ưu tư, phiền muộn của cuộc đời. Với các học trò của thầy Long thì hội họa chính là bầu trời tự do đầy sắc màu của cuộc sống. Thầy thường dạy mỗi gam màu là một nỗi niềm, tâm trạng của các em, nên đừng bao giờ lạm dụng với màu sắc này hoặc hời hợt với màu sắc khác. Mỗi bức tranh là sự dung hòa của màu sắc. Và cuộc sống cũng cần có sự dung hòa giữa niềm vui và nỗi buồn.

Thầy Dương Tử Long đang hướng dẫn học trò. Ảnh: Hồng Giang

Những quả ngọt

Khi hỏi điều gì giúp thầy giữ được sự bền bỉ với nghề như vậy, thầy Long bộc bạch: “Từ khi gắn bó với công việc đến nay, tôi học hỏi được nhiều thứ từ các con của mình. Chính các con là người mang đến cho tôi niềm vui, sự lạc quan và ý chí vươn lên trước hoàn cảnh. Nhìn những nét vẽ đáng yêu, khuôn mặt hồ hởi sau khi hoàn thiện bức tranh của các con, tôi thấy như được sống lại những năm tháng tuổi thơ của mình”.

Và quả ngọt thật sự đến với lớp học của thầy Long khi các học sinh của thầy đạt được những giải cao trong cuộc thi vẽ dành cho người khuyết tật. Em Duy Hưng, 10 tuổi đã xuất sắc giành giải 3 trong một cuộc thi vẽ của TP Hà Nội với chủ đề “Em yêu Hà Nội”. Đó là món quà ý nghĩa em dành cho người mẹ yêu quý dũng cảm chống chọi với căn bệnh ung thư. Em Hồng Anh đã có một tác phẩm tuyệt vời được vinh danh trên con đường gốm sứ. Em Quốc Việt vinh dự được tham dự cuộc thi vẽ toàn quốc. Ngoài ra, thầy Long cùng câu lạc bộ đã tổ chức nhiều buổi triển lãm tranh cho các em thỏa sức sáng tạo và thể hiện mình.Một số em trưởng thành từ lớp học vẽ của thầy Long đã rủ nhau mở chung phòng tranh tại Hà Nội, vừa để thỏa thích đam mê vẽ, vừa có thể tự lập nuôi sống bản thân. Nhìn vào thành quả của các học trò, thầy Long rất vui và tự hào vì không ngờ lớp học nhỏ bé của mình đã giúp các em có được thành quả như ngày hôm nay.

Nói về những kỷ niệm với nghề trong hơn 20 năm qua, thầy chia sẻ: “Nhớ những lần,phụ huynh học sinh “lếch thếch” xách vài ba quả bưởi, cái bánh, mớ rau... dưới quê lên biếu, tôi cảm thấy rất xúc động vì sự đơn sơ, giản dị và chân thành. Có những em gia đình gặp chuyện không vui, các em buồn chán không đến lớp, tôi liền đến tận nhà an ủi, động viên các em. Phải lôi các em ra khỏi những mớ buồn tủi ấy, để chúng chìm dần trong đó thấy tội lắm”.

Mặc dù không thể nói được nhưng sau mỗi buổi học, các em ai nấy đều đến trước mặt thầy cố gắng đánh vần từng chữ “Con chào thầy” rồi mới ra về.

Thầy Long thường ví các học trò của mình là “vầng trăng khuyết”. Nhưng các em sẽ thật sự tỏa sáng nếu được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm. Thầy Long mong mình sẽ luôn mạnh khỏe để tiếp tục đồng hành cùng những học trò thân yêu. Thầy ước mơ sẽ tổ chức được nhiều buổi triển lãm tranh để có thể giới thiệu những bức tranh trẻ thơ nhiều sắc màu và ý nghĩa đến với mọi người. Có thể các em có hình hài không hoàn hảo nhưng sự lạc quan, yêu đời và ý chí vươn lên của các em lại là điều hoàn hảo và đáng được trân trọng.

Hồng Giang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/thay-giao-20-nam-ve-uoc-mo-cho-tre-khuyet-tat-117616