Thấy gì từ vụ Taylor Sheesh bị tấn công ở Philippines

Taylor Sheesh, người nổi tiếng khi hóa trang thành phiên bản Taylor Swift, bị tấn công trong buổi hòa nhạc phản ánh sự phân biệt và bạo lực mà cộng đồng LGBTQ+ đang phải đối mặt.

Taylor Sheesh, drag queen được mệnh danh là phiên bản Philippines của Taylor Swift, mới đây bị tấn công trong một buổi hòa nhạc tại quê nhà Philippines.

Sự việc đã làm dấy lên cuộc tranh luận và kêu gọi thông qua dự luật chống phân biệt đối xử nhằm bảo vệ những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ khỏi quấy rối và bạo lực.

Nạn phân biệt ở nơi thân thiện với LGBTQ+

Sheesh, tên thật là Mac Coronel, xác nhận trong một bài đăng trên trang cá nhân rằng cô bị tấn công tại một buổi hòa nhạc ở thị trấn địa phương Bayambang, thuộc tỉnh Pangasinan cách Manila khoảng 200 km.

"Tôi đã bị chấn thương. Theo đúng nghĩa đen. Bây giờ tôi vẫn còn run rẩy", nữ nghệ sĩ biểu diễn viết trên X (Twitter cũ) sau vụ việc.

cho thấy một khán giả nam giơ tay đánh vào cổ drag queen giữa màn trình diễn của cô vào ngày 6/4 đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến dư luận phẫn nộ và nhiều người đứng lên bảo vệ "bản sao" Taylor Swift.

Thị trưởng Bayambang Ninã Jose-Quiambao lên án hành động này trên trang mạng xã hội của bà.

"Tôi sẽ không tha thứ cho sự kỳ thị người đồng tính và lạm dụng thể chất trong thị trấn của mình. Tôi đảm bảo rằng công lý sẽ được thực thi. Tôi cũng xin lỗi Taylor Sheesh vì cô đã bị ai đó hành hung trong buổi biểu diễn", Quiambao viết. Bà đồng thời trấn an người dân rằng thủ phạm đang bị chính quyền địa phương giam giữ.

Taylor Sheesh sau đó đăng một bản cập nhật thông tin, cho biết người đàn ông bị buộc tội gây rối công cộng, một tội nhẹ có thể bị phạt tù từ 1 đến 30 ngày và phạt tiền từ 5-200 peso Philippines.

Taylor Sheesh tại một buổi biểu diễn ở Singapore hôm 16/3. Ảnh: SCMP.

"Tôi sẽ không dung thứ cho hành vi bạo lực đối với cộng đồng LGBTQIA+. Chúng ta cần Dự luật SOGIE (Khuynh hướng tình dục, Bản dạng giới và Bình đẳng về biểu hiện) hoặc một đạo luật để bảo vệ chúng tôi khỏi bất kỳ loại hoạt động kỳ thị đồng tính hoặc chuyển giới nào. Hy vọng chúng tôi nhận được sự công bằng mà mình xứng đáng được nhận", cô viết.

Dự luật Bình đẳng SOGIE của Philippines, nhằm hình sự hóa sự phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới, biểu hiện giới tính hoặc đặc điểm tình dục (SOGIESC), lần đầu tiên được đệ trình lên Quốc hội cách đây 20 năm. Nhưng kể từ đó đến nay, việc thông qua dự luật này có rất ít tiến triển.

Những người ủng hộ quyền LGBTQ+ tin các biện pháp pháp lý của dự luật là cần thiết trong việc ngăn chặn sự phân biệt đối xử với người thiểu số, điều mà họ cho rằng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng mặc dù mức độ chấp nhận LGBTQ+ của đất nước dường như rất cao.

Philippines được coi là một trong những quốc gia thân thiện với LGBTQ+ nhất ở Đông Nam Á. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew vào năm 2019, 73% người Philippines đồng ý rằng đồng tính luyến ái nên được xã hội chấp nhận, con số này cao hơn nhiều so với các nước láng giềng, bao gồm Hàn Quốc với 44% và Indonesia là 9%.

Phiên bản mới nhất của dự luật sẽ cấm các hành vi phân biệt đối xử như sử dụng SOGIESC của một cá nhân làm cơ sở để tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên, cũng như từ chối nhập học hoặc đuổi học một học sinh khỏi trường. Người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt 250.000 peso (4.370 USD) hoặc phạt tù lên tới 6 năm.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ cho rằng Dự luật Bình đẳng SOGIE vẫn chưa đủ để bảo vệ cộng đồng LGBTQ+ khỏi bạo lực.

Luật sư Jesus Falcis đã viết trên X: "Ngoài Luật chống phân biệt đối xử SOGIE, chúng ta sẽ cần một luật cụ thể về chống tội phạm thù hận".

Cần thêm luật cụ thể

Nhà văn Em Enriquez viết trên tạp chí Preview rằng: "Đối với một quốc gia tự cho mình là 'thân thiện với LGBTQIA+' mà lại không có biện pháp pháp lý nào được thực hiện để bảo vệ những người như Taylor Sheesh khỏi bị phân biệt đối xử vì xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Sự thật là trải nghiệm của Taylor Sheesh chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thường xuyên bị che đậy".

Ryan Silverio, giám đốc điều hành của ASEAN SOGIE Caucus, phát biểu với This Week in Asia rằng bạo lực và phân biệt đối xử không được có chỗ trong bất kỳ xã hội nào tuyên bố mình hòa nhập.

Philippines vẫn cần có luật cụ thể để bảo vệ những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ khỏi bạo lực. Ảnh: @heyyymacyou.

Thysz Estrada, chủ tịch nhóm vận động hành lang giới do thanh niên Pantay lãnh đạo, cho biết mức độ chấp nhận LGBTQ+ rất cao ở Philippines nhưng việc được chấp nhận thực sự vẫn là một thách thức ở nước này.

"Những luận điệu chống LGBTQ+ trực tuyến ngày càng nặng nề, thường biểu hiện bên ngoài thông qua bạo lực thể chất, đặc biệt là đối với những nhân vật như Taylor Sheesh. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có luật cụ thể để bảo vệ LGBTQ+ khỏi bị tổn hại và phân biệt đối xử", Estrada nói.

Vụ việc xảy ra với Taylor Sheesh là vụ mới nhất trong số hàng loạt hành vi vi phạm đối với người thuộc cộng đồng LGBTQ+ tại Philippines.

Vào tháng 3, video một nữ sinh viên chuyển giới tại Viện Khoa học và Công nghệ Eulogio “Amang” Rodriguez (EARIST), người bị buộc phải cắt tóc ngắn để được cho nhập học do những quy định của trường, đã gây xôn xao dư luận. Công chúng kêu gọi các quan chức xem xét lại chính sách của trường học có sự phân biệt đối xử với học sinh LGBTQ.

Vào tháng 12, Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr đã ra lệnh thành lập Ủy ban đặc biệt về các vấn đề đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, đồng tính, liên giới tính và vô tính (LGBTQIA+) vào tháng 12 để giải quyết vấn đề phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, Estrada nói với This Week in Asia rằng cho đến nay, ủy ban vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến bộ nào có thể quan sát được về mục tiêu giúp xây dựng chính sách của chính phủ liên quan đến LGBTQ+.

Một số thành phố ở Philippines đã thông qua các sắc lệnh cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong khu vực của họ. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng luật địa phương này không đủ để bảo vệ các cá nhân nếu không có luật quốc gia củng cố.

Bên cạnh đó, khi nạn nhân lấy hết can đảm để kể lại trải nghiệm của mình, những cá nhân này thường phải đối mặt với hậu quả khi lên tiếng.

"Mặc dù có thể có những con số được báo cáo, nhưng rất nhiều trong số đó vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta phải thừa nhận rằng những người lên tiếng sẽ phải đối mặt với sự trả thù", Silverio nói.

Đinh Phạm

Theo SCMP

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-vu-taylor-sheesh-bi-tan-cong-o-philippines-post1470847.html