Thấy gì từ vụ hàng trăm tỉ đồng 'bốc hơi' sau khi nhờ gửi tiết kiệm tại Agribank Lào Cai?

Nếu gặp phải nhân viên không trung thực, cố tình móc nối với người khác để lừa đảo thì số tiền của khách hàng rất dễ bị chiếm đoạt.

Mới đây, 9 khách hàng tại Lào Cai phản ánh việc họ đã nhờ một người tên Lê Thị Huệ (43 tuổi, trú tại tổ 12, phường Nam Cường, TP.Lào Cai) gửi tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Cam Đường và chi nhánh Kim Tân (Lào Cai).

Đối tượng Huệ nói rằng có quan hệ với ngân hàng và có thể gửi tiền hưởng lãi suất cao hơn nhiều lần mức niêm yết.

Sau khi chiếm được lòng tin của những người này, Huệ đã yêu cầu họ ký trước vào giấy nộp tiền. Thậm chí có trường hợp Huệ giả mạo chữ ký để mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng với giá trị 1 triệu đồng/sổ. Tiếp đó, Huệ đã tẩy xóa, sửa chữa rồi điền cho khớp với số tiền nhận được và giao sổ cho khách hàng.

Đáng chú ý, tất cả các nạn nhân đều tố cáo nhân viên Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Kim Tân và Cam Đường (Lào Cai) đã móc nối với Huệ để thực hiện vụ lừa đảo “vô tiền khoáng hậu”.

Ông Ngô Văn Toán (phường Duyên Hải, TP.Lào Cai) - một trong những người bị lừa nhiều nhất với tổng số tiền lên tới 77,8 tỷ đồng cho biết: “Huệ là chỗ thân quen, đã đi lại làm ăn với gia đình tôi từ lâu. Bản thân tôi cũng nhiều lần được Huệ bố trí gặp gỡ tiếp xúc với các cán bộ Agribank Lào Cai nên càng không mảy may nghi vấn.

Phải có sự móc nối nào đó giữa Huệ và ngân hàng Agribank chi nhánh Cam Đường và Kim Tân (Lào Cai) thì mới có thể dễ dàng lập hàng loạt cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1 triệu đồng/sổ đứng tên tôi trong khi tôi không trực tiếp đến giao dịch.

Trong khi đó, tôi cũng như nhiều nạn nhân kia được xếp hạng khách V.I.P tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Lào Cai với số tiền giao dịch mỗi năm lên đến hàng trăm tỉ đồng”.

Một cuốn sổ tiết kiệm của ông Ngô Văn Toán bị tẩy xóa từ 1 triệu đồng thành 14 tỉ đồng. Ảnh: Cao Tuân

Một cuốn sổ tiết kiệm của ông Ngô Văn Toán bị tẩy xóa từ 1 triệu đồng thành 14 tỉ đồng. Ảnh: Cao Tuân

Tương tự, một nạn nhân khốn khổ khác là bà Phạm Thị Thanh Hồng, đưa rải rác đưa cho Huệ tổng cộng 73,7 tỉ đồng và nhận lại 4 cuốn sổ. Đến khi có việc cần rút ra thì cũng chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng/sổ.

Tại buổi làm việc với Chi nhánh Agribank Cam Đường - Lào Cai, bà Hồng dường như không thể giữ được bình tĩnh, lớn giọng uất ức: “Ai là người tạo ra của cuốn sổ này?. Tôi không hề đi gửi tiền tiết kiệm, sao lại có sổ tiết kiệm tên tôi, tại đây? Tôi là khách V.I.P của Agribank Lào Cai, mỗi năm giao dịch cả ngàn tỉ qua ngân hàng, không ai không biết mặt, các anh/chị thấy tên tôi làm sổ tiết kiệm 1 triệu đồng mà không thấy vô lý và vì sao không thông báo cho chính chủ?”.

Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay xảy ra tình trạng không ít khách hàng VIP của chi nhánh gửi tiền nhưng không đến trực tiếp tại quầy.

Những khách hàng VIP thường đã có quãng thời gian làm việc với ngân hàng từ lâu nên thường tin tưởng và yêu cầu nhân viên đến tận nhà, nơi làm việc, thậm chí quán café để làm sổ tiết kiệm. Vì không muốn mất lòng khách VIP, các nhân viên ngân hàng cũng đành nghe theo sắp xếp của các thượng đế.

Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Cam Đường (Lào Cai). Ảnh: Cao Tuân

Tuy nhiên, trường hợp này rất dễ phát sinh rủi ro cho số tiền trong tài khoản của khách hàng. Nếu gặp phải nhân viên không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống thì số tiền của khách hàng rất dễ bị chiếm đoạt.

Các khách hàng đã làm việc lâu năm với một số nhân viên ngân hàng thân thiết nên không ít khách gửi tiền chủ quan cho “nợ” sổ tiết kiệm hoặc các giấy tờ chứng nhận tiền gửi.

Đã có nhiều vụ chiếm đoạt tài sản xảy ra do nhân viên thân quen bị đuổi hoặc bỏ trốn và cuỗm theo toàn bộ số tiền tiết kiệm của khách hàng. Như trong vụ một cựu thủ quỹ ngân hàng ở Quảng Ninh sau khi nghỉ việc nhưng đã lợi dụng lòng tin huy động hàng chục tỷ đồng của người dân rồi bỏ trốn.

Ngay cả khi nhận sổ tiết kiệm, khách hàng cũng nên kiểm tra thật kỹ các chứng từ, đủ dấu của ngân hàng và chữ ký của những người có trách nhiệm liên quan. Đây chính là chìa khóa bảo vệ khách hàng khi có rủi ro hay tranh chấp xảy ra.

Bà Phạm Thị Thanh Hồng - Người bị Lê Thị Huệ lừa hơn 70 tỉ đồng cho rằng có sự tiếp tay của nhân viên Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Cam Đường (Lào Cai). Ảnh: Cao Tuân

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vụ lừa đảo xảy ra tại Lào Cai, chuyên gia ngân hàng Lê Văn Hinh nhấn mạnh:

“Nguyên tắc của ngân hàng khi giao dịch phải cẩn trọng và thận trọng để dảm bảo quyền lợi các bên. Khi giao dịch, khách hàng phải ký trước mặt thể hiện đảm bảo đúng nguyên tắc giao dịch tiền tệ. Do vậy, việc Ngân hàng Agribank chi nhánh Cam Đường và Kim Tân (Lào Cai) nhận tiền và làm sổ tiết kiệm cho khách hàng khi không có mặt chính chủ là sai và phải chịu trách nhiệm liên đới”.

Nhiều vụ lùm xùm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)

Khách gửi hàng chục tỷ nhưng sổ chỉ có 1 triệu đồng

Theo đó, vào giữa cuối tháng 11/2016, khách hàng Nguyễn Thanh Huy (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) có chuyển vào tài khoản được mở tài ngân hàng Agribank chi nhánh Gia Định (ở đường Phạm Ngũ Lão, phường 4, quận Gò Vấp) của mình số tiền 114 triệu để chuẩn bị giải quyết công việc khi đi công tác ở tỉnh.

Sáng sớm ngày 20/11/2016, anh Huy thức dậy thì phát hiện điện thoại có 20 tin nhắn và rụng rời khi thấy những dòng thông báo tài khoản bị rút số tiền 100 triệu đồng (5 triệu đồng/lần), trong khi thẻ ngân hàng vẫn nằm trong ví anh ở nhà.

Nạn nhân nhanh chóng chạy đến trụ ATM của ngân hàng Agribank kiểm tra thì ghi nhận, tài khoản chỉ còn gần 14 triệu đồng; đồng thời trình báo vụ việc đến lãnh đạo ngân hàng.

Qua kiểm tra những dấu hiệu ghi nhận ban đầu, lãnh đạo của ngân hàng Agribank, văn phòng đại diện miền Nam xác định 100 triệu đồng trong tài khoản của anh Huy được rút từ 1 điểm ATM ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương giữa đêm 19, rạng sáng 20/11. Thủ phạm đánh cắp thông tin và rút tiền từ tài khoản của anh Huy có thể là băng nhóm tội phạm công nghệ cao.

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng Agribank nhưng không rút được tiền

Sự việc này xảy ra vào tháng 3/2015, liên quan đến ông Dương Thanh Nghị người gửi 400.000 EUR tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, TP.HCM. Ông Nghị cho biết tháng 12/2014, do các sổ tiết kiệm cũ hết hạn nên tới ngân hàng rút hết các sổ cũ, dồn các sổ đó lại cộng thêm một số tiền mới chuyển về cho đủ 400.000 euro theo kế hoạch đầu tư.

Khi thực hiện các thao tác rút hết các sổ cũ, lãnh đạo chi nhánh và nhân viên ngân hàng đưa ông ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có một số tờ giấy trắng. Những tờ giấy trắng này trước đây nhiều lần lãnh đạo chi nhánh ngân hàng đề nghị ký, ông không thấy có vướng mắc gì phát sinh về sau nên lần này ông cũng ký. Hoàn tất mọi thủ tục, ông Nghị được đưa cho cuốn sổ tiết kiệm với đầy đủ thông tin của cá nhân cũng như số tiền 400.000 euro.

Sau khi gửi tiền, ông còn đề nghị vị giám đốc ngân hàng chứng minh cho thấy số tiền 400.000 euro mang tên ông có trong hệ thống. Sau đó, ông được mở phần mềm cho xem nên khá yên tâm.

Tuy nhiên, tháng 2/2015 ông Nghị đến rút tiền thì không được. Phía Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (TP HCM) có một văn bản gửi cho ông, nội dung thông báo: “Số sổ AM...713 đứng tên ông, số tài khoản ...906, số tiền 400.000 euro đang được cầm cố thế chấp tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi để vay số tiền 10,4 tỷ đồng và ông Nghị không thể rút tiền của mình như dự tính...

Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Cao Tuân

Xúc động rơi nước mắt bé Lào Cai suy dinh dưỡng ngày nào giờ đã biết vui vẻ thế này

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thay-gi-tu-vu-hang-tram-ti-dong-boc-hoi-sau-khi-nho-gui-tiet-kiem-tai-agribank-lao-cai-20170516002645002.htm