Thấy gì từ việc doanh nghiệp Việt 'bán mình'?

Câu hỏi được đặt ra tại buổi họp báo Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2017 sáng 20/7, trong bối cảnh liên tục có những thương hiệu Việt được bán cho nước ngoài.

Theo số liệu thống kê, năm 2016, tổng giá trị các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã đạt 5,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong quý I/2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ và bất động sản vẫn là những lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất.

Big C Việt Nam được đại gia Thái Lan mua lại là một trong những thương vụ M&A đình đám năm 2016. Ảnh: TTXVN

Thị trường M&A năm 2017 tại Việt Nam được dự báo tiếp tục sôi động. Dự kiến, trong 5 năm 2014 - 2018 với tổng giá trị thương vụ có thể lên đến 20 tỷ USD và đang bước vào giai đoạn nước rút.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là "liệu có phải người Việt Nam không còn muốn kinh doanh". Theo chuyên gia Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đây là câu hỏi quan trọng, gắn liền với hoạt động M&A, tuy nhiên để lý giải được không phải là điều đơn giản.

Chuyên gia kinh tế này phân tích: Trong hoạt động thị trường hiện nay, thôn tính là điều luôn diễn ra. Những doanh nghiệp yếu, hoạt động kém hiệu quả sẽ bị thôn tính. Nhiều khi không muốn bán cũng buộc phải bán doanh nghiệp của mình cho các nhà đầu tư khác, đó là sự thôn tính cưỡng bức. Song cũng có những doanh nghiệp sinh ra, hoạt động với mục đích là để bán đi. Lại có những doanh nghiệp gặp phải khó khăn và không muốn kinh doanh nữa.

"Như vậy không hẳn là người Việt không thích kinh doanh, điều đó không phải lí do cơ bản dẫn đến việc M&A", ông Hiếu cho hay.

Các chuyên gia trả lời tại cuộc họp báo.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cố vấn của Diễn đàn M&A, việc M&A là phù hợp với xu hướng toàn cầu. Doanh nghiệp tính toán hiệu quả hoạt động và bán lại để có tiền đầu tư vào các dự án khác, tức là tiếp tục kinh doanh chứ không phải là không muốn kinh doanh nữa.

Ông Tuấn cho biết, trong những lĩnh vực trước đây vốn được coi là nhạy cảm như bán lẻ, ngân hàng thì Nhà nước đã mở cửa thận trọng để thị trường phát triển lành mạnh và hút các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt thì cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp không kinh doanh nữa, thậm chí bán đứt doanh nghiệp mình, trong đó đặc biệt là nhu cầu về vốn để mở rộng đầu tư hơn và nâng cao khả năng quản trị. Đây là việc doanh nghiệp tìm giá trị cộng hưởng để phát triển.

Tại họp báo, các chuyên gia cùng cho rằng, năm 2017, nếu không có những đột phá thì giá trị M&A không thể vượt qua con số 5,8 tỷ USD của năm 2016. Điều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các doanh nghiệp và Chính phủ để tận dụng cơ hội từ các dòng vốn ngoại.

Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 9 năm 2017 do báo Đầu tư tổ chức với chủ đề "Tìm bước đột phá" sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 10/8 tới, thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nghiệp và đặc biệt là các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong/thay-gi-tu-viec-doanh-nghiep-viet-ban-minh-20170720125117340.htm