Thấy gì từ Tuyên bố chung Thượng đỉnh G7?

Điều chỉnh trong Tuyên bố chung của Thượng đỉnh G7 2023 phản ánh quan điểm của khối trước những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới.

Lãnh đạo G7 và EU trong phiên họp về Ukraine ngày 21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Lãnh đạo G7 và EU trong phiên họp về Ukraine ngày 21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Ngày 21/5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima, Nhật Bản khép lại sau hai ngày nhóm họp với một Tuyên bố chung.

Không khó để thấy bản Tuyên bố chung năm nay có nhiều điểm khác biệt so với tài liệu tương tự sau Hội nghị thượng đỉnh G7 2022 tại Elmau, Đức.

Thay đổi về cấu trúc

Về độ dài, Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 2023 dài 19.000 chữ, gấp rưỡi so với 12.000 chữ của văn bản một năm về trước. Tài liệu năm 2023 bao gồm nhiều đề mục nhỏ hơn, với mối quan tâm về xung đột tại Ukraine, phi hạt nhân hóa, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kinh tế-tài chính và phát triển bền vững được đưa lên đầu văn bản.

Trong khi đó, Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 2022 lại đặt phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và môi trường là các vấn đề xuất hiện đầu tiên.

Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh tại Elmau, lãnh đạo G7 cũng ra các Tuyên bố về biến đổi khí hậu, Tuyên bố về an ninh lương thực toàn cầu và Tuyên bố về sức chống chịu của nền dân chủ. Trong khi đó, các phiên họp ở Hiroshima đã khép lại bằng các Tuyên bố về Ukraine, Tuyên bố Lãnh đạo G7 về Tầm nhìn về giải trừ vũ khí hạt nhân, Tuyên bố sức chống chịu của nền kinh tế và an ninh kinh tế, Tuyên bố kế hoạch hành động về kinh tế năng lượng cùng Kế hoạch hành động Hiroshima về sức chống chịu của an ninh lương thực toàn cầu.

Thực tế này phản ánh một số điểm như sau.

Thứ nhất, nó cho thấy rằng trong bối cảnh tình hình thế giới chứng kiến biến chuyển nhanh, phức tạp và khó lường, lãnh đạo các nước G7 lần này đã thảo luận sâu và rộng về nhiều vấn đề hơn so với một năm trước.

Thứ hai, các nội dung xuất hiện ở phần đầu của Tuyên bố chung phản ánh rõ nét ưu tiên của nước chủ nhà và các thành viện G7. Trong năm 2022, với liên minh cầm quyền tại Đức, đó là câu chuyện về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển bền trước sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng, bài toán an ninh lương thực cùng một số hệ lụy nghiêm trọng khác xuất phát từ xung đột Nga - Ukraine.

Một năm sau, xung đột này tiếp tục là vấn đề hàng đầu. Tuy nhiên, đà phục hồi, tăng trưởng bền vững của kinh tế-tài chính toàn cầu cũng được thảo luận sâu hơn, với vấn đề phi hạt nhân hóa, an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chứng kiến dấu ấn rõ nét của nước chủ nhà Nhật Bản.

Tuyên bố chung của lãnh đạo G7 tại Hiroshima có nhiều đề mục nhỏ hơn, với mối quan tâm về xung đột tại Ukraine, phi hạt nhân hóa, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kinh tế-tài chính và phát triển bền vững được đưa lên đầu văn bản.

Nga-Ukraine vẫn “nóng”

Xung đột Nga-Ukraine là chủ đề xuyên suốt hai Hội nghị thượng đỉnh G7, dù ở Hiroshima hay Elmau một năm trước. Sự hiện diện bất ngờ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong phiên họp về an ninh chắc chắn là điểm nhấn đáng chú ý trong năm nay, song không phải là duy nhất. Ngoài ra, Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 Hiroshima dành riêng một phần với đề mục “Ukraine” để nhấn mạnh về xung đột diễn ra tại đây.

Đồng thời, từ khóa “Ukraine”, “Nga” đều xuất hiện 23 lần trong Tuyên bố chung Hiroshima; 19 và 32 lần trong tài liệu tại Elmau. Tuy nhiên, dù ngôn ngữ, các lời lẽ chỉ trích Moscow và khẳng định sự ủng hộ dành cho Kiev có phần tương đồng, mật độ xuất hiện của chúng ở hai văn bản lại không giống nhau. Trong Tuyên bố chung năm nay, từ “Nga” và “Ukraine” chủ yếu xuất hiện ở đề mục “Ukraine” và “An ninh lương thực”. Tại văn bản năm ngoái, cả hai lại được đề cập với tần suất cao hơn trong nội dung “Khí hậu và Năng lượng”.

Sự khác biệt này phản ánh góc nhìn của G7 và ở khía cạnh nào đó, nước chủ nhà đối với tác động từ xung đột Nga-Ukraine. Năm ngoái, đó là câu chuyện về an ninh và năng lượng. Giờ đây, đó là quan ngại về hệ quả tới an ninh lương thực toàn cầu.

Tuyên bố chung G7 Hiroshima thúc giục Trung Quốc “gây áp lực” để Nga “lập tức dừng hoàn toàn các hành động quân sự và rút quân vô điều kiện”. Tuy nhiên, điểm nhấn là khi khối này “kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững, trên cơ sở toàn vẹn lãnh thổ, các nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương Liên hợp quốc, qua đối thoại trực tiếp với Ukraine”.

Nó cho thấy hai điểm đáng chú ý: Thứ nhất, G7 thừa nhận vai trò, ảnh hưởng của Trung Quốc với Nga lẫn Ukraine. Thứ hai, việc nhấn mạnh về một nền hòa bình “công bằng” và hối thúc Trung Quốc “đối thoại trực tiếp với Ukraine” phản ánh quan ngại Bắc Kinh có thể thúc đẩy hòa đàm theo hướng có lợi cho Moscow.

Sự khác biệt này phản ánh góc nhìn của G7 và ở khía cạnh nào đó, nước chủ nhà đối với tác động từ xung đột Nga-Ukraine. Năm ngoái, đó là là câu chuyện về an ninh và năng lượng. Giờ đây, đó là quan ngại về hệ quả tới an ninh lương thực toàn cầu.

Thái độ “mới” về Trung Quốc

Sự thận trọng của G7 về vai trò của Trung Quốc trong xung đột Nga-Ukraine là có thể hiểu được khi cách ứng xử phù hợp với cường quốc châu Á tiếp tục là bài toán khó với các thành viên. Từ khóa “Trung Quốc” xuất hiện 20 lần trong Tuyên bố chung Hiroshima so với 14 lần tại văn bản một năm về trước. Tuy nhiên, điểm nhấn về Trung Quốc lại đến từ ngôn ngữ sử dụng trong Tuyên bố chung.

Một mặt, thay vì chỉ mong muốn “hợp tác” với Trung Quốc như một năm trước, Tuyên bố chung Hiroshima nhấn mạnh rằng G7 mong muốn “xây dựng một mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng” với cường quốc châu Á. Khối cũng kêu gọi tăng cường hợp tác với Bắc Kinh trên trường quốc tế, nhất là trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, giải quyết nợ công, y tế công cộng và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, G7 khẳng định, cách tiếp cận của khối “không hướng tới gây hại, ngăn cản tăng trưởng kinh tế và phát triển của Trung Quốc”.

Điều này phản ánh thái độ của G7 và cụ thể hơn, của Nhật Bản. Thực tế cho thấy thời gian qua, Tokyo đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi các bên tăng cường đối thoại với cường quốc châu Á.

Mặt khác, G7 khẳng định vẫn “sẽ thẳng thắn trình bày các mối quan tâm” với Trung Quốc và sẵn sàng đối phó các “hành vi sai trái” như chuyển dữ liệu bất hợp pháp, tiết lộ thông tin hay đánh cắp các công nghệ tiên tiến. Việc Tuyên bố chung sử dụng cụm từ “cưỡng ép kinh tế” dẫn đến phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc.

Về vấn đề Đài Loan, bên cạnh nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình, ổn định” tại eo biển cùng tên, G7 nhắc lại “lập trường không thay đổi của các nước thành viên về vấn đề này, bao gồm chính sách một Trung Quốc”. Đây là điểm khác biệt so với Tuyên bố chung năm 2022, nhưng đã xuất hiện trong Tuyên bố chung cấp Ngoại trưởng trước đó.

Các vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông tiếp tục được đề cập, song không thay đổi so với văn bản năm ngoái.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phản đối các nội dung trong Tuyên bố chung G7 liên quan tới nước này. (Nguồn: Global Times)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phản đối các nội dung trong Tuyên bố chung G7 liên quan tới nước này. (Nguồn: Global Times)

Dấu ấn chủ nhà

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập dấu ấn của nước chủ nhà Nhật Bản trong Tuyên bố chung G7 lần này, đặc biệt là trong các phần về phi hạt nhân hóa, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Triều Tiên.

Việc chọn Hiroshima, thành phố từng hứng chịu bom nguyên tử trong Thế chiến II để tổ chức G7 với một tuyên bố riêng về giải trừ vũ khí hạt nhân cho thấy cam kết của Nhật Bản về vấn đề này. Từ khóa “hạt nhân” tới 21 lần trong đề mục về “Giải giáp và phi hạt nhân hóa” và “Năng lượng” cũng nhấn mạnh ưu tiên trên.

Ngoài ra, nước chủ nhà tái khẳng định quyết tâm xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong bản Tuyên bố chung này, điều đã không được đề cập trong văn bản tương tự tại Elmau, Đức một năm về trước. G7 tiếp tục nhấn mạnh ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy hợp tác, phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung G7 Hiroshima cũng chứng kiến sự xuất hiện của vấn đề Triều Tiên, nội dung bị “lãng quên” năm ngoái. Các nước thành viên kêu gọi Bình Nhưỡng “kiềm chế các hành động gây bất ổn và leo thang căng thẳng”, triển khai quá trình phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, tham gia đối thoại với bộ ba Mỹ-Nhật-Hàn, cũng như nỗ lực giải quyết vấn đề liên quan, bao gồm công dân Nhật Bản được cho là bị Triều Tiên bắt cóc.

Tuyên bố chung G7 Hiroshima đề cập các điểm nóng mới như chương trình hạt nhân Iran, tình hình tại Sudan, hay căng thẳng giữa Kosovo và Serbia.

Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 không còn là ưu tiên hàng đầu, Tuyên bố chung G7 Hiroshima tiếp tục đề cao thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế và đặc biệt nhấn mạnh nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề này sẽ “nóng” và tiếp tục xuất hiện trong các kỳ thượng đỉnh G7 thời gian tới.

Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh G7 Hiroshima, Nhật Bản đã khép lại với nhiều tuyên bố và cam kết. Tuy nhiên, hiện thực hóa tầm nhìn đó ra sao trong bối cảnh phức tạp hiện nay là nhiệm vụ không đơn giản với khối này.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thay-gi-tu-tuyen-bo-chung-thuong-dinh-g7-228445.html