Thấy gì từ sức hút dòng vốn đổ vào doanh nghiệp dịch vụ tài chính?

Các doanh nghiệp dịch vụ tài chính (trong đó có mảng công nghệ tài chính – Fintech) ở Việt Nam đang nổi lên như một mô hình kinh doanh đầy tiềm năng, được kỳ vọng sẽ sản sinh thêm nhiều kỳ lân trong giai đoạn tới khi có sức hút mạnh mẽ để các dòng vốn lớn đổ vào. Điều quan trọng là nên sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.

Các công ty dịch vụ tài chính ở Việt Nam hiện nay được cho là đang nổi lên như là một mô hình kinh doanh đầy tiềm năng, có sức hút lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều đó có thể thấy rõ từ những dòng vốn lớn không ngừng “chảy” vào lĩnh vực này trong thời gian qua.

địa phát triển còn quá nhiều

Điển hình mới nhất là vào ngày 2/3, tại Tp.HCM, CTCP Đầu tư F88 (một công ty dịch vụ tài chính của Việt Nam) đã thực hiện ký kết nhận vốn 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI - liên doanh giữa Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà Nước Việt Nam) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Các doanh nghiệp dịch vụ tài chính (trong đó có Fintech) ở Việt Nam đang nổi lên như một mô hình kinh doanh đầy tiềm năng.

Quanh cuộc gọi vốn lần này, trao đổi với VnBusiness, ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc F88, cho biết nguồn vốn mới sẽ được đầu tư vào việc phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu có liên quan đến mảng dịch vụ tài chính. Chiến lược của công ty trong 5 năm tới sẽ trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân đa kênh (gồm kênh mạng lưới phòng giao dịch, kênh đối tác và kênh số).

Theo ông Tuấn, việc chuyển đổi để hướng hoạt động vào thị trường tài chính toàn diện là một trong những nguyên nhân giúp cho công ty thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, nhất là trong bối cảnh dư địa phát triển của thị trường này còn quá nhiều.

Như chia sẻ của người đứng đầu F88, Quỹ Đầu tư Chính phủ Oman rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là phân khúc khách hàng unbanked và underbanked (thuật ngữ được sử dụng để chỉ những cá nhân không có tài khoản ngân hàng hoặc những người vì lý do nào đó mà không thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông), giúp cho người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính chất lượng.

Cần nhắc thêm, hồi năm ngoái F88 cũng đã huy động thành công 70 triệu USD từ các quỹ tài chính như CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London) với mục đích mở rộng điểm bán, từng bước chiếm lĩnh thị trường phân phối dịch vụ tài chính vi mô, hướng đến phổ cập tài chính toàn diện.

“Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2025 là sẽ mở khoảng 1.700 phòng giao dịch, 10.000 điểm bán thông qua kênh đối tác. Còn với kênh số, chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng trong 2 năm tới sẽ là giao dịch thứ 2 trở đi của khách hàng. Tức là giao dịch đầu tiên khách hàng có thể sử dụng kênh giao dịch ngoại tuyến (offline), nhưng đến giao dịch thứ 2 thì họ sẽ sử dụng kênh số trực tuyến (online)”, ông Tuấn cho biết.

Nên sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Nhân việc huy động vốn thành công lần này, hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ có cho biết F88 đặt mục tiêu đạt vốn hóa thị trường khoảng 1 tỷ USD khi IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) thành công vào năm 2024. Còn trong năm nay, F88 sẽ bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM.

Theo giới chuyên gia, các công ty dịch vụ tài chính, đặc biệt là những công ty Fintech ở Việt Nam, còn nhiều dư địa để gia tăng mức độ sử dụng dịch vụ, tiềm năng vẫn còn rất lớn. Tính ưu việt trong giải quyết các vấn đề tài chính tiếp tục được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2023 và các năm tới.

Hồi năm ngoái, dù dòng vốn mạo hiểm vào thị trường sụt giảm 18% so với năm trước nhưng các công ty dịch vụ tài chính vẫn nổi lên là một mô hình kinh doanh đầy tiềm năng. Theo Do Ventures và Cento Ventures, trong năm 2022 mảng dịch vụ tài chính ở Việt Nam vẫn thu hút tới 162 triệu USD, tăng 2,6 lần so với mức 61 triệu USD của năm trước đó.

Tuy nhiên, để các công ty dịch vụ tài chính ở Việt Nam (nhất là Fintech) phát triển mạnh và vươn xa đòi hỏi rất cần vốn đầu tư, từ công nghệ, thị trường cho đến nhân lực và cả người dùng. Bởi vì dù có bước phát triển mạnh mẽ thì Fintech vẫn còn là lĩnh vực mới ở Việt Nam và còn rất non trẻ nếu so với mức độ phát triển trên thế giới.

Từ cách đây 2 năm, số lượng công ty Fintech ở Việt Nam đã là 188 công ty, tức là tăng gấp 5 lần từ 39 công ty vào năm 2015. Còn theo dự báo của Tập đoàn Robocash, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, thị trường công nghệ tài chính Việt Nam sẽ đạt mức 18 tỷ USD vào năm 2024.

Với sự gia nhập ngày càng đông đảo của các startup, các nhà đầu tư, cũng như sự hoàn thiện của hệ sinh thái khởi nghiệp, nỗ lực lấp đầy khoảng trống pháp lý, thị trường dịch vụ tài chính và Fintech ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ sản sinh thêm nhiều kỳ lân trong giai đoạn tới.

Tuy vậy, như lưu ý của Ts. Phạm Nguyễn Anh Huy (Đại học RMIT), mặc dù đã tăng trưởng theo cấp số nhân, lĩnh vực Fintech Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn tương đối sơ khai. Việt Nam chưa bắt kịp các nước ASEAN-6 như Malaysia, Philippines hay Thái Lan, và vẫn còn khoảng cách khá xa để sánh vai được với các thị trường công nghệ khổng lồ như Singapore hay Indonesia.

Cũng theo Ts. Huy, mặc dù hoạt động khá tích cực, thị trường này đang thiếu khung pháp lý phù hợp và cần nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa. Cần nhắc lại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất sáng kiến thiết lập khuôn khổ pháp lý và cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho lĩnh vực Fintech từ năm 2017, nhưng đến nay kế hoạch này chưa được hiện thực hóa.

Do đó, một nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với Chính phủ là cần nhanh chóng ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech. Cơ chế này cần cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động Fintech tại Việt Nam cũng như khuyến khích các DN kinh doanh, vận hành tại Việt Nam.

Nếu không có cơ chế này sớm (chậm nhất là giữa năm 2023), Việt Nam có thể để vuột mất cơ hội trở thành trung tâm Fintech-blockchain hàng đầu trong bối cảnh các quốc gia khác đang đẩy mạnh cạnh tranh.

Hơn nữa, theo ông Huy, Chính phủ cần đảm bảo rằng Việt Nam có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp Fintech.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thay-gi-tu-suc-hut-dong-von-do-vao-doanh-nghiep-dich-vu-tai-chinh-1091106.html