Thấy gì từ hiện tượng 'Đào, Phở và Piano'?

'Đào, Phở và Piano' thành hiện tượng là tín hiệu vui nhưng lại lộ ra bao khuyết điểm của phim nhà nước đặt hàng. Khi một bộ phim nhà nước bỗng nhiên trở thành hiện tượng và được khán giả quan tâm, dư luận thấy được phần nào sự bối rối của những nhà làm phim điện ảnh nhà nước, từ đơn vị cao nhất là Bộ cho tới những người trực tiếp làm phim.

Bỗng dưng thành "hot trend"

Ghi nhận về độ hot của bộ phim dưới góc nhìn của khán giả, phòng vé và các nhà phê bình để làm rõ quan điểm: bộ phim là một hiện tượng hiếm gặp đối với dòng phim nhà nước nhưng "lo nhiều hơn mừng".

Cơn sốt bất ngờ của bộ phim "Đào, Phở và Piano" đang trở thành hiện tượng khi liên tục cháy vé. Đây được xem là trường hợp hiếm hoi của dòng phim lịch sử Việt Nam từ trước tới nay. Được khởi chiếu từ ngày mùng 1 Tết duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc Gia nhưng Đào, Phở và Piano rất ít được người dân biết tới khi mới ra rạp. Nhưng chỉ sau khi có nhiều bài review trên các diễn đàn phim, các hội nhóm yêu phim đã dần khiến khán giả chú ý. Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ khán giả Việt đang quá "khát" thể loại phim lịch sử và cũng hơi ngán dòng phim thương mại, giải trí tung hoành mấy năm nay nên họ cần phải đổi vị và Đào, phở và piano là một món mới trong chiếc "bình cũ".

Poster phim "Đào, Phở và Piano"

Từ hiệu ứng trên mạng xã hội, Phim "Đào Phở và Piano" bỗng dưng cũng trở thành một hiện tượng phòng vé, ngay cả khi chính đoàn làm phim đã tưởng như nó có số phận giống như nhiều bộ phim đặt hàng nhà nước trước đó. Một cách bất ngờ, chưa biết là buồn hay vui nhiều hơn.

Và cũng không biết nên buồn hay vui khi mà các bạn trẻ kéo rất đông tới phòng vé với những lý do vô cùng đơn giản. Dù chờ đợi lâu nhưng vì để bắt kịp xu hướng nhiều người sẵn sàng hy sinh thời gian để có thể săn được vé vào bất kể khung giờ nào trong ngày

Chị Lê Phương Anh - Quận Đống Đa chia sẻ: "Em thấy nội dung phim có liên quan đến lịch sử đất nước, hơn nữa bạn bè em cũng đã đi xem và review phim rất ok, nên em cũng muốn đi xem xem như thế nào".

Chị Lê Phương Anh - Quận Đống Đa

Hay bạn Lê Kim Hồng - Sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: "Đặt được vé này thì chúng em phải đi mua trước một ngày. Ngày hôm qua chúng em xếp hàng mất khoảng 20 phút, bao gồm cả thời gian xếp hàng và mua vé".

Theo ghi nhận tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia hai ngày trở lại đây, số lượng khán giả xem "Đào, Phở và Piano" đã không còn đông đúc như những ngày trước. Khán giả chỉ cần đợi khoảng 5 phút để tới lượt mua vé tại quầy, không còn cảnh chen chúc đứng 30 phút để mua vé cho suất chiếu sau. Lý do là ngoài Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, đã có 2 đơn vị Beta Cinemas và Megastar nhận phát hành phim phi lợi nhuận nên khán giả phân bố ra nhiều cụm rạp.

Tính đến chiều tối hôm nay, 25/2, theo số liệu của đơn vị quan sát phòng vé độc lập Box Office Vietnam, doanh thu của "Đào Phở và Piano" là hơn 2,1 tỷ đồng - con số ấn tượng đối với một phim nhà nước đặt hàng. Đào, phở và piano có lẽ trở thành một hiện tượng của văn hóa - giải trí năm 2024.

Nhà sản xuất chưa sẵn sàng với "cơn sốt"

Chỉ đến khi phim được bàn tán rộng rãi, tức là 10 ngày sau công chiếu, Đào, phở và piano mới đăng tải trailer giới thiệu, nhạt nhòa và không có nội dung hấp dẫn. Nhiều điểm thiếu sót dễ dàng nhận thấy, ngay cả ở poster quảng bá với phông chữ lỗi, hình ảnh bị chê không thể hiện được nội dung phim.

Cơn sốt "Đào, Phở và Piano" như phép đo về sự quan tâm của khán giả hiện nay về dòng phim lịch sử kháng chiến. Cũng từ đây, những khuyết điểm của phim nhà nước lộ diện và được công chúng quan tâm hơn cả.

Trailer của "Đào, Phở và Piano" - được cho ra mắt sau khi phim được công chiếu 10 ngày và trở thành hiện tượng - một điều có thể coi là khá ngược nếu so với quy trình phát hành của một bộ phim chiếu rạp thông thường. Chất lượng của trailer này, theo nhận xét của nhiều cư dân mạng là nhạt nhòa và không có nội dung hấp dẫn, người khắt khe hơn thì cho rằng, đoạn giới thiệu phim này đúng là "làm cho có" và theo kiểu chữa cháy nhiều hơn.

Trailer của "Đào, Phở và Piano" được khán giả cho là nhạt nhòa, kém hấp dẫn

Sự bối rối của nhà sản xuất bộ phim đến từ việc thiếu sự chuẩn bị, nói chính xác là họ không chuẩn bị cho tình huống bộ phim bỗng dung tạo nên cơn sốt.

Poster quảng bá cho phim được cho là không thể hiện được nội dung.

Những thông tin của bộ phim mà khán giả biết được rất ít ỏi. Một số khán giả chỉ biết phim về đề tài lịch sử, hình ảnh liên quan nhỏ giọt, thậm chí ảnh không chất lượng. Khi những bài chia sẻ xuất hiện, nhiều người muốn tham khảo nội dung chính, trailer nhưng chẳng tìm được gì nhiều bởi nhà sản xuất không phát hành.

Những hình ảnh về diễn viên được rò rỉ trên mạng, đáng tiếc lại là những tấm hình thiếu sự nghiêm túc, thậm chí còn gây phản cảm với nhiều người.

Sự bối rối nhìn từ trường hợp của "Đào phở và Piano" còn được thể hiện ở chỗ, sau khi phim "hot" lên, khán giả ở các tỉnh thành khác muốn xem phim, cơ quan quản lý nhà nước cũng rất muốn phổ biến phim trên cả nước nhưng khó bởi cơ chế chia phần trăm.

Từ một phép thử được đưa ra vào ngày mùng 1 tết ở một rạp chiếu phim trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, "Đào phở và Piano" đã đến được với hai cụm rạp của Cinestar và Beta Media trên cả nước nhờ những lời khuyến khích và sự tự nguyện. Hai cụm rạp tư nhân đi đầu trong việc phổ biến phim nhà nước sẽ nộp hết doanh thu từ phim về Nhà nước.

Mọi việc có thể coi là êm xuôi, nhưng lỗ hổng lớn trong cơ chế hoạt động của những phim nhà nước đặt hàng lâu nay vẫn còn đó.

Phim đặt hàng cũng cần có lãi

Phim sản xuất xong, chiếu trong một số sự kiện tuyên truyền hoặc kỷ niệm của đất nước rồi "cất kho" nên ngay từ đầu không hề có chiến lược, kế hoạch phát hành hay quảng bá phim. Cơ chế nghị định cũng chưa có điều khoản nào mở lối cho phim nhà nước hòa rạp thương mại nếu muốn. Từ cơn sốt của phim đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc phim nhà nước đầu tư cần làm chuyên nghiệp để có doanh thu thực sự chứ không phải là một cú ăn may chưa chắc có lần hai.

"Đào, Phở và Piano" thắng phần lớn nhờ hiệu ứng mạng xã hội. Nếu không nhờ cơn sốt đặc biệt này, phim rất có thể bị “xếp kho” và chìm dần vào quên lãng như nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng. Người ta chỉ có thể biết khi phim chiếu trong các dịp đặc biệt hoặc các chương trình mang tính chất tuyên truyền, kỷ niệm...

Năm 2014, ba phim được Nhà nước rót vốn là Sống cùng lịch sử, Mộ gió và Đam mê được phát hành gói gọn trong hệ thống rạp nhỏ, thậm chí khán giả không biết đến sự tồn tại của chúng. Các bộ phim này chỉ trụ rạp được vài ngày và phải ngừng chiếu vì không bán nổi vé.

Đào, phở và piano thắng phần lớn nhờ hiệu ứng mạng xã hội. Nếu không nhờ cơn sốt đặc biệt này, phim rất có thể bị "xếp kho" và chìm dần vào quên lãng giống như những bộ phim nói trên.

"Đào, Phở và Piano" thắng phần lớn nhờ hiệu ứng mạng xã hội khi được các Tiktoker review

Nhưng hiện tượng này sẽ không thể xảy ra thêm lần nữa nếu như những rang buộc về cơ chế bao gồm: truyền thông và phát hành không được giải quyết.

Nhìn trên khía cạnh truyền thông, tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn là hiện tượng lạ của điện ảnh Việt. Không quảng bá, không cần cạnh tranh vẫn làm nên kỳ tích. Nhưng đó chỉ là một cú ăn may nhiều hơn, bởi chi phí cho truyền thông với một bộ phim nhà nước chưa bao giờ là một khoản chi hào phóng.

Việc hai cụm rạp tư nhân Cinestar và Beta đều đồng ý phát hành, tự nguyện nộp doanh thu lại cho nhà nước để phục vụ mục đích lan tỏa bộ phim, đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà chỉ là nước đi tạm thời, hưởng ứng lời khuyến khích của Bộ. Vì thực tế, cơ chế, nghị định cũng chưa có điều khoản nào mở lối cho phim nhà nước hòa rạp thương mại nếu muốn. Do đó, bài toán về kinh doanh nên được tính đến một cách nghiêm túc ngay từ khi các bộ phim còn ở dạng ý tưởng.

Cơn sốt của "Đào, Phở và Piano" là một dấu ấn thú vị của điện ảnh Việt Nam trong những ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn. Nhưng nó cũng là bài học cho phim nhà nước đầu tư trong việc cần chuyên nghiệp hơn để có doanh thu thực sự chứ không phải là một cú ăn may chưa chắc có lần hai.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thay-gi-tu-hien-tuong-dao-pho-va-piano-221726.htm