Thấy gì sau khi Beamin rút khỏi thị trường Việt Nam?

Beamin - ứng dụng hoạt động trong lĩnh vực Delivery Food vừa có những động thái bước đầu thu hẹp thị trường tại Việt Nam sau khoảng 4 năm ra mắt.

Những ngày qua, thông tin Beamin rục rịch rút khỏi Việt Nam thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận. Beamin - ứng dụng đặt đồ ăn hàng đầu Hàn Quốc, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với GrabFood, ShopeeFood và GoFood trong lĩnh vực giao đồ ăn.

Ra mắt ngày 14/5/2019, Beamin từng gây sốt khi xuất hiện với màu xanh “mint” đặc trưng và độ phủ sóng dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, điều gì đã khiến Beamin “chết yểu” chỉ sau 4 năm hoạt động tại Việt Nam?

Quán ăn cần phải kết hợp bán trên ứng dụng đặt đồ ăn để tăng doanh thu.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Cho đến hiện tại, đa số người dùng sẽ lựa chọn sử dụng GrabFood hoặc ShopeeFood khi có nhu cầu và cái tên Beamin gần như khuất bóng. Sức cạnh tranh quá lớn khiến cho Beamin dù có chiến lược marketing độc đáo nhưng cũng khó lòng có thể sánh ngang với đối thủ. Đặc biệt, sau thương vụ Now chính thức gia nhập hệ sinh thái Shopee với tên gọi ShopeeFood vào năm 2021, sức bành trướng của ứng dụng này càng được mở rộng. Tại thời điểm đó, lĩnh vực giao đồ ăn gần như là “sân chơi” của hai ông lớn GrabFood và ShopeeFood, còn GoFood và Beamin chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong tổng thị phần các ứng dụng tại Việt Nam.

Theo Momentum Works, trong năm 2022, 86% thị phần nằm trong tay GrabFood và ShopeeFood, Beamin chỉ có 12% - đây là sự chênh lệch quá lớn mà Beamin khó lòng san lấp trong khoảng thời gian 4 năm hoạt động.

Một điểm hạn chế của Beamin là chỉ dừng lại ở dịch vụ đặt - giao đồ ăn. Trong khi đó, các nền tảng khác đều đã được tích hợp đa dịch vụ như đặt xe, giao hàng… Điều này làm giảm khả năng tiếp cận khách hàng mới của Beamin và đặt ra thách thức lớn trong việc mở rộng quy mô. Mặc dù Beamin khá “mát tay” với những chiến dịch marketing và thành công trong việc lan tỏa thương hiệu, song những dấu ấn này vẫn chưa đủ thuyết phục người dùng thay đổi hành vi. Khách hàng ngày nay có xu hướng sử dụng những nền tảng có tính đa nhiệm, tức là có thể sử dụng nhiều dịch vụ chỉ trên cùng một ứng dụng và không mất quá nhiều thời gian để chuyển đổi giữa các bên. Beamin dường như “mất điểm” về mặt công nghệ khi phải mất đến 4 tháng sau khi ra mắt, tức tháng 9/2019, ứng dụng này mới tích hợp tính năng thanh toán qua thẻ. Vốn “sinh sau đẻ muộn”, những thay đổi và cải tiến của Beamin là cần thiết nhằm nâng cao trải nghiệm từ phía khách hàng.

Quảng cáo ngoài trời của Beamin được đăng tải trên mạng xã hội

Người tiêu dùng cũng đã “kén chọn” hơn

Có thể nhận thấy, cuộc chiến giữa các ứng dụng giao đồ ăn là vô cùng khốc liệt, nhất là thời điểm COVID-19 xuất hiện và trở thành đại dịch. COVID-19 đã làm thay đổi nền kinh tế và tác động đến hành vi mua - bán của con người. Yếu tố an toàn về sức khỏe được đặt lên hàng đầu, lên trên tất cả yếu tố khác như: giá rẻ, khuyến mãi, tiết kiệm thời gian… Tuy nhiên, người dùng cũng bắt đầu siết chặt chi tiêu hơn vì nguồn thu nhập có thể không còn ổn định, dẫn đến sức mua giảm sút. Một số lượng lớn nhà hàng, quán ăn đã đóng cửa do thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài.

Hệ quả tất yếu buộc các ứng dụng trên phải điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Thách thức lớn nhất là làm sao trở loại hoạt động sau dịch một cách thuận lợi, vừa giữ chân được người dùng sau khi áp dụng những chính sách mới này. Ông Niklas Östberg - đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Delivery Hero (công ty mẹ của Beamin), cho rằng hoạt động kinh doanh dịch vụ giao đồ ăn tại thị trường Việt Nam sẽ “không bao giờ có lãi”.

Trên thực tế, Beamin từ lâu đã không còn nhiều ưu đãi đủ sức hấp dẫn người dùng. “Kẻ mạnh” là GrabFood và ShopeeFood cũng đã phải điều chỉnh giá dịch vụ và biểu phí. Phạm Ngọc Đăng (22 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng, Đăng lựa chọn các ứng dụng giao đồ ăn dựa trên mã giảm giá và số lượng khuyến mãi. “Một vài quán mình yêu thích hiện chỉ có mặt trên Grab hoặc Shopee Food, không thấy xuất hiện trên Beamin. Hầu như giá món ăn trên ứng dụng đều nhỉnh hơn so với giá ăn trực tiếp tại quán và luôn phụ thu thêm phí dịch vụ trong khoảng từ 3.000 - 10.000 đồng” – Ngọc Đăng cho biết thêm.

Mặt khác, về phía các đối tác là quán ăn, nhà hàng, chị Nguyễn Thị Khánh Trinh - hiện đang kinh doanh quán ăn tại phường 4, quận Tân Bình cho biết: “Nếu không mở bán trên các ứng dụng giao hàng thì quán khó có thể duy trì được.” Tuy nhiên, chị Trinh cũng chia sẻ rằng các bên ứng dụng đều đang “đánh phí” khá cao, khoảng 25% phí chiết khấu từ doanh thu trên GrabFood và ShopeeFood. Chưa kể những chi phí khác như đóng gói, chạy quảng cáo hay đăng ký thêm gói dịch vụ cho khách… Qua chia sẻ trên, có thể nhận thấy động thái chung từ các ứng dụng giao đồ ăn là điều chỉnh lại biểu phí và có những thay đổi trong chính sách vận hành.

Ai sẽ có lợi khi Beamin rời đi?

Các ứng dụng giao đồ ăn ngày nay đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cựu CEO Minh Đặng - người sáng lập Foody (tiền thân của Shopee Food) cho biết vào thời điểm sơ khai, thị trường giao đồ ăn rơi vào 3.000 – 5.000 đơn/ngày, một năm sau số lượng là 100.000 đơn/ngày. Sau khi Grab và Baemin xuất hiện, đẩy thị trường lên gần 1 triệu đơn/ngày. Chứng tỏ rằng nhu cầu của người dùng hiện nay là rất lớn.

Tuy nhiên, sau những động thái thu hẹp thị trường tại Việt Nam, “khoảng trống” mà Beamin để lại sẽ là cơ hội tốt để các bên tiếp tục khai thác. Dự đoán phần lớn thị phần trong lĩnh vực giao đồ ăn vẫn sẽ nằm trong tay GrabFood và ShopeeFood với lực lượng tài xế đông đảo, khả năng phục vụ nhanh cùng trải nghiệm quen thuộc của khách hàng. Những tân binh trẻ như GoFood hay beFood nếu chỉ có chiến lược marketing hay là chưa đủ. Cần có những bài toán toàn diện để có thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của đối thủ và phát triển theo màu sắc riêng biệt trong tương lai.

Bích Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thay-gi-sau-khi-beamin-rut-khoi-thi-truong-viet-nam-275286.html