Thấy gì ở những đứa trẻ ‘già đời’?

Liên tục những ngày qua, cư dân mạng truyền nhau bài thơ “Xin đổi kiếp này” của một cô bé 14 tuổi khiến nhiều người phải giật mình tự hỏi: Xã hội ra sao mà những đứa trẻ đã phải đau đáu suy nghĩ “già đời” về nhân tình thế thái đến thế?

Ngay sau khi được “đăng đàn”, bài thơ của nữ sinh lớp 8 đã khiến những người lớn “câm nín”, không phải chỉ bởi tài năng của cô học trò nhỏ mà còn bởi sự bất ngờ với tư duy “lớn sớm”, “già đời” mà không phải đứa trẻ nào trong độ tuổi ấy có thể hiểu được. Cách đó không lâu, bức thư đoạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 45 cũng khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” với suy nghĩ của một người trẻ mới 15 tuổi nhưng đầy suy tư, đầy cảm thông với những kiếp người sống trong hiểm họa của nhân loại. Chúng ta không vui vì những đứa trẻ mang trong mình nhiều tâm sự của người lớn, nhưng chúng ta phải tự hào vì một nền giáo dục đã khiến các em biết suy nghĩ và hướng đến mục đích thay đổi từ khi còn nhỏ.

Giáo dục không “bỏ rơi” thực tại

Đã có một thời chúng ta cho rằng: “Trẻ em là búp trên cành/ Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”. Chính vì lẽ đó,người lớn luôn coi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không để chúng tiếp xúc với những thông tin bất lợi nào. Chúng ta đã không giáo dục giới tính cho chúng một cách đầy đủ để cuối cùng chúng trưởng thành bằng những văn hóa phẩm “xem trộm” mang đầy tính bản năng, chúng ta không nói cho chúng nghe về các tệ nạn để rồi khi tâm sinh lý thay đổi chúng “kết giao”với những điều xấu từ bao giờ mà cha mẹ không biết, chúng ta đã cố giấu giếm một xã hội đầy rẫy những xấu xa và bất công để khi trưởng thành chúng trở thành những “người lớn” vô cảm….

Mấy ngày trước, một video chia sẻ thông điệp của em bé 5 tuổi gửi tới thủ tướng Anh Theresa May đã khiến dân mạng không khỏi bất ngờ. Tại sao một đứa trẻ 5 tuổi ở nước ngoài lại sớm có được một tư duy dân chủ đến vậy? Một đứa trẻ 5 tuổi ở Việt Nam có thể làm được những gì?

Chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng, giáo dục ở Việt Nam còn đang phải “chạy dài” theo nền giáo dục tiên tiến ở châu Âu và các quốc gia phát triển khác trên thế giới. Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, học sinh phương Tây đã được tiếp xúc với chủ nghĩa hiện thực nhiều hơn là những lý thuyết suông, đó chính là nền tảng để con người ở các quốc gia phát triển hiểu được nhân quyền và luôn luôn đấu tranh cho những điều tốt đẹp.

Đó cũng chính là cơ sở để con người Phương Tây có một lối sống tự lập từ khi còn nhỏ. Giáo dục đã đưa bọn trẻ “dấn thân” vào một hiện thực dù khắc nghiệt nhưng chúng vẫn phải trải qua, trưởng thành chính là “món quà” được trả sau những đổ vỡ và vấp ngã khi chúng rời xa vòng tay bao bọc của những người lớn trong nhà. Đó là lí do tại sao người trưởng thành ở Việt Nam luôn luôn phải trải qua những “cú sốc” đầu đời, và người Việt lại ít thành công đến vậy.

Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng giáo dục thời bây giờ đã khác xa so với chúng ta ngày xưa. Những bài văn phá vỡ “barem” được điểm 10, những bài thơ về thế sự được viết bởi học sinh cấp 2 và những bức thư UPU về thảm họa của nhân loại vẫn được truyền tải mang theo thông điệp mạnh mẽ…

Với một tư duy và lối sống hiện đại, nhiều thầy cô không còn gò bó học sinh vào các quy chuẩn để có một bài tập hoàn hảo, những câu chữ có trong những cuốn sách giáo khoa mà người lớn đang cố tình “nhét” vào đầu trẻ. Đó là biểu hiện của một nền giáo dục bước đầu đề cao tính sáng tạo và dân chủ, một môi trường để trẻ em có điều kiện phát triển bản thân ở mức cao nhất. Môi trường giáo dục bây giờ cũng không “kiêng kị” một vấn đề thời sự mang tính chất “nhạy cảm”.

Học sinh bây giờ cần có một không gian để thảo luận và đưa ra ý kiến về bất cứ vấn đề nào trong xã hội. Nếu cứ mãi coi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ bởi những thông tin bất lợi thì có lẽ chúng ta đã không tìm ra được một khao khát “Xin đổi kiếp này” của học sinh lớp 8. Chúng ta cũng không thể tìm ra được tiếng nói chống lại bạo lực và chiến tranh, mất mát và tình yêu thương của một nữ sinh 15 tuổi. Giáo dục đã cho các em quyền được biết và quyền được chia sẻ ý kiến của mình, tuy nhiên, nó vẫn chưa thoát ra khỏi chức năng đào tạo ra những cỗ máy chỉ biết tính toán và học thuộc lòng, dù nền giáo dục Việt Nam đang nỗ lực để hình thành nên một thế hệ công dân hiểu biết và dũng cảm hơn thế hệ trước rất nhiều lần.

Hãy để trẻ “già đời” theo một hướng tích cực

Dẫu mong chờ một thế hệ trẻ hiểu biết và nhập thế với đời sống xã hội đương thời, chúng ta vẫn không khỏi xót xa khi chứng kiến những đứa trẻ đang trở nên “già đời” vì “biết sớm”. Cô Nguyễn Quỳnh Nga – giáo viên chủ nhiệm và cũng là giáo viên môn văn của em Nguyễn Bích Ngân – tác giả bài thơ “Xin đổi kiếp này” cho biết: “Em có một giọng văn rất cá tính, khác biệt. Tính cách của em cũng rất đặc biệt so với những đứa trẻ khác. Ngân là một học sinh kín đáo, trầm tính, rất ít khi bộc lộ cảm xúc, nét mặt em lúc nào cũng buồn mặc dù cô bé rất xinh xắn”, cô Nga cũng cho biết thêm, trên lớp, theo để ý của cô thì Ngân rất ít khi nô đùa nghịch ngợm với bạn bè, mà chỉ ngồi im một chỗ trong giờ ra chơi, lấy sách ra đọc hoặc làm gì đó tại chỗ.

Có thể cho rằng, chính sự trải đời sớm của cô bé đã khiến Bích Ngân luôn thiếu vắng sự hồn nhiên giống như các bạn cùng trang lứa. Vấn đề đặt ra, tại sao cùng là những đứa trẻ nói về thế sự, lại có sự khác biệt giữa một đứa trẻ nước ngoài và đứa trẻ Việt Nam? Tại sao trong khi học sinh phương Tây nói về hiện tượng bằng phong thái tự tin và chất vấn thì học sinh Việt Nam lại phải sử dụng một bài thơ khắc khoải và bất lực đến đau lòng? Một thực tế đã chỉ ra rằng, ngay từ nhỏ trẻ em Việt Nam đã bị kìm kẹp bởi tư duy “không được nói leo”. Chính vì thế trẻ em luôn sợ phải “phát biểu ý kiến”, nhất là những ý kiến chất vấn với những nhà lãnh đạo.

Một thực tế khác, rõ ràng ở quốc gia đang phát triển có nhiều vấn đề về xã hội và nhân sinh cần đặt ra nhiều hơn các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến. Chúng ta phải thừa nhận rằng xã hội Việt Nam đang phải hứng chịu những vấn đề rất khắc nghiệt và tồn đọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và thế giới quan của những người trưởng thành mà còn là thách thức không nhỏ đối với tư duy của những đứa trẻ trưởng thành sớm. Vì vậy, để một thế hệ có thể “già đời” theo hướng tích cực, chúng ta phải thay đổi trước tiên từ cấu trúc xã hội.Để chúng không phải lo lắng trước những hiểm họa có thể xảy ra với mình như bị bắt cóc, bị xâm hại, bị sống trong môi trường đầy tai ương của khí hậu, của sự thiếu trách nhiệm và thiếu tình người… đó là những thứ khiến trẻ em bi quan trước thời cuộc và buộc phải “lớn” theo cách bị “tiêu cực hóa”, phải cho chúng thấy được sự thay đổi tích cực ít nhất từ hướng đi để chúng có thể nói về một vấn đề được “quan sát” và “theo dõi” chứ không phải một vấn đề bế tắc và bi quan. Cho tới khi chúng ta làm được điều đó, Việt Nam sẽ mãi là quốc gia của những đứa trẻ “không được lớn” và những đứa trẻ “già đời” một cách đau lòng

Trang Phạm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-giao-duc/thay-gi-o-nhung-dua-tre-%e2%80%98gia-doi%e2%80%99