Thay đổi thói quen đốt rơm rạ

Mỗi năm ước tính có khoảng 45 triệu tấn rơm rạ sau thu hoạch lúa. Số lượng rơm rạ khổng lồ này nếu không được xử lý đúng cách mà đem đốt bỏ, thì vừa thải ra hàng chục triệu tấn khí nhà kính như CO2, NOX mỗi năm, vừa rất lãng phí và đem lại nhiều hệ lụy khác. Lời khuyên được đưa ra là hãy tái chế rơm rạ thành phân hữu cơ hay dùng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Đây là cách để giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng giúp người nông dân gia tăng thu nhập từ các vụ mùa.

Sau mỗi vụ gặt, những hình ảnh như thế này vẫn xuất hiện tại nhiều địa phương. Khói bụi mù mịt trên mỗi cánh đồng, bầu không khí ngột ngạt bao trùm. 3 trường hợp đốt rơm rạ cạnh khu vực dân cư tại xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vừa bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 8 triệu đồng.

"Khi phát hiện ra như những đám khói lớn, chúng tôi thông báo ngay cho lực lượng chức năng của địa phương để xử lý", bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

Rải rác ở một số huyện vẫn còn hiện tượng đốt rơm rạ, cũng có thể không đốt đồng loạt, nhưng khi phát hiện khói bốc lên ở đồng ruộng qua ảnh vệ tinh, Sở TNMT đã kịp thông báo cho các quận huyện để có giải pháp xử lý ngay.

Cùng với các hình thức xử phạt, thời gian qua, nhiều mô hình biến phụ phế phẩm rơm rạ thành sản phẩm phục vụ cho ngành trồng trọt và chăn nuôi được thực hiện, tạo sinh kế cho người dân.

Gần 2ha lúa hè thu của gia đình chị Mai vừa được thu hoạch. Không để ruộng không, gia đình chị tranh thủ làm đất để trồng ngô. Tuy nhiên, hôm nay, lần đầu tiên vợ chồng chị được hướng dẫn cách ủ rơm ngay tại ruộng.

Chị Nguyễn Thị Mai - thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: "Trước đây cắt xong thì đem đốt, để cày bừa khỏi vướng, nay được hội nông dân hướng dẫn mang rơm đi ủ làm phân, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tốt cho cây trồng".

Hội nông dân thôn đã xuống tận đồng hướng dẫn từng hộ gia đình. Phú Mỹ có khoảng 900ha đất làm nông nghiệp, khoảng 100/1.300 hộ làm nông nghiệp được tập huấn để ủ phân vi sinh từ rơm. Xã Tự Lập đang phấn đấu “ ruộng xanh” trong năm nay, bằng việc tuyên truyền, vận động nhân dân để phun chế phẩm vi sinh lên rạ rơm, sau khoảng 45 ngày sẽ hoai mục thành phân đem bón ruộng.

Ước tính, nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước, khoảng 44-45 triệu tấn, được xử lý vi sinh sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ. Ngoài ra, rơm rạ cũng là nguồn nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi, hay nuôi trồng nấm rơm.

GS TS Phạm Tiến Dũng - nguyên Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói: "Ngoài bán rơm làm nguyên liệu tuần hoàn trong nông nghiệp, ở một số nơi người dân lại tái sử dụng rơm để cho thu nhập".

Sau khi thu hoạch lúa, người nông dân sẽ lựa chọn phần rơm non để làm chổi, phần rơm già đem bán, làm thức ăn chăn nuôi. Việc này vừa đem lại thu nhập cho gia đình vừa giúp hạn chế công thải bỏ rơm rạ.

Nhiều mô hình xử lý rơm rạ hiệu quả ở các địa phương đã góp phần cho hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững hơn. Xử lý rơm rạ hiệu quả có vai trò thay đổi thói quen của người nông dân, tránh lãng phí nguồn tài nguyên to lớn này./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thay-doi-thoi-quen-dot-rom-ra-197494.htm