Thay đổi thói quen để hình thành công dân số

Để phát huy vai trò là trung tâm, chủ thể trong chuyển đổi số, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của công dân số, trở thành yếu tố nền tảng quyết định sự thành công của chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đẩy mạnh chuyển đổi số là sự phát triển mang tính tất yếu trong tình hình mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thế nhưng chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của công nghệ mà còn là quá trình thay đổi của nhận thức, thói quen, quy trình và giải pháp làm việc của con người từ lãnh đạo đến nhân viên, trong đó quan trọng là người dân.

Thực tế cho thấy chuyển đổi số chỉ thành công khi người dân nhận thức rõ ý nghĩa của chuyển đổi số, từ đó thay đổi thói quen làm việc, sinh hoạt, tích cực tham gia vào nền tảng số do các cấp chính quyền triển khai để trở thành công dân số, thụ hưởng quả ngọt từ chuyển đổi số đem lại.

Một trong những nhiệm vụ của chuyển đổi số cần sự tham gia, hợp tác từ người dân trong thời gian gần đây là việc cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Việc người dân cài đặt VNeID là cần thiết nhằm phục vụ công tác định danh điện tử, xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch trên môi trường điện tử.

Cùng với việc cài đặt VNeID, người dân nên tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến góp phần chung tay xây dựng nền hành chính hiện đại, thúc đẩy phát triển chính quyền số. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, thuận tiện theo dõi quá trình xử lý thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước.

Đoàn viên, thanh niên phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID.

Đoàn viên, thanh niên phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID.

Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QÐ-TTg phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là đề án 06). Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích gồm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ với các công nghệ số được sử dụng như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (Cloud)... Các công nghệ này làm thay đổi cách tổ chức sản xuất, cách thức, quy trình quản lý, vận hành xã hội, các phương thức giao dịch của dịch vụ công, các dịch vụ tiện ích theo hướng ưu việt, nhanh, hiệu quả hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Kiệm - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, xác định công dân số là nhân tố quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số với 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tỉnh quan tâm trang bị kiến thức, phát triển kỹ năng cần thiết cho người dân; chú trọng phát triển công dân số để người dân hưởng lợi ở 3 nhóm dịch vụ chính là giáo dục, y tế và an sinh xã hội.

Tỉnh Kiên Giang thực hiện chuyển đổi số đi đôi với phát triển công dân số gắn khả năng truy cập các nguồn thông tin số cho người dân; thúc đẩy người dân sử dụng các thành tựu chuyển đổi số nhiều hơn, tăng khả năng giao tiếp số cho người dân; tăng cường chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, phát triển giáo dục số, nhất là tăng cường phát triển dịch vụ công trên môi trường số gồm dịch vụ hành chính công, dịch vụ công cộng, dịch vụ công ích, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bài và ảnh: CẨM TÚ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-doi-so/thay-doi-thoi-quen-de-hinh-thanh-cong-dan-so-16318.html