Thay đổi nhận thức thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong trường trung học

Ngày càng nhận được quan tâm, nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường trung học còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Cô Nguyễn Thị Thúy và học sinh gặp gỡ, tham khảo ý kiến người dùng thử sản phẩm nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Thúc đẩy hoạt động này cần nhiều yếu tố; trong đó quan trọng là nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo nhà trường.

Khó khăn nhiều phía

Thâm niên 10 năm hướng dẫn học sinh NCKH, trong đó nhiều dự án đoạt giải cao, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thúy - nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định nhiều lợi ích từ việc cho học sinh tiếp cận NCKH.

Hoạt động này đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 là chú trọng phát triển khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học giải quyết vấn đề thực tiễn. Học sinh được tiếp cận với nhiều thông tin khoa học mới góp phần hình thành năng lực tự chủ, tính sáng tạo; thúc đẩy tính tò mò, quan sát, đánh giá sự vật hiện tượng và hình thành mong muốn khám phá, chinh phục.

Tuy nhiên, là người trong cuộc, cô Nguyễn Thị Thúy cũng bày tỏ trăn trở khi hoạt động này còn nhiều khó khăn; đặc biệt về chi phí nghiên cứu bởi ngân sách bị giới hạn, các dự án hầu như phải có sự hỗ trợ từ phụ huynh. Lực lượng giáo viên hướng dẫn NCKH hạn chế cả về số và chất lượng, nhất là năng lực hướng dẫn, chuyên môn sâu.

Trong khi đó, mỗi dự án, để thể hiện tính mới, hiện đại, sáng tạo, đòi hỏi người thầy có kiến thức, bản lĩnh tự học, nghiên cứu rồi hướng học sinh cùng làm và học với mình. Các sản phẩm đoạt giải cao của cuộc thi NCKH chưa được ứng dụng trong đời sống.

“NCKH có yêu cầu về sáng tạo từ khâu hình thành, cách chọn, triển khai hiện thực hóa ý tưởng để có sản phẩm thực tiễn, giá trị. Nhưng sau 10 năm triển khai, số lượng, dự án rất nhiều (từ vòng cấp trường, tỉnh, quốc gia) nên thời điểm này tìm kiếm ý tưởng, dự án mới, sáng tạo không dễ”, cô Nguyễn Thị Thúy chia sẻ thêm.

Tại Trường THPT Hàm Long (tỉnh Bắc Ninh), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Khương cho biết: Công tác tập huấn triển khai NCKH được Sở GD&ĐT Bắc Ninh tổ chức hằng năm nhằm cập nhật điểm mới của Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

Ban giám hiệu nhà trường coi triển khai cuộc thi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học. Tuy vậy, việc thực hiện còn khó khăn do phụ huynh thiếu quan tâm, chưa đầu tư về vật chất và tạo động lực mạnh mẽ cho học sinh học tập, nghiên cứu để biến ước mơ, ý tưởng khoa học thành hiện thực. Năng lực và quy trình hướng dẫn học sinh NCKH của giáo viên cũng hạn chế.

Với trường vùng khó, hoạt động NCKH càng khó hơn. Chia sẻ từ thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), hơn 10 năm tham gia công tác này, nhà trường mới một lần đoạt giải Khuyến khích. “Khó khăn từ khả năng của học sinh, năng lực giáo viên, đến nguồn lực nhà trường…”, thầy Đạo cho hay.

Ảnh minh họa ITN.

Thay đổi nhận thức về NCKH

Tháng 7/2013, Trường THPT An Thới (Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) được thành lập. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Thanh, xuất phát điểm không cao, tuyển sinh đầu vào khi đó thuộc tốp thấp nhất tỉnh, vì vậy trường chưa thu hút được học sinh, giáo viên tham gia NCKH.

Đến năm học 2019 - 2020, trường mới có 1 sản phẩm tham gia thi nghiên cứu vòng cụm đoạt giải Khuyến khích, tiếp tục tham gia thi cấp tỉnh. Từ đó, lĩnh vực này được nhà trường quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Kết quả đạt được là 2 đề tài NCKH của học sinh đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh (năm 2020 - 2021 và 2022 - 2023).

Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đã triển khai, cô Nguyễn Thanh Thanh cho biết, bước đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức toàn bộ giáo viên, học sinh về NCKH. “Phần đông giáo viên, học sinh nghĩ rằng đây là công việc xa vời, thích hợp cho nhà nghiên cứu. Giờ đây, cả thầy và trò dần thay đổi suy nghĩ: NCKH là công việc của những ai ham học hỏi, yêu khoa học và có tinh thần cầu tiến”, nữ Hiệu trưởng thông tin.

Lĩnh vực NCKH rất rộng, bao gồm kiến thức khoa học tự nhiên lẫn xã hội. Vì vậy, từ năm học 2020, các tổ chuyên môn Trường THPT An Thới đều có giáo viên tham gia bảo trợ học sinh nghiên cứu. Công việc, đề tài nghiên cứu từ đó sôi nổi, đa dạng hơn, mỗi năm có 5 - 6 sản phẩm tham gia thi vòng cụm.

Nội dung NCKH được nhà trường đưa vào tiêu chí thi đua cho giáo viên, học sinh. Gắn nhiệm vụ NCKH với thi đua tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong tập thể sư phạm nhà trường. Sản phẩm đạt giải được tuyên dương, khen thưởng. Học sinh đạt giải vòng cụm, tỉnh, ngoài giấy khen, phần thưởng của Ban tổ chức Cuộc thi, nhà trường còn cấp giấy khen, phần thưởng từ nguồn xã hội hóa giáo dục.

“Có thể nói, đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động NCKH là nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu, góp phần làm nên thành công cho công tác nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu của học sinh Trường THPT An Thới có nhiều khởi sắc là nhờ hiệu quả từ công tác này”, cô Nguyễn Thanh Thanh chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn đề tài nghiên cứu. Định hướng học sinh chọn đề tài yêu thích là bước đầu tạo dựng tình yêu, nhiệt huyết; từ đó hăng say và khẳng định hiệu quả nghiên cứu.

“Mỗi học sinh tham gia NCKH đòi hỏi phải có nền tảng kiến thức cơ bản và cần không ngừng bổ sung, hoàn thiện. Do đó việc tìm kiếm, đọc thêm tài liệu bổ trợ là cần thiết. Điều này tạo cho các em kỹ năng nghiên cứu từ đó kiến thức phục vụ đề tài tăng lên.

Đồng thời, qua giao lưu, trả lời phỏng vấn…, người học được rèn giũa kỹ năng diễn đạt, thuyết trình, trình bày vấn đề; tập dượt phong thái tự tin khi bảo vệ chính kiến trước hội đồng khoa học. Đây cũng là trải nghiệm quý báu, thú vị mà không phải bất kỳ học sinh nào cũng có được trong quãng đời cắp sách đến trường”, cô Thanh chia sẻ thêm.

Từ kinh nghiệm thực tế, thầy Trang Minh Thiên - Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ) nhận định đây là hoạt động khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, say mê và đầu tư nghiêm túc. Khi làm nghiên cứu, cần dũng cảm chấp nhận khó khăn, thậm chí thất bại.

“Tôi luôn xác định, trước tiên phải truyền cảm hứng, khiến các em say mê. Bên cạnh đó, mạnh dạn đổi mới phương pháp, hình thức nghiên cứu để tạo nên sự mới lạ cho đề tài; đổi mới trong chọn lựa đề tài, cũng như hướng dẫn học sinh sáng tạo hơn về phương pháp báo cáo tổng kết. Quan trọng hơn, giữa giáo viên, học sinh cần có sự thấu hiểu, hợp tác tốt thì việc nghiên cứu mới đạt hiệu quả cao”, thầy Trang Minh Thiên chia sẻ kinh nghiệm.

Thúc đẩy NCKH trong trường trung học cần nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng hơn là sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, phụ huynh, giáo viên làm công tác bảo trợ. Trong đó, lãnh đạo nhà trường là nhân tố tiên quyết kết dính các yếu tố trên, đồng thời phát huy sức mạnh của các lực lượng, đem đến thành công cho công tác NCKH trong nhà trường. - Cô Nguyễn Thanh Thanh

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-nhan-thuc-thuc-day-nghien-cuu-khoa-hoc-trong-truong-trung-hoc-post658714.html