Thay đổi Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ hạn chế được tiêu cực?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thay đổi Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ hạn chế được tiêu cực? Ảnh minh họa: Int

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay quy trình chọn sách thiếu minh bạch, khách quan; thiếu tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên. Quy trình hiện tại được tiến hành theo cách: tổ chuyên môn ở mỗi trường cho giáo viên thảo luận và đánh giá các SGK của môn học, bỏ phiếu kín để lựa chọn.

Sau đó, nhà trường thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục sách tổ chuyên môn đã đề xuất và báo cáo về Sở GD&ĐT. Sau đó, sở sẽ tổng hợp, chuyển cho hội đồng của tỉnh/thành danh mục sách được các nhà trường đề xuất để 15 thành viên nghiên cứu trong 7 ngày và bỏ phiếu kín.

Quy trình trên cho thấy việc lựa chọn sách là từ các cơ sở giáo dục nhưng lại trao quyền quyết định bỏ phiếu chọn sách cho hội đồng chỉ có 15 người là không hợp lý. Các trường phải tổ chức xét chọn rất công phu nhưng toàn bộ kết quả lựa chọn có thể bị hội đồng này bác bỏ.

Bộ GD&ĐT không quy định một cuốn sách được cơ sở lựa chọn với tỉ lệ bao nhiêu thì hội đồng có trách nhiệm phải chọn cuốn đó. Điều này dẫn đến việc nhiều giáo viên, nhà trường cho hay ý kiến của họ không được tôn trọng.

Tại dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK, Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông do hiệu trưởng thành lập. Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.

Hội đồng bao gồm người đứng đầu và cấp phó cùng các đại diện tổ chuyên môn, giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh. Số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu 11 người. Các trường có quy mô dưới 10 lớp thì số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người.

Về quy trình, toàn bộ giáo viên của từng môn sẽ tham gia lựa chọn sách môn học đó. Sau đó, tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ họp với các giáo viên để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn một sách cho mỗi môn.

Sách được chọn bảo đảm có từ một nửa giáo viên trở lên bỏ phiếu. Trường hợp không đạt tỉ lệ này, tổ chuyên môn phải thảo luận, phân tích và bỏ phiếu lại.

Dựa vào danh mục do tổ chuyên môn chọn, hội đồng của trường sẽ thảo luận, đánh giá, tổng hợp kết quả rồi đề xuất danh mục với người đứng đầu nhà trường. Sau đó, các trường lập hồ sơ lựa chọn sách gửi về phòng hoặc Sở GD&ĐT.

Phòng GD&ĐT thẩm định hồ sơ lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý theo quy định, báo cáo Sở GD&ĐT về kết quả thẩm định và danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý.

Sở GD&ĐT sẽ tổng hợp kết quả, lập danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Căn cứ vào kết quả này, UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương. Danh mục SGK được phê duyệt phải thông báo đến các cơ sở giáo dục phổ thông trước ngày 30/4 hằng năm.

Hi vọng, quá trình góp ý, xây dựng nội dung dự thảo Thông tư sẽ khắc phục được những nhược điểm trong lựa chọn SGK hiện hành, có sự tôn trọng ý kiến lựa chọn SGK của giáo viên, phụ huynh, cũng như các trường nhiều hơn. Bởi chỉ có người trực tiếp dạy học mới biết sách nào hay, phù hợp, đồng thời việc này giảm thiểu được cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản, tránh việc bắt tay "đi đêm" để thao túng quy trình chọn sách.

Ban Mai

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thay-do-i-ho-i-do-ng-lu-a-cho-n-sa-ch-gia-o-khoa-se-ha-n-che-duo-c-tieu-cu-c-357888.html