Thay đổi hiện trạng thông qua sự cưỡng ép

QĐND - Tình hình căng thẳng trên Biển Đông cùng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tiếp tục gây quan ngại đối với dư luận thế giới. Cộng đồng quốc tế kêu gọi giải quyết căng thẳng bằng các biện pháp hòa bình.

Đông đảo bạn bè quốc tế rất quan tâm đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ngày 6-7, đoàn đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Giơ-ne-vơ do Đại sứ, Trưởng phái đoàn Nguyễn Trung Thành dẫn đầu đã tham dự “Lễ hội các dân tộc không biên giới” và Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập của Đảng Lao động bang Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) với tư cách là khách mời danh dự. Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã chia sẻ về tình hình chung trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam . Trước sự quan tâm của đông đảo bạn bè, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã thông báo về căng thẳng gần đây ở Biển Đông xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam...

Các thành viên Đảng Lao động, bạn bè quốc tế và quần chúng tham dự đánh giá cao nội dung chia sẻ của Việt Nam , giúp hiểu hơn về tình hình phát triển và các vấn đề thời sự đang diễn ra, nhất là tình hình trên Biển Đông. Thời gian gần đây, Hội Hữu nghị với Việt Nam của nhiều nước gồm: Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan… đã phối hợp cùng ra Tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, kiên quyết đòi Trung Quốc chấp dứt ngay mọi hoạt động đe dọa đối với Việt Nam cũng như đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Mới đây, tại Pa-ri, trong phiên họp thứ 92 của Hội đồng Thường trực Pháp ngữ, cơ quan chính trị của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Tổng thư ký Pháp ngữ (OIF), ông Áp-đu Đi-úp, đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ trước những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông; kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối luật pháp quốc tế. Phiên họp có sự tham dự của đại sứ, đại diện 77 nhà nước, chính phủ thành viên và quan sát viên, để thảo luận các vấn đề chính trị, hợp tác, hành chính, tài chính của Pháp ngữ. Kết thúc phiên họp, Hội đồng Thường trực Pháp ngữ đã thông qua văn bản bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông gần đây, kêu gọi tất cả các bên liên quan hết sức kiềm chế và khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và bằng biện pháp hòa bình.

Trên báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 5-7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Đa-ni-en Rút-xen (Daniel Russel) trả lời phỏng vấn khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gây căng thẳng cho khu vực. Ông nêu rõ, tại sao trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng công khai tuyên bố cam kết về một môi trường hòa bình, thì nước này lại đột nhiên triển khai giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Có cùng quan điểm, trong một bài phân tích gần đây đăng trên trang mạng War on the Rocks.com, ông Pa-trích M. Cro-nin (Patrick M. Cronin), Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng, rõ ràng, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp khi tuyên bố vùng bảo vệ xung quanh giàn khoan 3 hải lý, mặc dù giàn khoan này không nằm trong vùng biển Trung Quốc. Nước này đang dùng các tàu Hải quân, tàu Hải cảnh và tàu cá để bảo vệ giàn khoan. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa thêm giàn khoan Nam Hải 09 hoạt động tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như đang có hoạt động cải tạo phi pháp tại ít nhất 5 bãi đá trong quần đảo Trường Sa. Mới đây nhất, lực lượng Trung Quốc đã bắt giữ một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cùng 6 ngư dân.

Theo ông M. Cro-ni, những động thái này chứng tỏ, Trung Quốc là nước “tỏ ra tích cực tham gia các diễn đàn, khuôn khổ đa phương nhưng lại thường xuyên hành động đơn phương, dồn ép các nước khác và sẽ không chấp nhận luật pháp quốc tế”. Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc đang hành động đơn phương để thay đổi hiện trạng thông qua sự cưỡng ép. Vì thế, ông không tin rằng, Trung Quốc sẽ hăng hái ủng hộ tìm kiếm các biện pháp xây dựng lòng tin và sớm chấp nhận cho ra Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ông M. Cro-ni cũng cho rằng, rõ ràng là Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh một cách thái quá và hành động này của Bắc Kinh đã gây rủi ro đối với trật tự an ninh ở khu vực. Các chuyên gia cảnh báo rằng, giới hoạch định chính sách các nước cần phải theo sát các hành động của Trung Quốc và có đối sách kịp thời.

XUÂN PHONG - ĐOÀN CA

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/phan-tich/thay-doi-hien-trang-thong-qua-su-cuong-ep/310375.html