Thay đổi cách tiếp cận phòng, chống lũ rừng ngang ở Chương Mỹ

Sáng 8-12, Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thảo phòng, chống lũ rừng ngang khu vực hữu sông Bùi thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ.

Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, đề xuất giải pháp phòng, chống lũ rừng ngang Nguyễn Thị Bích Thủy báo cáo tại hội thảo.

Vùng hữu sông Bùi bao gồm 10 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiêu úng và phòng, chống lũ rừng ngang khu vực hữu sông Bùi thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ”, đây là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng từ lũ rừng ngang đổ về. Để giảm thiệt hại do lũ rừng ngang gây ra, nhóm nghiên cứu cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận về phòng, chống lũ.

Đó là dành không gian để chứa nước; từ chống lũ triệt để sang né tránh, thích nghi; từ tiêu úng tập trung sang phân tán.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các phương án: Di dân tại chỗ một phần thôn Bùi Xá (xã Thủy Xuân Tiên); xây dựng kế hoạch ứng phó với lũ; nâng cấp hệ thống đường, trường, trạm bảo đảm cao độ chống lũ. Bên cạnh đó, không xây dựng kênh cắt lũ núi, chỉ xây dựng đê ngăn và cải tạo sông, suối để tăng cường khả năng thoát lũ. Xây dựng đê hữu Bùi thành 4 khu vực khép kín, có kết nối đê dọc sông Bùi để quản lý, ứng phó với cao trình đê chống lũ 7-8m. Xây dựng trạm bơm phân tán, tiêu nước triệt để…

Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Chiến Thắng lưu ý nhóm nghiên cứu các giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng, chống lũ rừng ngang tại địa phương.

Cơ bản đồng ý các giải pháp nêu trên, lãnh đạo các xã: Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Đồng Lạc, Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ... đề nghị nhóm nghiên cứu lấy mức ngập lụt của năm 2018 làm cơ sở xây dựng phương án; làm rõ hơn các giải pháp công trình và phi công trình trong phòng, chống lũ; lưu ý giải pháp xây dựng đường chạy lũ, nạo vét hệ thống tiêu úng, nhất là sông Bùi; nâng cấp đê hữu Bùi; xây dựng phân tán các trạm bơm tiêu úng; mong muốn đề tài sớm triển khai…

PGS.TS Lê Văn Hùng đồng tình đề xuất và đề nghị nhóm nghiên cứu cập nhật số liệu đầu vào của đề tài.

Góp ý về đề tài, PGS.TS Lê Văn Hùng (Trường Đại học Thủy lợi) cho rằng, biến động của số liệu những năm gần đây rất mạnh vì biến đổi khí hậu, tầng che phủ của rừng, diện tích ao hồ… Vì vậy, nhóm nghiên cứu cần rà soát, cập nhật số liệu đầu vào của đề tài.

“Tôi rất ủng hộ đề xuất của nhóm nghiên cứu là tiêu thoát nước có chủ đích ra sông Bùi và bơm phân tán...”, PGS.TS Lê Văn Hùng đánh giá.

Phát biểu tại hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết: Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lũ rừng ngang và đã có nhiều đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, ông Nguyễn Duy Du đề nghị nhóm nghiên cứu lưu ý cập nhật cơ sở pháp lý để bảo đảm tính khả thi khi triển khai đề tài; đồng thời, cập nhật các loại quy hoạch liên quan thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng Thủ đô Hà Nội...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thay-doi-cach-tiep-can-phong-chong-lu-rung-ngang-o-chuong-my-651367.html