Thầy bùa, thầy pháp đội lốt lương y - Bài 2: Lao đao vì “thầy”

Chữa bệnh bằng thuốc không rõ nguồn gốc, nhãn mác; “phán” theo kiểu vu oan giá họa khiến gia đình bệnh nhân xào xáo.

>> Thầy bùa, thầy pháp đội lốt thầy Đông y: Rửa chân để... giải hạn Trên số báo ngày 27-7, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh việc chữa bệnh bằng bùa chú dị đoan của bà Lê Thị Hoa, phòng chẩn trị y học dân tộc số 29/293 Thống Nhất, Gò Vấp, TP.HCM. Không chỉ móc túi người bệnh bằng kiểu chữa trị phi khoa học, những lời “phán” của bà Hoa còn khiến gia đình bệnh nhân mâu thuẫn. Đụng đâu lể đó Trước khi bước vào phòng cúng, bất cứ bệnh nhân nào cũng phải trải qua khâu chích lể. Chị Thanh G. (quận 1, TP.HCM) bị đau khớp, đến đây hai lần thì cả hai lần đều bị chích lể, nặn máu. Người giúp việc của bà Hoa dùng kim chích liên tục vào các đầu ngón tay, ngón chân, bắp chân của chị G. rồi nặn làm máu chảy ướt đầm miếng bông thấm, còn chị G. chỉ biết cắn răng chịu đau. Chị Thùy (Thống Nhất, Đồng Nai) bị mất ngủ, còn mẹ chị bị đau khớp cũng theo chữa tại phòng khám của bà Hoa được hai tháng. Cả hai trường hợp này, bà Hoa đều lệnh cho người giúp việc lấy kim chích và nặn máu. Không những chích trên tay, chân, ngay cả mặt cũng bị chích nốt. Anh M. bị mụn đầu đen khắp mặt đã mấy năm nay, chữa nhiều nơi mà không hết, đến đây lể mụn được hai lần. Người phụ việc của bà Hoa thoa nhẹ một lớp thuốc mỏng lấy từ một lọ nhựa trắng không có nhãn hiệu rồi đâm kim vào mụn. Chỗ nào có mụn thì chích, chích đến đâu máu ra đến đó, chỉ một chốc đã thấm đỏ miếng bông. Châm xong, cô này thoa lại lớp thuốc mỏng lúc nãy. Cây kim vừa nặn mụn cho chàng trai trước đó chỉ được chùi sơ qua rồi tiếp tục chích vào chân một bệnh nhân khác! Gia đình lục đục vì “thầy” Một nạn nhân của trò phù phép này, bà Đinh Thị M. (78 tuổi, Phú Nhuận, TP.HCM) kể: Năm 2003, bà bị đau khớp, đang chạy chữa tại bệnh viện nhưng nghe lời người quen lôi kéo, bà đến phòng khám của bà Hoa. Bà Hoa bốc cho bà M. ba thang thuốc rồi cũng tung “chiêu” lót tờ giấy dưới cái chậu rồi dội nước từ chân xuống. Tờ giấy hiện lên chữ và hình vẽ, bà Hoa “phán” người hại bà M. chính là con dâu bà, đồng thời còn mách rằng con dâu bỏ bùa mê để cưới được chồng hòng chiếm đoạt tài sản của bà. Mang tâm trạng bị hại, bà M. trở nên hoảng loạn, cứ lén lấy dao bỏ trong người chực đâm con dâu. Kể từ đó, gia đình bà M. liên tục xào xáo, mẹ phòng thủ con dâu, con trai bênh vợ giận mẹ... Tổng cộng tiền thuốc và “rửa làm phép” cho bà M. là 1,5 triệu đồng nhưng bệnh của bà không khỏi mà còn diễn biến nặng đến mức phải đi bằng hai đầu gối. Em M., mới 18 tuổi, nghe thầy phán có người con gái khác muốn hại cô để cướp người yêu khiến em suốt ngày lo lắng, bỏ ăn bỏ học. Dù gia đình cấm cảm nhưng M. vẫn lén bỏ nhà đến phòng khám của bà Hoa để giải hạn, lấy bùa về yểm hòng giành lại người yêu. Sau một thời gian, M. trở nên trầm cảm nặng. Nhìn mặt tính tiền Không có giá cả cố định, bà Hoa lấy tiền vô tội vạ theo kiểu nhìn mặt lấy tiền. Ai sang thì đòi vài triệu đồng, người nghèo thì năm, bảy trăm ngàn. Thậm chí có gia đình chạy chữa hết cả 30 triệu đồng nhưng không được kết quả gì. Bằng những chiêu vẽ vời tạo ảo giác tâm linh, bà Hoa khỏe re “móc túi” bệnh nhân. Lần “rửa giải hạn” cho chúng tôi, bà Hoa nói tổng cộng hết 600 ngàn đồng nhưng viện lý do sinh viên nghèo, chúng tôi trả giá còn 300 ngàn đồng, bà Hoa cũng đồng ý. Còn người mà bà Hoa gọi là “thầy” tên thật là Lưu Văn Dũng. Thực tế ông Dũng chưa trải qua trường lớp khám chữa bệnh nào và chỉ mới đến hợp tác tại phòng khám bà Hoa được vài tháng nay. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về số thuốc bà Hoa cho chúng tôi (PV) uống, bác sĩ Lê Ngọc Bền, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, cho biết: “Do thuốc đã thành phẩm, không thể biết được thành phần của nó nên không thể xác định được đây có phải là thuốc Đông y hay không”. Phòng mạch đâu phải để cúng vái Thông tin từ Phòng Quản lý y tế TP.HCM cho biết phòng mạch của lương y Lê Thị Hoa có giấy phép đủ điều kiện hành nghề, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, trong phạm vi một phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng mạch của lương y Hoa chỉ được phép hoạt động bắt mạch, kê toa, bốc thuốc và châm cứu. Ngoài ra, chích lể, cúng vái, giải hạn đều không nằm trong chức năng hoạt động của phòng khám. Bác sĩ Võ Thị Thu Ba, Phó phòng Quản lý dịch vụ y tế TP.HCM, cho biết: Thuốc bán ra phải có nhãn hiệu, nguồn gốc sản xuất. Ngoài ra, các phòng mạch cũng được phép sản xuất thuốc dùng cho bệnh nhân tại nhà nhưng phải có giấy phép đăng ký sản xuất và phải có một quy trình rõ ràng. Bên cạnh đó, kỹ thuật viên của phòng khám bắt buộc phải có bằng sơ cấp hoặc trung cấp.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/xa-hoi/view.aspx?news_id=263446