Thấu hiểu khách hàng để nắm bắt cơ hội phát triển

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm, gần gũi và thấu hiểu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển. Đây là ý kiến nêu tại diễn đàn 'Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu' do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tổ chức ngày 23.11.

Sức mua suy giảm

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn dẫn đến sức mua suy giảm nghiêm trọng.

Quý III vừa qua là giai đoạn tương đối khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bán lẻ các ngành hàng không thiết yếu. Kinh tế toàn cầu ảm đạm, sức mua trong nước suy yếu khiến doanh thu trên nhiều mặt hàng từ sữa, bia, yến sào đến điện thoại, máy giặt, trang sức, ô tô,… sụt giảm thấy rõ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 10 tháng năm 2023,tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,2%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 10,4% - 47,6%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch bệnh Covid-19; các nhóm hàng khác tăng từ 5,5 - 13,6%; riêng nhóm phương tiện đi lại giảm 2,8%.

Bức tranh xuất nhập khẩu cũng khá ảm đạm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 7,1%; nhập khẩu giảm 12,3%. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, nhiều tổ chức dự báo xuất nhập khẩu cả năm 2023 sẽ giảm mạnh 9 - 10%.

Tại diễn đàn “Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu”, có ý kiến cho rằng, bên cạnh sức mua suy giảm thì kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối hiện còn khó khăn. Ví dụ kênh phân phối bán lẻ là một trong những phương thức để nhà sản xuất đưa sản phẩm tới tay người dùng. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, hoạt động giao thương kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ còn lỏng lẻo, khiến hành trình đưa hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi hệ thống bán lẻ, siêu thị không hề dễ dàng. Vì vậy, nhiều sản phẩm có chất lượng đang “bí” đầu ra, hàng hóa không đến được tay người tiêu dùng.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang

Thấu hiểu khách hàng

Ông Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công thương cho rằng, đẩy mạnh kết nối cung cầu không chỉ là cách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn là hướng đi cần thiết để xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Kết nối cung - cầu cũng giúp tối ưu hóa tài nguyên, khuyến khích sự đổi mới và phát triển sản phẩm, cũng như tạo cơ hội hợp tác và tăng cường cạnh tranh.

Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam, đã đến lúc doanh nghiệp cần cải tiến sản phẩm dựa trên mong muốn của người tiêu dùng. Hiện người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm những sản phẩm tốt mà còn nhiều lợi ích về tài chính cũng như công dụng.

Đặc biệt, xây dựng thương hiệu mạnh là cơ hội mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và uy tín cho quốc gia. Kết quả khảo sát của NielsenIQ Việt Nam cho thấy, thương hiệu yếu thì mức độ trung thành khách hàng là 40%, thương hiệu trung bình thì mức độ trung thành khách hàng là 56%, thương hiệu mạnh thì mức độ trung thành khách hàng là 69%.

Sức khỏe thương hiệu mạnh kết hợp với chiến lược truyền thống hiệu quả sẽ giúp thương hiệu phát triển bùng nổ, qua đó gia tăng thị phần, doanh số, lợi nhuận và lòng trung thành của khách hàng. Trong thời điểm khó khăn, gần gũi và thấu hiểu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội phát triển, bà Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ chi phí để các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, nhất là ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm cũng như thị trường trong nước. Với thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước sở tại cần tích cực phối hợp, hỗ trợ để tiếp xúc đối tác để đạt hiệu quả.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thau-hieu-khach-hang-de-nam-bat-co-hoi-phat-trien-i351377/