'Thắt' tiêu chí để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ

Sáng 10/11, Bộ GDĐT phối hợp với báo Tuổi trẻ TP.HCM tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các khách mời gồm: Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga; GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN; PGS.TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội.

Tại tọa đàm, lãnh đạo bộ GDĐT và các khách mời sẽ cùng nhau trao đổi thẳng thắn, đề xuất những giải pháp để đưa vào quy chế Đào tạo tiến sĩ sửa đổi bổ sung. Trên cơ sở đó Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện quy chế để sớm ban hành, tạo hành lang pháp lý quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Thưa Thứ trưởng Bùi Văn Ga, có một thực tế rõ ràng là chất lượng luận án tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo không đồng đều, và có thể vàng thau lẫn lộn, nhiều luận án ít giá trị thực tế, không có tính khoa học, như một báo cáo tổng kết...nhưng Nghiên cứu sinh vẫn được cấp bằng tiến sĩ. Liệu có phải do đào tạo tiến sĩ hiện đang chạy theo số lượng và xem nhẹ chất lượng. Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của Bộ về nhận định này? Và Bộ đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Có thể nói, trong điều kiện cơ sở vật chất cũng như đầu tư như hiện nay các cơ sở giáo dục đào tạo được tiến sĩ là sự cố gắng lớn, cần phải đánh giá cao. Hầu hết cơ sở đào tạo tiến sĩ hiện nay chấp hành nghiêm quy chế. Tuy nhiên, vẫn có nơi có lúc cơ sở buông lỏng quản lý chất lượng, chạy theo số lượng dẫn đến có những luận án tiến sĩ không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc trong xã hội.

Nguyên nhân chính là nghiên cứu sinh không xác định rõ động cơ khi làm nghiên cứu sinh (NCS). NCS là đào tạo ra các nhà nghiên cứu với những trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Nhiều NCS không xác định được rõ động cơ, mục tiêu này nên dẫn đến chất lượng không đảm bảo.

Nguyên nhân nữa là người hướng dẫn NCS do chất lượng chưa đồng đều nên quá trình hướng dẫn còn hạn chế, do hạn chế nên không tiếp cận được với học thuật thế giới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, mấu chốt vấn đề các cơ sở nêu lên là chính đáng và
cần thiết để nâng cao chất lượng, khi gỡ được khó khăn về đầu tư, kinh phí, chất lượng sẽ nâng lên.

Nguyên nhân tiếp theo là về phía cơ sở giáo dục đào tạo TS. Do chưa thực hiện nghiêm quy chế nên chất lượng bị buông lỏng, một số cơ sở hội đồng không đảm bảo yếu tố khách quan.

Nguyên nhân cuối cùng do nguồn lực đầu tư của nhà nước, kinh phí đào tạo của chúng ta quá thấp, không đủ để NCS thực hiện các nghiên cứu có chất lượng.

Thưa PGS. TS Vũ Lan Anh, và GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, chất lượng đào tạo TS của Trường ĐH Luật Hà Nội và ĐHQGHN hiện được đánh giá dựa trên những yếu tố như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Năm 1976 nước ta lần đầu tiên đào tạo Phó tiến sĩ trong nước, đó là Hoàng Hữu Đường. 6 năm sau, Hoàng Hữu Đường lại là người đầu tiên bảo vệ TS khoa học trong nước. Lúc đó ở Việt Nam có muôn vàn khó khăn. Cần phải nhận thức rằng, trước đây khi Việt Nam mới đào tạo TS trong nước điều kiện rất khó khăn nhưng chất lượng TS được khẳng định chứ không phải có những dư luận như thời gian vừa rồi.

Trước hết phải nói rằng, chất lượng đào tạo TS ở Việt Nam nói chung, ĐHQGHN nói riêng đang ngày càng tiệm cận với chuẩn mực và tính quốc tế. Nếu năm 2016, ở ĐHQGHN Trần Hữu Nam lần đầu tiên có bài báo quốc tế và đặc cách bảo vệ TS. Rồi sau đó ĐGQGHN có 60% các em có bài báo trên tạp chí quốc tế, nhiều em một số ngành có 2 bài trở lên. Bên cạnh những NCS có kết quả tốt, ở ĐHQGHN cũng có những luận án phản biện bị trượt để thấy rằng quy trình quản lý cũng rất khắt khe.

Tôi đồng tình với Thứ trưởng Bùi Văn Ga có 3 nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo TS hiện nay còn hạn chế, đó là động lực của người học, cơ sở đào tạo buông lỏng quản lý, cơ sở vật chất đầu tư chưa thỏa đáng.

Tôi muốn lí giải vì sao trước đây 20-30 năm dù khó khăn nhưng chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn tốt, đó là vì chất lượng đầu vào tốt, 30-40 người thi chỉ có 2-3 người đỗ; trong quá trình đào tạo mỗi người phải thi 3 chuyên đề nên phải học rất chắc chắn. Ngoài kết quả thông qua chất lượng của luận án hội đồng còn xem xét người đó có xứng đáng không mới trao quyết định công nhận, nên có khi phải mất 5-7 năm mới đào tạo được một TS.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, chất lượng chất lượng đào tạo TS ở Việt Nam nói chung,
ĐHQGHN nói riêng đang ngày càng tiệm cận với chuẩn mực và tính quốc tế.

Vấn đề hiện nay theo tôi là quy mô đào tạo quá nhiều, chất lượng và trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn chưa đảm bảo.

PGS.TS Vũ Lan Anh: Tôi cũng chia sẻ ý kiến của GS Nguyễn Đình Đức ở chỗ chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo TS. Bên cạnh quy mô phải làm sao quan tâm chất lượng. Trước đây ngành Luật đa số đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu hiện nay chúng ta tập trung đào tạo trong nước, nên nhiệm vụ của người đào tạo trong nước phải nâng tàm để ngang tầm thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nâng cao chất lượng đào tạo TS là việc làm rất cần thiết.

Thưa GS Trần Văn Nhung, là người được đào tạo TS ở nước ngoài, GS có thể chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo TS ở một số nước trên thế giới?

GS.TSKH Trần Văn Nhung: Số TS Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài khá nhiều như vậy chúng ra có được bài học kinh nghiệm từ các nước. Trước hết tôi hoan nghênh diễn đàn này, đây là chủ đề hay, đang được xã hội quan tâm. Vì ở bất cứ quốc gia nào, TS là rường cột về khoa học, giáo dục. Nếu chất lượng TS cao, chất lượng GS, PGS cũng sẽ cao.

Trên thế giới họ định nghĩa, NCS và khi bảo vệ cấp bằng TS dứt khoát không thể không có cái mới, không có phát minh, có thể ở mức độ khác nhau. Vì vậy, tôi đề nghị nên có định nghĩa cẩn thận thế nào là tiến sĩ.

Thứ hai mọi việc sẽ trở nên thuận lợi hơn nếu bám chặt vào các tiêu chí đào tạo tiến sĩ của khu vực và thế giới, nhất là khoa học tự nhiên và công nghệ.

Bên Hung-ga-ri, nơi tôi đã được đào tạo TS, việc giao quyền tự chủ là đương nhiên nhưng họ không nói bảo vệ tiến sĩ cấp trường, mà vẫn là cấp quốc gia, theo nghĩa giao quyền tự chủ các trường và kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ. Nếu muốn bảo vệ TS Toán, anh đưa luận án, bản tóm tắt, sơ yếu lý lịch, hội đồng sẽ có 27 thành viên. Ông Chủ tịch và khoảng 20 GS ngành Toán xem bài vở bảo vệ được chưa. Ít nhất phải có 2 bài báo đăng quốc tế.

GS. Trần Văn Nhung cho rằng, chúng ta đang hội nhập quốc tế, nếu ko nâng cao chất lượng
sẽ ra dìa ngay trên đất nước của mình.

Ở bên đó, ai làm chủ tịch hội đồng cũng phải tính toán sao cho phù hợp, ai làm phản biện cũng vậy và không thể có chất lượng thấp.

Ở trên, Thứ trưởng Ga vừa nói Bộ sẽ xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo TS. Từ thực tế đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, theo các khách mời, Bộ sẽ nên có những điều chỉnh như thế nào để vừa “xốc” lại quản lý nhà nước về đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng cũng đồng thời giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà để tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo cũng như các Nghiên cứu sinh hơn?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Từ khi nước ta mở cửa hội nhập đến nay ngành có nhiều đổi mới trong cập nhật chương trình, đặc biệt trong đào tạo TS, mới nhất là Thủ tướng vừa ký ban hành Khung cơ cấu hệ thống và Khung trình độ quốc gia. Theo đó, TS ở bậc 8, bậc cao nhất. Khung này dựa trên khung tham chiếu Asean. Để đào tạo TS đạt chuẩn khu vực, tới đây phải dựa vào khung trình độ quốc gia đó, từ đó thiết kế chương trình đào tạo phù hợp.

Để thỏa mãn các tiêu chí, NCS phải có tiêu chí đầu vào nhất định đòi hỏi cao hơn trước đây, trước hết là ngoại ngữ. Trước đây quy định ngoại ngữ là chuẩn đầu ra, giờ không phù hợp, mà phải quy định đầu vào, ngoại ngữ là công cụ cần thiết sử dụng vào nghiên cứu.

Công trình TS, luận án TS là công trình khoa học phải chứa đựng cái mới, phải đăng trên các tạp chí quốc tế để người ta bình luận, phản biện để thấy cái mới trong luận án.

Việc quy định người hướng dẫn để NCS thực hiện tốt vai trò nghiên cứu của mình thì định hướng nghiên cứu của các thầy rất quan trọng; thầy phải đi trước, có hợp tác quốc tế mới định hướng hướng dẫn NCS thành công luận án của mình.

Để thực hiện mọi điều trên, vấn đề quy định kinh phí, chi phí đào tạo NCS cũng phải nâng lên. Hiện chi phí bình quân 15 triệu/năm quá thấp. Khó có thể đào tạo NCS bài bản. Mỗi lần nghiên cứu ra cái mới phải thí nghiệm thực hành, thực tập. Buộc phải có có đầu tư nhất định. Nếu có ít ngân sách chúng ta tập trung đầu tư cho ít nghiên cứu sinh hơn, còn hơn đầu tư dàn trải.

Thưa PGS.TS Vũ Lan Anh, theo bà, để nâng cao chất lượng đào tạo TS, cần phải có những điều kiện dự tuyển như thế nào?

PGS.TS Vũ Lan Anh: Về đầu vào, theo tôi, có tuyển sinh được đối tượng giỏi mới có thể đào tạo để trở thành TS tốt. Tìm ra đối tượng phù hợp với mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Mục tiêu đào tạo TS là đào tạo nhà khoa học có khả năng nghiên cứu đóng góp nền KH nước nhà và có khả năng hội nhập. Đầu vào cần 2 yếu tố: Điều kiện tuyển sinh (ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu, căn cứ vào bài báo nghiên cứu, những gì họ đã làm trước khi đăng ký dự tuyển).

Khi NCS có quá trình nghiên cứu nghiền ngẫm, ngấm vấn đề đó, thể hiện qua bài báo, hội thảo khoa học, tọa đàm, mới thể hiện có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghiên cứu.

PGS.TS Vũ Lan Anh cho biết, khi nào dáp ứng đầy dủ các yếu tốt đó, đào tạo mới tốt được.
Sau khi đào tạo tốt rồi thì vấn dề cuối cùng là kiểm soát đầu ra.

Trình độ ngoại ngữ, nếu đầu vào không đặt ra điều kiện ngoại ngữ ở điều kiện nhất định để tham gia hoạt động quốc tế, nghiên cứu tài liệu không thể có một TS có khả năng hội nhập.

Hiện theo quy chế hiện hành trình độ tuyển ngoại ngữ là 3/6 (B1), thực tế ở ĐH Luật Hà Nội cho thấy những người có trình độ này rất khó đọc tài liệu nước ngoài, vì đây là lĩnh vực khoa học xã hội, đọc tài liệu không đơn giản. Nếu yêu cầu ngoại ngữ cao hơn, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn.

Chất lượng quá trình đào tạo. Bản thân quá trình đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thứ nhất là chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu, học liệu; phương pháp hướng dẫn, phương pháp nghiên cứu; phương pháp đánh giá luận án, các công trình nghiên cứu; cuối cùng nhưng tôi nhấn mạnh là người hướng dẫn.

Theo tôi, khi nào đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó, đào tạo mới tốt được. Sau khi đào tạo tốt rồi thì vấn đề cuối cùng là kiểm soát đầu ra.

Về yêu cầu đối với phản biện luận án, thưa GS Trần Văn Nhung liệu chúng ta có cần phản biện kín như hiện nay hay không? Hội đồng CDGSNN có thể tham gia phản biện luận án TS không?

GS.TSKH Trần Văn Nhung: Phản biện kín ở nhiều nước phát triển vẫn có nên chúng ta cũng nên duy trì nhưng chọn người thế nào cho thật khách quan và có giá trị. Phản biện kín hay phản biện đen ở nước ngoài cũng do một hội đồng quốc gia làm hết.

Về vấn đề đạo văn, có ý kiến là nên sáng chế ra phần mềm để giống nhau 30 trang sẽ tìm thấy. Nhưng theo tôi ăn cắp hoàn toàn 30 trang không tai hại bằng ăn cắp ý tưởng. Ăn cắp ý tưởng mới nguy hiểm. Các nước họ phải đăng bài phản biện toàn thế giới. Ngay trong ngành khoa học xã hội không đòi hỏi nhiều nhưng vẫn phải có bài báo đăng trên tạp chí khoa học thế giới. Phải có ý tưởng hoàn toàn mới mới được đăng, tránh đạo văn bám vào tiêu chuẩn thế giới.

Chúng ta đang hội nhập quốc tế, nếu ko nâng cao chất lượng sẽ ra rìa ngay trên đất nước của mình. Đừng bao giờ quên phải phát huy đóng góp phát minh sáng chế cho đất nước.

Thưa GS Nguyễn Đình Đức, theo ông, nếu xảy ra vấn đề về chất lượng của Luận án TS thì Hội đồng thẩm định và từng cá nhân tham gia Hội đồng phải chịu trách nhiệm như thế nào?

GS Nguyễn Đình Đức: Thẩm định luận án trong điều kiện hiện nay rất cần. ĐHQG HN có ngành chúng tôi đã thẩm định độc lập, có trường hợp 1 trong 2 phản biện không đồng ý. Trong quá trình thẩm định cũng có trường hợp cả 3 phản biện đều trượt. Qua đó, NCS và thầy đều phải cảnh tỉnh để nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt nên bỏ qua. Trường hợp xuất sắc nên đơn giản hóa để khuyến khích. Về đối tượng thẩm định có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng chức danh giáo sư và hội đồng ngành để giới thiệu chuyên gia.

Trong thẩm định có sự cố sẽ xem xét lỗi ở đâu. Ví dụ đạo văn. Nếu đạo về mặt kết quả và ý tưởng phải chịu. Nhưng nhiều khi lợi dụng trong câu trích dẫn, giới thiệu. Có 2 mặt của 1 vấn đề nên xác định rõ lỗi thế nào. Nếu thầy biết vẫn để là phải phạt nặng. Nhưng là vô tình thì nhắc nhở. Nên phải cân nhắc, đối chứng giữa 2 bên.

Nhưng về cơ bản, không mới không là khoa học. Nếu một khi xác định rõ nguyên nhân sẽ kết luận. Còn là vấn đề mới tranh luận chưa thống nhất cần xem xét thỏa đáng.

Vấn đề chất lượng đào tạo TS, ngoài quy định chung từ cơ quan quản lý Nhà nước, thì cũng cần sự thay đổi mạnh mẽ từ cơ sở đào tạo. Như vậy, nếu tiêu chuẩn về đào tạo tiến sĩ nâng cao hơn như ý kiến của các vị khách mời, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn gì và phải đổi mới thế nào để thích nghi? Với câu hỏi này, xin được lắng nghe ý kiến từ GS Nguyễn Đình Đức và PGS.TS Vũ Lan Anh?

GS Nguyễn Đình Đức: Chắc chắn là có khó khăn. Vì như tôi đã nói một trong những tiêu chí của trường ĐHQGHN là phải khả thi với các ngành. Trên thực tế, theo thống kê với đại học nghiên cứu, trung bình một giảng viên, với KHTN và CN 5 năm phải có 5 bài, KHXH 5 năm phải có 2 bài... xa so với tiêu chuẩn thế giới (về tiêu chí không phải trình độ). Nếu áp dụng thì lực lượng cán bộ của chúng ta chưa thể đáp ứng ngay được. Phải có lộ trình.

Thứ 2, để nâng cao chất lượng giảng viên, đề xuất: dù có bài chăng nữa, đào tạo posdoc (người tiến sĩ ấy phải có 1 năm và 1 vài lần posdoc).

Cuối cùng là cơ sở vật chất, kinh phí. Hiện nay có hiện tượng các em giỏi đi đào tạo ở nước ngoài và không về nước. Vì thế, tôi rất mong sẽ được tạo điều kiện tối thiểu để xây dựng đội ngũ, trong đó có hỗ trợ nghiên cứu sinh. Người đi học phải được cơ quan phải trả tiền, sau đó về phục vụ cho cơ quan. Chính sách tài chính theo tôi là điều rất quan trọng. Đây cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng. Đồng tiền chi đúng người đúng việc sẽ tốt.

Cạnh tranh nhưng chúng ta cạnh trạnh bằng nguồn lực gì. ĐHQGHN những năm qua mạnh về đào tạo TS nhưng là nỗ lực của các thầy hy sinh.

Liên quan đến tự chủ đại học, đào tạo được một tiến sĩ, làm sao phải nâng cao được đầu tư. Nếu trường đại học đã phân tầng và xếp hạng, cam kết chất lượng đào tạo tốt, cam kết chuẩn quốc tế thì nhà nước có cho tôi thu học phí cao không. Muốn có tiến sĩ phải có tài năng từ bậc đại học. Nên vấn đề là tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng, nhưng phải có cơ chế cạnh tranh. Mong Bộ cơ quan quản lý suy nghĩ để thu hút trường đại học trong thời gian tới. Tự chủ gắn với trách nhiệm nghĩa vụ.

PGS.TS Vũ Lan Anh:Nâng cao tiêu chuẩn đào tạo TS là quan điểm đúng đắn. Tuy nhiên khi nâng cao chất lượng có nhiều vấn đề, tôi nghĩ trước tiên phải xác định khi đào tạo TS có chất lượng là chúng ta chọn lọc, qua kênh đó, chọn ra người tinh hoa, người muốn trở thành các nhà khoa học. Tôi tin cơ sở nào cũng muốn nâng cao chất lượng để giữ uy tín nên các cơ sở đào tạo sẽ ủng hộ.

Làm sao để nâng cao chất lượng, trước hết là đầu vào: Bản thân đề tài nghiên cứu, chương trình nghiên cứu phải hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu người học, xã hội. Khi thấy cần phải nghiên cứu người ta sẽ tự nguyện.

Thứ 2, giảng viên người hướng dẫn phải có uy tín về khoa học, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc nghiên cứu của mình.

Thứ 3, phải có hệ thống tài liệu, học liệu trong nước và quốc tế đầy đủ, cộng thêm cơ sở vật chất. Đồng thời tạo dựng một môi trường đào tạo tốt để thu hút người học.

Chúng ta phải thay đổi quan niệm. Người học, NCS cũng là người mà chúng ta cần phải phục vụ, cũng là khách hàng của trường. Nên cần thay đổi thái độ để học thấy vào môi trường được động viên để phát huy khả năng. Nhà trường phải đáp ứng mọi yêu cầu người học.

Sau khi tuyển được người, phải làm sao chương trình đào tạo hiệu quả, bổ ích, để kết thúc quá trình đào tạo có được tiến sĩ chất lượng. Nếu làm được tất cả, tôi tin chất lượng đào tạo TS ngày càng nâng cao để đáp ứng hội nhập quốc tế.

GS Trần Văn Nhung: Chúng ta đang bàn đến những vấn đề rất cao nhưng nhìn lại giá 18 triệu đào tạo TS mới thấy chưa quốc gia nào đào tạo rẻ vậy. Chia sẻ và cảm thông với các cơ sở, mặc dầu đầu tư là như vậy nhưng vẫn đào tạo được nhưng một số ngành chưa đòi hỏi về thực nghiệm. Ta bàn với nhau vì lo ngại về chất lượng tiến sĩ. Xã hội lo lắng nhưng trách nhiệm với chúng ta là giải trình để xã hội hiểu. Một mặt ghi nhận và chia sẻ nhưng vẫn phải nói với xã hội, 18 triệu NCS/năm, không ở đâu làm được.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định như thế nào về những quan điểm trên?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các cơ sở đào tạo đã nêu lên những khó khăn vướng mắc để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Đúng như các sơ sở đã nói nhưng thống kê trung bình 15 triệu, là sự cố gắng rất lớn, trách nhiệm rất lớn của các thầy. Với đầu tư nhỏ bé như vậy khó đòi hỏi chất lượng cao được. Đầu tư ở mức độ vừa phải, dù không bằng thế giới nhưng cũng phải phù hợp để NCS thực hiện được các nhiệm vụ nghiên cứu.

Đề án 911 theo kinh phí nước ngoài 30-40 ngàn đô, trong nước 70 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề kinh phí.

Tự chủ đại học, đã thu mức học phí cao rồi nhưng không thể quá cao được. Chưa đảm bảo được. Các trường tư thục có chế độ riêng. Mấu chốt vấn đề các cơ sở nêu lên là chính đáng và cần thiết để nâng cao chất lượng, khi gỡ được khó khăn về đầu tư, kinh phí, chất lượng sẽ nâng lên.

Cuối cùng Thứ trưởng muốn nhắn gửi điều gì qua buổi tọa đàm hôm nay?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:Qua ý kiến hôm nay đã làm rõ nhiều vấn đề để hoàn thiện quy chế, lần này sửa không phải từ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước mà tham khảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ sở, chương trình hôm nay cũng là một trong số đó. Nhân rộng ý kiến tuyên truyền của các chuyên gia để xã hội hiểu. Cơ quan quản lý nhà nước đưa ra, các cơ sở dựa vào đó để có ý kiến, bình luận, chia sẻ để đưa vào quy chế, quy chế phù hợp với thực tiễn hơn.

Chúng ta không hy vọng sẽ được đầu tư bằng thế giới nhưng sẽ được nâng lên để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Với hạn chế đầu tư như hiện nay cũng là khó khăn với đảm bảo chất lượng. Cũng qua buổi tọa đàm hôm nay mong xã hội sẽ hiểu hơn và chia sẻ những những khó khăn, hạn chế trong quá trình đào tạo TS hiện nay.

Xin cảm ơn các vị khách mời!

(Nguồn: moet.gov.vn)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/that-tieu-chi-de-nang-cao-chat-luong-dao-tao-tien-si-218587.html