THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ VIỆC ÁP DỤNG THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP BỔ SUNG THEO QUY ĐỊNH CHỐNG XÓI MÒN CƠ SỞ THUẾ TOÀN CẦU

Sáng 10/11, theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, đồng thời cho rằng cần tính toán đến các chính sách để bảo đảm lợi thế cạnh trạnh, thu hút đầu tư của nước ta, bảo đảm đồng bộ thống nhất của pháp luật về thuế.

Theo nguyên tắc áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD/G20 công bố, các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thảo luận tại Tổ 4 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Thảo luận tại Tổ 4 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Theo Thuế tối thiểu toàn cầu có các quy định đánh thuế, gồm: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR), Quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR), Quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu (STTR) và Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).

Theo Tờ trình của Chính phủ, đối chiếu với quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, để tập trung giành quyền đánh thuế, hạn chế việc chuyển số thuế sang các quốc gia khác, đồng thời để đảm bảo tính khả thi (do đây là chính sách mới, chưa có nước nào đã áp dụng) và tham khảo tình hình triển khai áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước trên thế giới, Việt Nam cần áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) từ năm 2024.

Thảo luận tại Tổ 4 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bà Rịa – Vũng Tàu, các đại biểu Quốc hội nhất trí việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; đánh giá cao và bày tỏ đồng tình với các nội dung đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu điều hành thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu điều hành thảo luận

Trong đó, về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định là "đã rõ ràng", “không cần phải tranh luận” bởi các quy định về việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, hay còn gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, được OECD đề xuất và sẽ bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Nội dung thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thỏa thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.

Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu, nếu các nước đã áp dụng mà Việt Nam chưa nội luật hóa để áp dụng thì sẽ bị thiệt thòi, không giành được quyền đánh thuế. Mặt khác, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ góp phần chống chuyển giá, tăng nguồn thu ngân sách.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu

Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cũng nêu 2 vấn đề đặt ra khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Một là, chính sách ưu đãi. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này thì rõ ràng, mức thu thuế bình quân với các nước là bằng nhau, chính sách ưu đãi thuế của các nước sẽ giống nhau. Vậy để thu hút đầu tư vào Việt Nam cần nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi khác. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, các điều kiện về cơ sở hạ tầng...

Hai là, phải tính toán những xung đột về thuế khi các dự án đã được tính toán ưu đãi đầu tư, được miễn giảm thuế khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó cần có giải pháp truyền thông, tuyên truyền, vận động để tránh những xung đột khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, khi chúng ta đã tham gia Quy định về việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, thậm chí ngay cả khi không tham gia thì đây cũng là một “luật chơi” mới được đông đảo các nước trên thế giới áp dụng, nếu chúng ta không thực hiện thì sẽ từ bỏ quyền đánh thuế, chủ quyền đánh thuế của Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Liên quan đến chính sách ưu đãi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng đặt vấn đề cần quan tâm khi thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu thì môi trường thu hút đầu tư sẽ bị tác động như thế nào? Bởi trước đây, nước ta đã áp dụng nhiều hình thức, nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế và các chính sách dựa vào thuế cũng khá nhiều. Nếu áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu thì về cơ bản, những ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư sẽ không còn nữa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, bài toán đặt ra là chúng ta sẽ tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư đã đến Việt Nam, đã đầu tư, đã triển khai các dự án và Chính phủ đã cam kết ưu đãi như thế nào? Đây là vấn đề phải tính toán rất kỹ lưỡng và phải hết sức quan tâm. Chính phủ phải đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn.

Khi thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu nhưng lại chưa kịp thời ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư song hành thì sẽ tác động như thế nào đến môi trường đầu tư và bao giờ thì Chính phủ sẽ hoàn thành việc sửa đổi các ưu đãi đầu tư để song hành với chính sách Thuế TTTC? Đây là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm có một môi trường đầu tư ổn định, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế

Đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế

Đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu thì cần quan tâm đến hệ thống kế toán trong áp dụng thuế, quan điểm về lợi nhuận, doanh thu và chi phí…để đáp ứng yêu cầu mới, đồng bộ với chuẩn mực quốc tế.

Nhất trí với quan điểm cần có chính sách bổ trợ khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng cần rà soát để sửa đổi các nội dung pháp luật liên quan. Một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan có chính sách bổ trợ thông qua ưu đãi hạ tầng hoặc đào tạo nhân sự hoặc bổ sung vào kinh phí nghiên cứu RnD. Do đó Việt Nam cũng cần phải sớm có những chính sách để đáp ứng yêu cầu đề ra. Đồng thời, cần tính toán đến các tập đoàn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài xem xét có đánh thuế bổ sung hay không hay áp dụng thuế về nội địa đạt chuẩn để cho đảm bảo hệ thống chính sách thống nhất. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Nam đề nghị rà soát các loại hình doanh nghiệp, hiện diện thương mại hay đại diện của các công ty, tập đoàn đa quốc gia, những nền tảng số…để có giải pháp thu được thuế để đảm bảo được lợi ích của Nhà nước

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí với việc tên gọi của dự thảo Nghị quyết như Chính phủ đề xuất là không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp.

Nhất trí với đề xuất của Chính phủ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu chỉ rõ, đã luật thuế là không dùng thí điểm, luật thuế là phải bảo đảm tính ổn định. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng không cần thiết phải quy định Nghị quyết này được áp dụng cho đến khi có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới.

Đồng ý không dùng chữ “thí điểm” trong tên Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng lưu ý, về lâu dài, phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm tính đồng bộ và phải sửa một số luật về ưu đãi đầu tư chứ không phải một Nghị quyết này có thể thay thế được các luật.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế

Đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Vũ Thanh Chương – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Hoàng Văn Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Đại biểu Hoàng Văn Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=82056