Thảo luận ở tổ sáng 24/10, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy kiến nghị nhiều nội dung quan trọng

Sáng nay - 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XV, Tổ trưởng tổ thảo luận số 15 (gồm đại biểu các tỉnh Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận và Yên Bái) phát biểu chủ trì thảo luận.

Mở đầu thảo luận ở Tổ thảo luận số 15 cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy -Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái bày tỏ thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội đối với 6 nội dung thảo luận ở tổ sáng 24/10.

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho rằng, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn mà đạt được kết quả như báo cáo của Chính phủ là rất đáng trân trọng và Việt Nam tiếp tục khẳng định là một trong những quốc gia phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững sau đại dịch Covid-19.

Đại biểu Duy đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ trên tinh thần bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Quốc hội, vừa bảo đảm các giải pháp cấp bách trước mắt, vừa bảo đảm các giải pháp căn cơ, dài hạn, lâu dài.

Khẳng định kết quả đạt được công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được Chính phủ quan tâm xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đại biểu viện dẫn Nghị định 73 của Chính phủ về cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhờ Nghị định 73 cũng như các chủ trương của Trung ương, nhiều địa phương cũng mạnh dạn, sáng tạo để ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ cho việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai là Chính phủ luôn luôn kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đây là kim chỉ nam xuyên suốt trong việc đưa ra các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội.

Thứ ba là Chính phủ rất nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn để giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư là mặc dù ở trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, nguồn lực có hạn, trong khi các nhiệm vụ chi từ ngân sách Nhà nước rất lớn nhưng Chính phủ cũng đã rất chú trọng thực hiện các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội.

Về các kiến nghị, đề xuất, trước hết đại biểu kiến nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo để thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng như kế hoạch triển khai các quy hoạch quốc gia, đặc biệt là Quy hoạch điện 8.

Lấy ví dụ minh chứng, đại biểu khẳng định đây là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý rất quan trọng để các địa phương thu hút đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án mới cũng như để các doanh nghiệp nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở các địa phương.

Thứ hai, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn tại kéo dài thuộc thẩm quyền đã được Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội chỉ ra từ nhiều kỳ họp. Cụ thể như khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, giáo dục, thiếu vắc-xin để phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hay vấn đề tuyển dụng giáo viên ở vùng cao; hỗ trợ các đối tượng chịu tác động bởi Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; vấn đề sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 về thu và quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới được Quốc hội thông qua trong các kỳ họp gần đây, như Luật Khám chữa bệnh.

Đại biểu cũng nhận thấy báo cáo của Chính phủ khẳng định nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh hoặc bối cảnh sản xuất công nghiệp và dịch vụ suy giảm những năm vừa qua và thực tế, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp những năm gần đây là rất tích cực và trong 9 tháng đầu năm nay có những địa phương tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đã đạt trên 6%, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Tuy nhiên, đại biểu Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp những khó khăn cố hữu, đó là chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, nhất là chi phí về thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Dường như chúng ta thiếu sự chủ động mà phụ thuộc rất nhiều vào chi phí các mặt hàng này nhập khẩu từ nước ngoài.

Vấn đề nữa là giải quyết thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn mong muốn là phải có dự báo, cảnh báo, định hướng cho các địa phương, các ngành hàng và bà con nông dân để làm sao một mặt đẩy mạnh kế hoạch sản xuất, tăng sản lượng, tăng năng suất, chất lượng nhưng phải bảo đảm thị trường đầu ra ổn định, nhất là thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm nghiệp chủ lực để bảo đảm sự bền vững để ổn định đời sống cho người nông dân”.

Liên quan đến thực hiện các chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội, đại biểu Đỗ Đức Duy kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn và cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, trước mắt là bổ sung vào các chính sách của các luật sẽ sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn tới, như Luật Bảo hiểm xã hội, pháp luật về ưu đãi với người có công, chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa; bảo đảm đúng quan điểm là phát triển văn hóa xã hội hài hòa với phát triển kinh tế và mặc dù trong lúc khó khăn nhưng chúng ta vẫn luôn luôn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Cuối cùng, đại biểu cho biết năm nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó Yên Bái cũng là một những địa phương chịu thiệt hại rất nặng nề do thiên tai.

"Chúng tôi kiến nghị Quốc hội sớm tổng hợp và phân bổ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các địa phương xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, như hệ thống các đê kè, đường giao thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và hỗ trợ cho các địa phương khôi phục và phát triển kinh tế ở các địa bàn chịu tác động nặng nề của thiên tai” - đại biểu nêu kiến nghị.

Quang Tuấn - Hoàng Sâm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/302809/thao-luan-o-to-sang-2410-truong-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-yen-bai-do-duc-duy-kien-nghi-nhieu-noi-dung-quan-trong.aspx