Tháo gỡ 'rào cản' vận động viên đến với thể thao chuyên nghiệp

'Về hưu' ở độ tuổi 30-35 là điều thường thấy ở những vận động viên (VĐV) thể thao. Bởi vậy việc Công ty Cổ phần đầu tư Sen Nam Việt (SENAVI) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam về việc SENAVI sẽ hỗ trợ việc làm cho các VĐV sau khi nghỉ thi đấu đã thực sự khích lệ các VĐV. Đây cũng là tín hiệu vui khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội, chung tay chia sẻ giảm bớt nỗi lo kinh tế sau quá trình VĐV cống hiến, mang lại nhiều vinh quang cho thể thao nước nhà.

Thể thao có lẽ là một trong số những nghề mà người lao động có "tuổi nghề" ngắn nhất. Tính trung bình, sự nghiệp thi đấu chỉ kéo dài từ 15 - 20 năm, tùy theo đặc thù từng môn thể thao, với đòi hỏi khác nhau về sức nhanh, sức mạnh, sức bền hay độ khéo léo, tư duy...

Điều các vận động viên (VĐV) lo lắng nhất là sau khi chia tay với thể thao, nhiều người phải “vật lộn” với cuộc sống mưu sinh từ vạch xuất phát khi đã ở tuổi "xế chiều". Trở thành huấn luyện viên không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực với phần đông VĐV khi giải nghệ. Cùng nguy cơ thất nghiệp khi chia tay sự nghiệp thi đấu, nỗi "ác mộng" với các VÐV còn là sức khỏe suy giảm, gánh chịu hậu quả của những chấn thương kéo dài trong chuỗi ngày tập luyện, thi đấu gian nan, cực nhọc. Nhẹ thì đau tay, đau chân, đau người... mỗi lúc trái gió, trở trời. Còn nặng thì là sự tàn phế, mất khả năng lao động... trong phần đời còn lại. Bởi vậy, nhiều người khi đến với thể thao đều trăn trở với câu hỏi sẽ học gì, làm gì để nuôi sống bản thân sau khi từ giã sự nghiệp. Nhiều VĐV đã từ bỏ đam mê thể thao vì không nhìn thấy tương lai.

VĐV Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung trao đổi tại buổi thử nghiệm ở SENAVI.

Thấu hiểu điều đó, SENAVI đã cam kết dành 10 vị trí nhân sự mỗi năm cho các vận động viên với các công việc phù hợp để tham gia các vị trí việc làm như: Nhân viên văn phòng, tư vấn dinh dưỡng...

Bà Lê Thị Nga, nhà đồng sáng lập - CEO của Công ty cổ phần đầu tư Sen Nam Việt chia sẻ: Xuất phát từ ý tưởng hiểu rất rõ những khó khăn của VĐV sau khi dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp thể thao nước nhà, công ty muốn được chung tay để làm vơi đi một phần những vất vả, khó nhọc ấy, nhất là nỗi lo về việc làm khi các VĐV giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Những kinh nghiệm của họ về thể thao rất phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty.

Lê Thị Nga, Nhà đồng sáng lập -CEO của SENAVI cho biết: Trước hết công ty đặt mục tiêu ký kết thỏa thuận trong vòng 5 năm, sau đó công ty tiếp tục xúc tiến những hoạt động mang giá trị bền vững, lâu dài hơn nữa để đảm bảo các VĐV có công ăn, việc làm liên quan đến các lĩnh vực hành chính, văn phòng, chuyên gia tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng.

Trong tương lai, SENAVI cũng sẽ phối hợp cùng Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam và Liên đoàn Bắn súng Việt Nam để có nhiều chương trình hỗ trợ hơn nữa cho các vận động viên, nhằm giúp họ yên tâm tập luyện, thi đấu vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc.

Vui mừng với kế hoạch này, nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh cho biết, việc làm sau khi giã từ sự nghiệp đỉnh cao luôn là nỗi lo của nhiều VĐV, nhất là những VĐV nữ ở các môn thể thao. Trong quá trình thi đấu, họ đã cống hiến hết cho thể thao, đến khi giã từ sự nghiệp, để tạo dựng cho mình chỗ đứng, 1 công việc tốt, hầu như VĐV phải làm lại từ đầu. Do đó, việc cam kết việc làm sau khi cống hiến cho sự nghiệp thể thao giúp tạo nên tính ổn định trong tâm lý cho các VĐV.

“Trước đây chúng ta có nhiều chương trình ký kết hợp tác, hoặc xúc tiến việc làm cho các VĐV do Ủy ban Olympic và Tổng cục TDTT đã tiến hành nhưng để có công việc cụ thể thì Công ty SENAVI là một trong những đơn vị đầu tiên”, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cho biết thêm.

"Tiểu tiên cá" Ánh Viên trải nghiệm liệu pháp phục hồi sức khỏe cho các VĐV thể thao chuyên nghiệp.

Là người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp thể thao, hơn ai hết bà Nguyễn Thị Nhung, HLV trưởng đội tuyển Bắn súng quốc gia, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, hiểu những hi sinh, vất vả mà các huấn luyện viên, vận động viên đã phải trải qua để có thể tập luyện, thi đấu mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: Các VĐV trẻ hiện nay để đi theo thể thao chuyên nghiệp, cống hiến hoàn toàn cho thể thao là câu hỏi rất lớn, bởi lẽ các VĐV khi phấn đấu cho thể thao phải hi sinh rất nhiều, cả về nghề nghiệp, họ chỉ chuyên tâm vào việc tập luyện thể thao để sao cho đạt thành tích tốt nhất. Khi họ không còn thành tích nữa thì việc trở lại công việc đời thường rất khó khăn.

“Một số VĐV tâm sự rất nhiều rằng, nếu như cháu giải nghệ bắn súng thì cháu không biết sẽ làm công việc gì. Nên tôi nghĩ nếu chúng ta có một đầu ra tốt cho các VĐV, nếu có nhiều công ty cam kết hỗ trợ việc làm cho các VĐV sau khi giải nghệ thì rõ ràng các VĐV sẽ yên tâm cống hiến hết mình cho thể thao hơn nữa”, bà Nhung bộc bạch.

Hiện với Liên đoàn Bắn súng Việt Nam thì công ty SENAVI là một trong những công ty đầu tiên hỗ trợ cam kết việc làm cho VĐV sau khi giải nghệ, do đó bà Nhung cũng như nhiều VĐV khác đều hi vọng sau SENAVI sẽ có nhiều đơn vị tham dự hỗ trợ, mở ra tương lai cho các VĐV sau khi từ giã sự nghiệp đỉnh cao.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/thao-go-rao-can-van-dong-vien-den-voi-the-thao-chuyen-nghiep-644834