Tháo gỡ khó khăn trong cân đối nguồn vốn đầu tư

Tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội chiều 11-1, đại diện các sở, ngành, quận, huyện đã trao đổi, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, quy hoạch, thủ tục… cho các dự án 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, một số huyện đề nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ vốn cho các địa phương, vì thiếu nguồn đối ứng.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng:
Nguồn vốn từ thu tiền sử dụng đất thường không ổn định

Huyện Thạch Thất có 51 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích theo danh mục dự án được giao theo HĐND thành phố. Trong đó, cấp thành phố 5 dự án; cấp huyện 46 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.999 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2023, thành phố đã bố trí hơn 1.023 tỷ đồng cho 39 dự án; giao vốn năm 2024 đợt 1 gồm hơn 132 tỷ đồng cho 17 dự án. Số dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư 49 dự án, còn lại 2 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư (xây dựng trường liên cấp tại huyện Thạch Thất và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương).

Để hoàn thành các dự án theo tiến độ, đề nghị thành phố bổ sung nguồn vốn hỗ trợ năm 2024 cho huyện hơn 404 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư các dự án trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện Thạch Thất giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, song nguồn vốn đầu tư công theo phân cấp của huyện còn rất khó khăn, chủ yếu là nguồn thu tiền sử dụng đất. Nguồn vốn này thường không ổn định, phụ thuộc vào thị trường bất động sản, do vậy rất khó khăn trong công tác cân đối nguồn vốn đầu tư. Vì thế, UBND huyện đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bổ sung dự án nhiệm vụ chi cấp huyện, chưa có trong danh mục theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố.

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn.

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn:
Thiếu vốn vì tổng mức đầu tư vượt dự kiến

Quốc Oai là địa phương được giao triển khai 66 dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.665 tỷ đồng, trong đó, có 32 dự án lĩnh vực giáo dục, 15 dự án lĩnh vực y tế, 19 dự án lĩnh vực văn hóa, di tích. Đến nay, đã có 64 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, 17 dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng (5 di tích, 8 trường học, 4 y tế).

Hiện nay, khó khăn của Quốc Oai là việc có 2 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn để triển khai thủ tục đầu tư (di tích Quán Thượng và chùa Thông Đạt); 1 dự án đã được ngân sách huyện bố trí 1 tỷ đồng để triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhưng chưa được ngân sách thành phố bố trí vốn để triển khai thi công xây dựng công trình (chùa Văn Quang). Đáng quan tâm, một số dự án có tổng mức đầu tư cao hơn dự kiến do thay đổi quy mô, đơn giá xây dựng. Trong khi đó, nguồn ngân sách huyện gặp nhiều khó khăn do nguồn thu thấp, không cân đối được vốn, chưa kịp tiến độ thi công. Vì thế, huyện Quốc Oai đề nghị thành phố hỗ trợ thêm vốn năm 2024 cho 3 dự án chùa Văn Quang, di tích Quán Thượng, chùa Thông Đạt…; bổ sung nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ đối với các dự án tăng tổng mức đầu tư...

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương:
Vận động thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án

Huyện Mê Linh có 78 dự án, thì đến nay đã duyệt chủ trương 73 dự án. Tổng số dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cấp thành phố đã duyệt hỗ trợ cho huyện là 1.658 tỷ đồng, huyện cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của huyện 419 tỷ đồng. Trong đó, tổng số vốn ngân sách thành phố hỗ trợ đã giải ngân giai đoạn 2021-2023 là 993 tỷ đồng, đạt 96,0% kế hoạch thành phố giao. Hiện còn 1 dự án khó giải ngân hết là Trường THPT Tự Lập do vướng mắc liên quan 4 hộ dân với diện tích khoảng 1.000m2 theo phương án giải phóng mặt bằng tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt (nhà trường làm chủ đầu tư). Vị trí đất vướng mắc để làm sân vườn, tường rào, không ảnh hưởng đến các khối nhà, UBND huyện đang tiếp tục vận động, tháo gỡ.

Ngoài ra, huyện có di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng cần đầu tư, hiện tại, UBND huyện Mê Linh đã phối hợp, cung cấp hồ sơ, giải trình và ngày 19-12-2023, Sở Xây dựng có Văn bản số 10629/SXD-KHĐT có ý kiến về các khoản, mục chi phí trong tổng mức đầu tư do huyện đề xuất, đánh giá cơ bản đúng quy định và hướng dẫn. Vì thế, đề nghị UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Trong giai đoạn triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sau khi đã lựa chọn được đơn vị tư vấn và thực hiện khảo sát chi tiết, UBND huyện Mê Linh sẽ tính chuẩn xác lại tổng mức đầu tư bảo đảm tiết kiệm và đúng quy định.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thao-go-kho-khan-trong-can-doi-nguon-von-dau-tu-655598.html