Tháo gỡ khó khăn trên đất lâm phần

Bù Đăng là địa phương có diện tích đất lâm phần rộng lớn, chiếm 39% đất tự nhiên toàn huyện. Trong đó, nhiều khu vực người dân đã sinh sống, xâm canh, xây dựng nhà ở kiên cố, công trình dân sinh, sản xuất, kinh doanh hơn 20 năm qua. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp cần tìm lời giải để ổn định, phát triển lâu dài cũng như đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

BÀI 1: “GIẢI THOÁT” CHO ĐƯỜNG 10

Đường 10 là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Bù Đăng đến năm 2021. Từ năm 2021, xã đã nỗ lực cán đích nông thôn mới (NTM), tuy nhiên vấn đề tồn tại hàng chục năm qua chưa được quan tâm giải quyết là đất lâm phần chưa giao về địa phương quản lý khiến hàng trăm hộ dân gặp khó.

AN CƯ LẬP NGHIỆP

Thôn 6, xã Đường 10 trước ngày 1-6-2009 là một phần của thôn Đắk Ma, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng. Đến năm 2009, thành lập xã Đường 10 thì thôn Đắk Ma chia làm 3 thôn, gồm thôn 1, 2 và 6, thuộc xã Đường 10. Vùng đất này rộng, bằng phẳng, thổ nhưỡng tốt, khí hậu ôn hòa nên người dân các tỉnh đến chọn làm nơi sinh sống, lập nghiệp từ năm 1990-1995, đến nay có hộ đã sinh sống ổn định hơn 30 năm.

Nhà văn hóa thôn 6 nằm trên đất lâm phần do người dân vận động xây dựng

Ông Phan Văn Giá ở thôn 6, xã Đường 10 cho biết: Năm 1995, khi khảo sát thì được một số hộ đến trước cho biết, vùng này đất đai rộng, khí hậu trong lành, chỉ có đồng bào dân tộc tại chỗ sinh sống, bà con ai có nhu cầu thì vào đây lập nghiệp. Khoảng 20 hộ dân chúng tôi từ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương di cư vào sinh sống từ đó đến nay. Khi vào, được chính quyền và người dân xã Đắk Nhau lúc bấy giờ rất quan tâm, giúp đỡ mọi mặt, làm nhà tạm ở... Lúc đến lập nghiệp, gia đình gồm vợ chồng và 3 người con, nay đã có 4 thế hệ cùng sinh sống. Sau 29 năm sinh sống, lập nghiệp, gia đình tôi đã xây được cơ ngơi vững chãi với căn nhà 1 trệt, 1 lầu khang trang và mua được 10 ha đất trồng điều, 4 ha đất trồng cao su phục vụ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Căn nhà ông Phan Văn Giá xây dựng khang trang hàng chục năm nay nhưng lại trên đất lâm phần

Ông Giá cho biết, diện tích đất có được là mua lại của các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) và khai hoang thêm đất trống. Từ năm 2009 trở về trước, không chỉ gia đình tôi mà toàn bộ thôn Đắk Ma (nay là thôn 1, 2, 6) đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Năm 2009, khi tách xã Đường 10, toàn bộ vùng đất thôn 6 đều thuộc đất lâm phần chưa giao về địa phương quản lý sau quy hoạch 3 loại rừng nên không được cấp sổ đỏ. “Chúng tôi sống định cư lâu dài nhưng sổ đỏ không có nên khó đủ bề. Đặc biệt, dù là khu dân cư lập nghiệp sớm nhưng đời sống người dân còn khó khăn, thiệt thòi hơn nhiều so với những nơi khác. Vì vậy, ngành chức năng cần nghiên cứu cấp sổ đỏ để người dân có điều kiện vay vốn ngân hàng; Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh, ổn định cuộc sống lâu dài” - ông Giá kiến nghị.

Ông Phan Văn Giá (ngồi giữa bìa phải) trao đổi với lãnh đạo xã Đường 10

Ông Trịnh Huy An, Trưởng thôn 6 cho biết, thôn có 211 hộ, chủ yếu di cư tự do từ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vào từ năm 1995. Chúng tôi sinh sống rất tự giác, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do thuộc đất lâm phần nên không được thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà văn hóa, dù vậy, nhân dân vẫn tự đóng góp mua đất, xây dựng nhà văn hóa với diện tích 140m2 và 500m2 sân bê tông. Năm 2021, khi chuẩn bị về đích NTM, lúc đó mới được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây hàng rào, làm nhà vòm tôn và giếng khoan. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2018-2021, thôn vận động nhân dân cùng Nhà nước làm 5km đường bê tông xi măng nhưng đến năm 2022 thì tạm ngưng do thuộc đất lâm phần không còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Hiện thôn còn hơn 10km giao thông là đường đất sình lầy chưa được đầu tư xây dựng.

TẤT CẢ VÌ NGƯỜI NGHÈO

Đường 10 là 1 trong 2 xã của huyện Bù Đăng không có đất nằm trong quy hoạch khai thác quặng bô xít, tuy nhiên, 48% diện tích thuộc đất lâm phần chưa giao về địa phương quản lý. Diện tích đất tự nhiên toàn xã 8.501 ha, trong đó hơn 4.228 ha đất lâm phần, đất đã giao về địa phương quản lý 4.273 ha. Xã có 3/6 thôn nằm trên đất lâm phần, trong đó thôn 6 chiếm 100%, thôn 2 khoảng 30% và thôn 5 khoảng 25% với tổng 550 hộ dân/4.000 người đang sinh sống ổn định.Nhiều công trình nằm trên đất lâm phần như Nhà văn hóa thôn 6, điểm Trường tiểu học Võ Thị Sáu thôn 6 (2 điểm), tuyến ĐT760 từ thôn 6 đi xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập…

Khu nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ DTTS xã Đường 10

Đường 10là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Bù Đăng đến năm 2021, có hơn 56% là đồng bào DTTS; hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao. Chủ tịch UBMTTQVN xã Đường 10 Trần Thị Bích Toàn cho biết: Năm 2021, xã có 91 hộ nghèo, trong đó phần lớn là hộ DTTS. Để về đích NTM, đồng thời thực hiện chủ trương giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, xã được hỗ trợ xây 32 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là bài toán khó cho xã, bởi phần lớn các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở lại sinh sống ở ven sông, ven suối, đường đi qua rẫy người khác, không đủ điều kiện làm nhà hoặc nằm trên đất lâm phần. Số hộ còn lại không có đất ở, sống trên đất mượn các hộ dân khác.

Để đảm bảo người dân có cuộc sống ổn định, thuận chủ trương của Đảng ủy, UBND, UBMTTQVN xã đã vận động hộ ông Nguyễn Bá Hưng hiến một phần diện tích đất với hình thức các hộ dân hỗ trợ tiền công khai phá cho ông Hưng để thực hiện chủ trương xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và hộ khó khăn về đất ở, vì quỹ đất công của xã, huyện không còn. Điều đáng nói là diện tích đất của hộ ông Nguyễn Bá Hưng ở tổ 3, thôn 2 thuộc đất lâm phần giáp ranh với đất đã giao về địa phương quản lý. Trong khi đó, chính quyền, UBMTTQVN xã Đường 10 nghiên cứu các quy định về đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ nên đã xảy ra sai sót xây dựng 15 căn nhà đại đoàn kết trên đất lâm phần.

Và việc xây nhà đại đoàn kết hiện vẫn gặp khó khăn do không có quỹ đất an sinh, trong khi xã còn 25 hộ nghèo, 73 hộ cận nghèo, trong đó 28 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở đang sinh sống trên đất lâm phần hoặc chưa có đất ở. Vì vậy, mong muốn các cấp, ngành quan tâm giao đất về địa phương quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để xây nhà đại đoàn kết đảm bảo đúng quy định”.

Chủ tịch UBMTTQVN xã Đường 10 TRẦN THỊ BÍCH TOÀN

Chủ tịch UBND xã Đường 10 Trương Quang Bảo cho biết: Từ khó khăn của xã, năm 2022, UBND huyện đã có báo cáo UBND tỉnh về việc giao hơn 3.000 ha, trong đó huyện Bù Đăng giao chỉ tiêu cho UBND xã Đường 10 hơn 223 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện, mong các sở, ngành tỉnh xem xét, đề xuất Trung ương tạo điều kiện giao đất về địa phương quản lý, từ đó nhân dân được hưởng lợi các chính sách theo quy định của pháp luật.

Là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, năm 2021 xã Đường 10 đạt chuẩn NTM. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có việc xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, có một số hộ xây dựng trên đất lâm phần, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện nghiêm theo quy định và song việc khắc phục lại hiện trạng ban đầu đối với các hộ nghèo DTTS khó có giải pháp căn cơ để giải quyết”.

Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng VŨ VĂN MƯỜI

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/327/157558/thao-go-kho-khan-tren-dat-lam-phan