Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Sáng nay, 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự ở đầu cầu trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, Hiệp hội bất động sản.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 – 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252ha so với năm 2020.

Những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338/QĐ-TTg về "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; Chương trình 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp.

Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận về những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án.

Tại Đồng Tháp, hiện có khoảng 3.870 nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, gồm: 421 nhà ở công vụ giáo viên; 57 căn hộ nhà ở công vụ tỉnh; 3.392 nhà ở sinh viên. Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện 4 dự án nhà ở xã hội thực hiện từ vốn của doanh nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 1.152 căn hộ, tổng diện tích sản 77.500m2. Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1409/QĐ-UBND-HC ngày 23/12/2022, dự báo có khoảng hơn 25.000 người có nhu cầu nhà ở xã hội của các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội. Khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh về nhu cầu nhà ở tại 217 công đoàn cơ sở doanh nghiệp cho thấy có gần 26% người có nhu cầu về nhà ở; trong đó, hơn 31% công nhân tại 3 khu công nghiệp (Sa Đéc, Trần Quốc Toản, Sông Hậu) có nhu cầu về nhà ở. Trong tương lai, dự kiến tỉnh triển khai đầu tư thêm 5 khu công nghiệp, nâng tổng số công nhân đến năm 2030 hơn 48 nghìn người, có gần 10.000 người có nhu cầu nhà ở, tỷ lệ khoảng 20%.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đề cao quyền con người, trong đó có quyền về nhà ở. Nhà ở là 1 trong 3 trụ cột an sinh xã hội như ông cha ta có câu “an cư mới lạc nghiệp”. Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, tuy nhiên kết quả chưa như mong muốn.

Để các dự án nhà ở xã hội được được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành cần nghiên cứu tham mưu các chính sách phù hợp hơn, quy trình tiếp nhận hồ sơ cần được tinh gọn, rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các Bộ, ngành cần nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi về lãi suất cho người dân có nhu cầu về nhà ở xã hội. Về phía các địa phương, trong quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội cần mạnh dạn thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của nhà nước nhằm triển khai hiệu quả dự án nhà ở xã hội tại địa phương…

MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/thao-go-kho-khan-thuc-day-phat-trien-nha-o-xa-hoi-120870.aspx