Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh

Sáng 29/12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang do đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (gọi tắt là Nghị quyết 43) tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang.

Đồng chí Trần Văn Tuấn phát biểu tại buổi giám sát.

Đồng chí Trần Văn Tuấn phát biểu tại buổi giám sát.

Tham gia Đoàn giám sát có ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

2 năm qua, thực hiện Nghị quyết 43, NHNN Chi nhánh tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT -XH.

Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, ngành Ngân hàng đã giải ngân cho hơn 10,7 nghìn khách hàng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm; mua nhà ở xã hội, xây mới cải tạo nhà ở; mua máy vi tính… Tổng số tiền giải ngân khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Toàn tỉnh có 91 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Ngành Ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho hơn 50,3 nghìn khách hàng đối với các khoản vay qua Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh có lãi suất trên 6%/năm với số tiền hỗ trợ 52,6 tỷ đồng.

NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiền vay 1,5-2% (tùy từng gói vay) để hỗ trợ khách hàng. Đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 3,1 nghìn khách hàng với dư nợ lũy kế khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng...

NHNN Chi nhánh tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, bất cập về tín dụng hỗ trợ người dân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hướng dẫn cụ thể các trường hợp khi khách hàng kinh doanh đa ngành nghề khó hoặc không thể bóc tách mục đích sử dụng vốn để được hỗ trợ lãi suất.

Đồng thời, hướng dẫn điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất đối với một số khách hàng là hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, người bán hàng kinh doanh nhỏ, kinh doanh lưu động... mà không đăng ký hộ kinh doanh.

Trao đổi tại buổi giám sát, ý kiến các đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện một số chính sách hỗ trợ của một vài chi nhánh ngân hàng thương mại còn hạn chế; việc triển khai Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay chưa có dự án nào trong tỉnh phát sinh dư nợ vay… Trước các nội dung thành viên Đoàn giám sát nêu, đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh và các chi nhánh ngân hàng thương mại liên quan trao đổi, làm rõ.

Sau khi nghe báo cáo và trao đổi tại buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tuấn đề nghị NHNN Chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh và các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục phát huy những kết quả đạt trong 2 năm qua theo tinh thần của Nghị quyết 43.

Đồng thời, đổi mới, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong tình hình mới. NHNN Chi nhánh tỉnh chú trọng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn...

Đoàn giám sát ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của ngành Ngân hàng để nghiên cứu và có kiến nghị cụ thể với Chính phủ, NHNN Việt Nam và các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Tin, ảnh: Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/417197/thao-go-kho-khan-tao-thuan-loi-cho-khach-hang-vay-von-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh.html