Tháo gỡ khó khăn cho các điểm Bưu điện văn hóa xã

Hệ thống các điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) được hình thành từ năm 1998 với mục tiêu cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, xây dựng thiết chế văn hóa, đưa văn hóa đọc đến với người dân nông thôn.

Nhiều sản phẩm tiêu dùng được kết hợp bày bán tại điểm BĐVHX Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn để phục vụ nhu cầu của người dân. (Ảnh chụp 27/4)

(baophutho.vn)

- Hệ thống các điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) được hình thành từ năm 1998 với mục tiêu cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, xây dựng thiết chế văn hóa, đưa văn hóa đọc đến với người dân nông thôn. Sau khi đầu tư, các điểm BĐVHX đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, khi công nghệ thông tin phát triển, mạng di động phủ sóng rộng, điểm BĐVHX lại vắng bóng người ra vào! Nhiều điểm không phát huy được tác dụng, gây lãng phí cơ sở vật chất. Do đó, trong quá trình phát triển, ngành Bưu điện luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho hệ thống BĐVHX từ đơn mục đích sang đa dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống.

Còn nhiều tồn tại
Điểm BĐVHX Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn nằm ngay trên mặt đường Quốc lộ 32, là một trong những điểm được xây dựng sớm đến nay đã xuống cấp. Tuy nằm trên trục đường chính nhưng lại không phải ở vị trí trung tâm và thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ. Chị Đinh Thị Viễn - nhân viên điểm Bưu điện cho biết: “Điểm BĐVHX hiện hoạt động theo hình thức đa dịch vụ như bưu chính, chuyển phát nhanh, dịch vụ công, các dịch vụ bán lẻ... nhưng do người dân không có thói quen sử dụng các dịch vụ công nên hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất dần xuống cấp, không thu hút được người dân”. Thực tế không chỉ ở vùng cao, tại các huyện miền núi việc tiếp cận các dịch vụ bưu chính, viễn thông cũng gặp không ít khó khăn do xa trung tâm, số lượng bưu cục ít… Điểm BĐVHX là một mô hình kết hợp cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản (bao gồm cả truy cập Internet) nhằm phổ biến thông tin và đọc sách báo miễn phí cho người dân khu vực nông thôn, đáp ứng một số nhu cầu văn hóa thiết yếu của người dân. Chị Hà Thị Hường, xã Mỹ Thuận cho biết: Tôi vẫn nhớ ngày trước, người dân muốn sử dụng điện thoại, mạng Internet, đọc sách báo thì phải ra điểm BĐVHX, nhưng đến nay hầu như mọi thứ đều có sẵn, nơi đây chỉ phục vụ việc ra để lấy lương, lấy chế độ, do đó không mấy ai còn ra BĐVHX nữa...”.Huyện Tân Sơn hiện có 17 xã có điểm BĐVHX. Hàng chục năm trước, các điểm BĐVHX đã trở thành “điểm sáng” tri thức, giúp người dân vùng sâu, vùng xa được hưởng thụ những dịch vụ, tiện ích hiện đại, thay vì phải đến Bưu điện huyện mới có dịch vụ bưu chính viễn thông thì người dân chỉ cần đến các điểm BĐVHX. Tại đây, người dân có thể chuyển phát, đọc báo, gọi điện thoại cố định... Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, đặc biệt là việc phủ sóng rộng rãi của mạng Internet, sóng phát thanh truyền hình, dịch vụ điện thoại di động thì người dân không còn “mặn mà” với các điểm BĐVHX. Hơn nữa việc thiếu sự sáng tạo, linh hoạt trong các hoạt động cũng là nguyên nhân không thu hút được người dân. Bên cạnh đó, lương của nhân viên thấp nên có tâm lý không yên tâm phục vụ, tất cả các yếu tố trên đã khiến cho các điểm BĐVHX dần bị lu mờ. Bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Bưu điện huyện Tân Sơn cho biết: Do được xây dựng đã lâu, nhiều điểm BĐVHX xuống cấp, cần được đầu tư sửa chữa, đồng thời xây mới một số điểm nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tìm hướng thay đổi phương thức hoạt động từ đơn dịch vụ sang đa dịch vụ nhằm đáp ứng cung cấp thông tin và nhu cầu thiết yếu cho người dân; tăng thêm thu nhập cho nhân viên...“Thay máu” cho điểm BĐVHX
Trước thực trạng đó, để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX, những năm gần đây, Bưu điện tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ theo tiêu chí các điểm BĐVHX cần phải có hướng đi mới, phù hợp với sự phát triển tất yếu của cuộc sống hiện đại.Năm 2014, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phát động chiến dịch “Đổi mới hoạt động tại điểm BĐVHX” trên phạm vi toàn quốc nhằm duy trì, phát triển hệ thống điểm BĐVHX để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo cung cấp tốt các dịch vụ bưu chính công ích, các dịch vụ bưu chính, phân phối truyền thông và từng bước mở rộng, phát triển kinh doanh các dịch vụ mới. Theo bà Nguyễn Thị Phương- Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Bưu điện tỉnh đã rà soát, đầu tư sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất tại tất cả các điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng, đồng thời rà soát lại toàn bộ nhân lực, tổ chức đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng kinh doanh, phục vụ cho 100% nhân viên điểm BĐVHX. Lựa chọn 16 điểm BĐVHX thuộc 10 huyện, thành, thị thực hiện thí điểm mô hình kinh doanh đa dịch vụ. Tại các điểm này, Bưu điện tỉnh đã trang bị thêm các thiết bị máy móc, đường truyền internet, biển hiệu… đảm bảo đủ điều kiện cung cấp tốt các dịch vụ hành chính công và tạo thuận lợi để triển khai kinh doanh các dịch vụ khác. Cuối năm 2015, mô hình kinh doanh đa dịch vụ tại 16 điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt khai trương.” Thực tế tại điểm BĐVHX Gia Thanh, huyện Phù Ninh là một trong những điểm hoạt động khá tốt và có doanh thu. Điểm được đặt ngay sát trụ sở UBND xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng nhiều dịch vụ tiện ích khác nhau mà không cần phải đi xa đồng thời đây cũng là điểm thu bảo hiểm xã hội, chi trả lương hưu, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa, các mặt hàng tiêu dùng cũng được bán lẻ ngay tại điểm... Chị Triệu Thị Huyền ở khu 2, xã Gia Thanh chia sẻ: “Tôi hiện đang bán hàng online nên hằng ngày phải gửi nhiều bưu phẩm cho khách hàng. Có địa điểm này tôi không cần phải lên Bưu điện huyện để gửi hàng nữa, vừa giảm thời gian và chi phí mà vẫn yên tâm về chất lượng dịch vụ”.Được biết, năm 2020, điểm BĐVHX Gia Thanh đã được Bưu điện tỉnh đầu tư sửa chữa, tạo một trong những tiêu chí về văn hóa, góp phần đưa Gia Thanh đạt xã nông thôn mới. Đồng chí Hán Văn Đang - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Điểm BĐVHX được đầu tư sửa chữa lại đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng đa dịch vụ, đem lại nhiều tiện ích cho nhân dân địa phương”.Để các điểm BĐVHX hoạt động hiệu quả, Bưu điện tỉnh đã tiến hành rà soát các hạng mục của các điểm BĐVHX phải sửa chữa, lập dự toán chi tiết để sửa chữa và đề xuất Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phê duyệt kinh phí. Từ năm 2017 đến nay, Bưu điện tỉnh đã tiết kiệm chi phí kinh doanh để thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp 83 điểm BĐVHX và xây mới 1 điểm BĐVHX Tiên Kiên. Dự kiến năm 2021 sẽ tiếp tục sửa chữa và nâng cấp 21 điểm BĐVHX nhằm đảm bảo hoạt động các BĐVHX liên tục, hiệu quả. Xác định nhu cầu đa mục tiêu của các điểm BĐVHX, thời gian tới, Bưu điện tỉnh tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, phục vụ, đưa các dịch vụ mới vào triển khai tại tất cả các điểm BĐVHX nhằm đáp ứng các nhu cầu sử dụng dịch vụ và thực sự trở thành cầu nối thông tin cho nhân dân. Giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, nhân viên quản lý hoạt động đảm bảo hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng các dịch vụ chuyển phát hành chính công, giúp tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí đi lại, qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn.

Linh Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202106/thao-go-kho-khan-cho-cac-diem-buu-dien-van-hoa-xa-177503