Hà Nội chỉnh trang mái che, mái vẩy: Đảm bảo mỹ quan đô thị

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo quyết tâm 'làm sạch' bộ mặt phố phường. Theo đó, các quận, huyện bắt đầu vào cuộc một cách quyết liệt chỉnh trang đô thị bắt nguồn từ những việc nhỏ nhất như chỉnh trang mái che, mái vẩy trên các tuyến phố.

Hà Nội là thành phố có thời tiết thất thường, mưa nắng quanh năm. Chính vì vậy, những ngôi nhà mặt phố luôn phải sử dụng mái che, mái vẩy để tránh mưa, nắng hắt vào nhà. Tuy nhiên, việc lắp đặt các dụng cụ tưởng chừng như nhỏ nhặt trên một cách không đồng bộ đã khiến cho bộ mặt phố phường trở nên lộn xộn, thiếu mỹ quan. Từ thực tế trên, một số quận trên Hà Nội đã triển khai thực hiện chỉnh trang, chuẩn hóa mái che, mái vẩy.

Mái che được chuẩn hóa tại phố Hàng Đào.

Mái che được chuẩn hóa tại phố Hàng Đào.

Từ năm 2015, UBND quận Đống Đa đã ban hành kế hoạch chuyên đề kiểm tra, xử lý các vi phạm về lắp đặt mái che, mái vẩy, mái hiên di động sai quy định, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm của “Năm trật tự và văn minh đô thị”. UBND quận đã yêu cầu các phường đồng loạt tổ chức tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết; ra quân các đợt cao điểm xử lý vi phạm trên các tuyến phố chính với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chính nhờ công tác tuyên truyền, dân vận hiệu quả, nên khi triển khai thực tế, các lực lượng chức năng nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Để duy trì kết quả, quận Đống Đa giao trách nhiệm cho các phường và Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra các vi phạm. Như vậy sẽ tăng tính chủ động của phường trong việc liên kết các lực lượng chức năng, phối hợp với đại diện các tổ dân phố để kiểm tra, rà soát sát sao tình hình.

Nhằm tạo sự đồng bộ cho mỹ quan đô thị phố cổ trên các phố buôn bán, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã đề xuất chủ trương chỉnh trang mái che, mái vẩy và được Sở Quy hoạch và Kiến trúc thống nhất về chủ trương. Hiện, tuyến phố Hàng Đào đã được thay “áo mới” với những mái che cố định bằng tôn gắn bên trên, phía dưới là tấm bạt thả theo chiều thẳng đứng xuống vỉa hè để chắn mưa nắng. Theo thiết kế, khoảng cách vươn xa tối đa của mái hiên di động đảm bảo khoảng cách tối thiểu với mép vỉa hè 1m, không ảnh hướng đến lối đi bộ, đảm bảo tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông. KTS Phạm Tuấn Long, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội - cho biết, sau phố Hàng Đào, năm nay việc đồng bộ mái che sẽ tiếp tục được thực hiện ở những đoạn phố khác, hướng tới một không gian phố cổ không còn mái hiên, mành che rách nát, nhếch nhác…

Việc quản lý các biển hiệu quảng cáo, mái che nhà dân ở các tuyến phố lâu nay luôn khiến các lực lượng chức năng đau đầu. Thực tế, mặt tiền các tuyến phố của Hà Nội rất nhếch nhác do sự thiếu ý thức của người dân cũng như bởi sự quản lý chưa thực sự hiệu quả của cơ quan chức năng. Dạo một vòng trên các tuyến phố, người ta có thể dễ dàng nhận thấy các biển hiệu quảng cáo, mái che được lắp đặt một cách lộn xộn, mạnh ai nấy làm. Chính vì những việc làm không đồng bộ trên đã tạo lên một bộ mặt đô thị của Hà Nội không mấy đẹp đẽ. Người dân đã quá quen với cảnh lôi thôi, nhếch nhác tại các tuyến phố, nên khi thấy tuyến phố Lê Trọng Tấn được quy hoạch bài bản, sạch sẽ, rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ.

Mặc dù một số tuyến phố trên địa bàn các quận nội thành thực hiện tương đối tốt việc đồng bộ hóa mái che, mái vẩy, tạo hình ảnh khang trang cho phố phường nhưng để “chuẩn hóa” mái che, mái vẩy ở Hà Nội, vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. PGS.TS Vũ Thị Vinh - nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam - cho rằng: “Việc tháo dỡ mái che mái vẩy một cách quyết liệt trong thời gian qua đã giúp bộ mặt đô thị Hà Nội có những chuyển biến tích cực, thông thoáng và đỡ nhếch nhác hơn. Tuy nhiên, trước nhu cầu tránh nắng chính đáng của người dân trong mùa hè, thay vì để các địa bàn tự tìm giải pháp, thành nên vào cuộc, tổ chức hội thảo với sự có mặt có nhiều chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư… xem xét xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng, thống nhất về kích thước, màu sắc, vị trí lắp… với những quy định rõ ràng về mái che, mái vẩy.

Chẳng hạn, tùy đặc điểm của từng tuyến phố, thành phố có thể đưa ra quy định linh hoạt, ví như: Vỉa hè rộng 5m thì dùng mái che cứng cố định, vỉa hè hẹp hơn thì sử dụng mái che “mềm”, có thể cấp phép sử dụng mái che cho các hộ dân”. UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa) cũng đã từng đề xuất cho người dân sử dụng mái che “mềm”, không gắn cố định trên tường mà thiết kế linh hoạt dưới dạng lắp ghép, sử dụng khi nắng to hoặc mưa rào, có thể thu gọn vào khi không cần thiết, kích thước mẫu mã đồng bộ, đảm bảo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, theo quy định cũ, mái che không được vượt quá chỉ giới đỏ hành chính, nhà dân đã xây dựng đúng chỉ giới đỏ nên ý tưởng này không khả thi.

“Đường đang thông thoáng mà thêm mái hiên đúng là không được đẹp lắm, nhưng đôi khi cái đẹp lại ở sự đồng bộ, thống nhất về màu sắc, kích cỡ và nhất là tiện lợi, phù hợp với nhu cầu thực tế của số đông người dân. Sự ngăn nắp và đồng bộ tự khắc sẽ tạo ra nét đẹp văn minh trật tự và hơi hướng hiện đại” - bà Vinh nói.

Năm 2016, Hà Nội tiếp tục thực hiện “Năm văn minh trật tự đô thị”. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có quy chuẩn về mái che, mái vẩy trên từng tuyến phố đảm bảo mỹ quan đô thị.

Thanh Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-chinh-trang-mai-che-mai-vay-dam-bao-my-quan-do-thi-37805.html