Tháo gỡ bất cập về chính sách xuất khẩu gạo

Các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ tác động đến an ninh lương thực mà còn liên quan đến hàng chục triệu nông dân và doanh nghiệp (DN). Một trong những vấn đề đang đặt ra không ít trở ngại trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở khu vực ĐBSCL là hiệu quả của việc xuất khẩu. Xuất khẩu lúa gạo bấp bênh, có nguyên nhân bắt nguồn từ cơ chế, chính sách về vấn đề này chưa thật hợp lý.

Những bất cập về chính sách

Tại buổi tọa đàm khoa học “Các rào cản về thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại” do UBND TP Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: Mặc dù, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng hệ thống cơ chế, chính sách vẫn là rào cản lớn đối với các DN trong lĩnh vực này. Theo Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định, DN phải xuất khẩu đạt 20.000 tấn trong hai năm thì mới được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nhiều DN phản ảnh, hiện nay tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, nguyên nhân một mặt là do nhu cầu thế giới giảm, mặt khác xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện đang chịu sự cạnh tranh từ các nước như: Thái Lan, Mi-an-ma…

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Không chỉ khó khăn cho DN về điều kiện được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo, mà việc thực hiện chính sách liên kết tiêu thụ nông sản vẫn còn một số hạn chế, như: Những chính sách khi đi vào thực tế chậm được triển khai vì phần lớn DN kinh doanh xuất khẩu gạo khó tiếp cận nguồn vốn nhằm trang bị các máy móc thiết bị, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch; vấn đề xử lý lúa tươi trong thời điểm thu hoạch rộ. Hiện các DN xử lý lúa tươi không có giải pháp nào ngoài việc đầu tư lò sấy. Tuy nhiên, việc các DN được vay vốn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn khó khăn. Các ngân hàng còn ngần ngại khi cho những DN vay với lãi suất thấp và thời gian hoàn vốn dài”.

Thu hoạch lúa đông xuân tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Không chỉ vậy, hiện nay việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN xuất khẩu trong nước tạo cơ hội để khách hàng nước ngoài ép giá, dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả. Nhiều DN phản ảnh giá cả thị trường nội địa trong thời gian qua biến động bất thường do hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên có những thời điểm giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu, khiến một số DN chưa mạnh dạn mở rộng diện tích liên kết bao tiêu, đầu tư kho chứa… để phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

GS, TS Lê Du Phong, Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp quốc gia “Tháo dỡ các rào cản về thể chế kinh tế đòi hỏi bức xúc của phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta hiện nay” cho biết: “Một số chính sách chưa phù hợp là những rào cản về kinh tế nói chung, xuất khẩu lúa gạo ở khu vực ĐBSCL nói riêng đòi hỏi sớm được tháo gỡ để tạo điều kiện cho DN, cũng như ngành nông nghiệp phát triển”.

Ông Nguyễn Minh Toại đề xuất: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, cần xem xét lại tiêu chí 2 năm liên tiếp không đạt tổng thành tích xuất khẩu tối thiểu 20.000 tấn gạo sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận. Đây là "điều kiện" hiện đang gây khó cho các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là một điều kiện cụ thể, về lâu dài cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ rào cản trong đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử thực hiện có hiệu quả về phát triển kinh tế và hội nhập”.

Theo các chuyên gia, cải thiện chính sách xuất khẩu lúa gạo là hết sức cần thiết để cân đối và bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, DN, người sản xuất và người tiêu dùng lúa gạo trong nước. Các chính sách mới cần phải được áp dụng theo lộ trình hợp lý và công bố trước để DN có thời gian chuẩn bị. Quá trình thực thi phải được giám sát chặt chẽ với sự hỗ trợ của hệ thống cung cấp thông tin độc lập và tin cậy. Nên ưu tiên phân giao chỉ tiêu tạm trữ cho các DN có liên kết xây dựng cánh đồng lớn. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện hỗ trợ để DN và người nông dân có điều kiện trang bị, tiếp cận máy móc, thiết bị, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, tăng khả năng và thời gian bảo quản, giảm áp lực cung cầu, chủ động giá bán cạnh tranh...

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: “Để tạo điều kiện cho DN phát triển, nhất là chính sách hỗ trợ mô hình liên kết cánh đồng lúa lớn cần đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn. Khi có cơ chế vay vốn hợp lý, các DN đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, đổi mới công nghệ trong bảo quản, chế biến. Vì vậy, cơ chế về vốn đối với sản xuất nông nghiệp vẫn là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt …”.

Bài và ảnh: HOÀNG NHƯỠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thao-go-bat-cap-ve-chinh-sach-xuat-khau-gao-507643