“Tháo chạy” khỏi Trung Quốc

Nạn ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng đang khiến nhiều chuyên gia nước ngoài rời bỏ Trung Quốc, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực cho các công ty đa quốc gia hoạt động ở thị trường này

Khi tình trạng ô nhiễm ở Bắc Kinh trở nên trầm trọng vào tháng 1 vừa qua, ông Kirk Cordill, Giám đốc điều hành chi nhánh hãng ô tô BMW của Đức tại Trung Quốc, cho biết họ nhận được tin nhiều ứng cử viên nước ngoài cho vị trí chuyên gia ở nước này đã rút đơn. “Họ gọi đến nói rằng gia đình không ủng hộ họ làm việc tại đây nữa” - ông Cordill nói.

Không khí ô nhiễm khiến nhiều chuyên gia nước ngoài phải rời bỏ Bắc Kinh
Ảnh: AP

Ra đi vì ô nhiễm

Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết các công ty châu Âu tại đây cũng đang phải đối mặt với tình hình tương tự. Chính sự ô nhiễm không khí đã khiến nhiều chuyên gia nước ngoài ra đi và làm nản lòng những ứng viên tiềm năng muốn đến Trung Quốc làm việc. Thống kê của các công ty săn đầu người cho thấy số chuyên gia nước ngoài yêu cầu chuyển đến những thành phố ít ô nhiễm hơn bên ngoài Trung Quốc đã tăng vọt trong những tháng gần đây. Trong khi đó, việc tuyển dụng người nước ngoài đến Trung Quốc làm việc trở thành một thách thức ngày càng lớn - theo Carl Hopkins, một nhà quản lý tại công ty tuyển dụng Major, Lindsey & Africa.

Ông Marc van der Chijs, nhà đồng sáng lập trang mạng chia sẻ video trực tuyến Tudou hàng đầu Trung Quốc, đã đến Thượng Hải làm việc cách đây 13 năm. Tháng 3 vừa qua, ông đã quyết định chuyển đến sống tại thành phố Vancouver ở Canada. “Tôi đang tìm kiếm một môi trường trong lành để con tôi có thể phát triển ở đó” - ông nói với báo The Wall Street Journal của Mỹ.

Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh vào tháng 1-2013 đã đo được lượng hạt bụi ô nhiễm ở đây vượt mức 35 lần so với tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu tác hại đối với sức khỏe có trụ sở tại Boston - Mỹ, những hạt bụi trong không khí ở Trung Quốc là nguyên nhân khiến 1,2 triệu người chết sớm trong năm 2010, chỉ xếp sau thuốc lá.

Nỗi lo an toàn thực phẩm

Không những thế, vụ 6.000 xác heo chết trên sông Hoàng Phố (Thượng Hải), nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cả thành phố, lại càng khiến chuyên gia nước ngoài thêm ấn tượng xấu về Trung Quốc. Bà Doreen Jaeger-Soong, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Hughes-Castell, cho biết vấn đề an toàn thực phẩm cũng là mối bận tâm hàng đầu của người nước ngoài.

Thậm chí tại Hồng Kông, nơi được xem là có môi trường trong lành hơn Bắc Kinh nhiều, cũng bị không khí ô nhiễm từ Trung Quốc lan sang khiến một số chuyên gia nước ngoài phải ra đi. Ông Petteri Piirinen, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á của Tập đoàn Công nghệ Okmetic có trụ sở chính tại Phần Lan, đã quyết định đưa cả gia đình rời Hồng Kông khi con trai của ông bị hen suyễn chỉ sau 1 năm sống ở đây. Ông nói: “Hầu hết những đứa trẻ bình thường khác đều có thể chơi đùa nhiều giờ mà không hề hấn gì nhưng con trai tôi lại nhanh chóng mệt mỏi và khó thở”. Ông Piirinen khẳng định thêm rằng tình trạng sức khỏe của con ông đã được cải thiện nhiều sau khi trở về Phần Lan.

Sự “tháo chạy” hàng loạt của các chuyên gia nước ngoài đang là vấn đề đối với các công ty đa quốc gia đang muốn thu hút nhân tài đến làm việc ở Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, tình trạng này cũng là một xu hướng đáng lo ngại và đe dọa gây ra không ít tác động tiêu cực ở Trung Quốc. Theo thống kê, chỉ có khoảng 112 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước này trong năm 2012, giảm 3,7% so với 1 năm trước đó.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2013041610599158p0c1006/thao-chay-khoi-trung-quoc.htm