Tháo chạy khỏi Sudan

Mỹ và nhiều nước châu Âu đang đồng loạt cử máy bay và tàu biển tới Sudan để di tản các nhân viên ngoại giao và công dân mắc kẹt tại đây.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Mỹ và nhiều nước châu Âu đang đồng loạt cử máy bay và tàu biển tới Sudan để di tản các nhân viên ngoại giao và công dân mắc kẹt tại đây, do cuộc xung đột quân sự ngày càng nghiêm trọng.

Cầu hàng không di tản người nước ngoài cũng đang gặp khó khăn ở Sudan do sân bay chính tại thủ đô Khartoum đã bị tàn phá do giao tranh. Tình thế này buộc các nước phải chuyển sang di tản người bằng đường biển, khi tận dụng cảng Port Sudan gần Biển Đỏ làm cửa ngõ triển khai chiến dịch sơ tán.

Mỹ là quốc gia đầu tiên thực hiện sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân khỏi Sudan từ tuần trước, một chỉ dấu cho thấy tình thế không thể cứu vãn ở nước này và dẫn đến nhiều nước khác cũng hành động theo.

Tận dụng những thời điểm giao tranh tạm lắng, đặc nhiệm Mỹ đã sử dụng trực thăng đa nhiệm hai cánh quạt Chinook từ nước láng giềng Djibouti bay vào Khartoum để sơ tán công dân.

Sau đó đến ngày 23/4, tới lượt quân đội Anh cũng mở chiến dịch với sự tham gia của khoảng 1.200 nhân viên quân sự để di tản các nhân viên ngoại giao và công dân Anh khỏi Sudan. Theo đăng ký có khoảng 2.000 công dân Anh mắc kẹt tại Sudan khi giao tranh xảy ra.

Pháp cũng cử 2 máy bay quân sự tới Khartoum để sơ tán gần 400 người, gồm công dân nước này và một số nước châu Âu, châu Á và châu Phi. Còn Đức di tản tổng cộng 311 người bằng 3 máy bay từ một sân bay gần Khartoum, nhưng hiện vẫn còn khoảng 200 người chờ sơ tán. Hai nước Italy và Tây Ban Nha thì đưa máy bay chở các công dân nước mình rời Sudan từ ngày 23/4.

Ngoài phương Tây, các nước thuộc khu vực vùng Vịnh và Trung Đông cũng đang sơ tán người khỏi Sudan. Trong đó Ả-rập Xê-út bắt đầu chiến dịch hôm 22/4 khi cho tàu hải quân đón 150 người rời khỏi quốc gia châu Phi này.

Còn Jordan sử dụng đường không với 4 chiếc máy bay đưa tổng cộng 343 người gồm công dân nước này và Palestine, Iraq, Syria và Đức sơ tán khỏi Sudan.

Một quốc gia vốn cũng chìm trong các cuộc xung đột phe phái nhiều năm qua là Yemen cũng cho biết đã đưa được 1.350 công dân từ Khartoum đến Port Sudan an toàn để lên tàu về nước.

Trong khi đó, kế hoạch sơ tán của Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường bộ đang bị hoãn lại do các vụ nổ xảy ra gần Khartoum. Ai Cập có đường biên giới chung với Sudan nên việc sơ tán 436 người trong tổng số khoảng 10.000 người sinh sống ở Sudan diễn ra thuận lợi hơn.

Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang điều máy bay và tàu biển tới sơ tán công dân khỏi Sudan trong thời gian sớm nhất. Các tổ chức như Liên minh châu Âu đã sơ tán toàn bộ phái bộ 21 người tại Khartoum cùng hơn 1.000 công dân các nước EU, trong khi Liên Hợp Quốc cử đoàn xe khoảng 65 chiếc để chở 700 nhân viên, bắt đầu rời Khartoum từ 23/4.

Xung đột tại Sudan bất ngờ bùng phát khiến cả thế giới lo ngại từ hôm 15/4 giữa hai lực lượng quân sự là Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), khiến ít nhất hơn 500 người thiệt mạng. Cội nguồn của xung đột là sự tranh giành quyền lực của hai viên tướng đứng đầu hai lực lượng này, khiến đất nước chìm trong hỗn loạn.

Các lệnh ngừng bắn giữa hai bên liên tục bị vi phạm trong bối cảnh xung đột giữa hai lực lượng quân sự tại Sudan được dự báo có thể kéo dài thành một cuộc nội chiến nghiêm trọng. Bối cảnh này dẫn đến làn sóng tháo chạy chưa có hồi kết của người nước ngoài khỏi đất nước châu Phi này hiện nay.

Đức Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thao-chay-khoi-sudan-post636182.html