Thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động ở các doanh nghiệp

'Nhằm chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, từ tháng 2 đến tháng 5/2024, Thanh tra Cục An toàn lao động phối hợp với Sở LĐ-TB&XH địa phương tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động đối với 16 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và TPHCM', ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết.

Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 1/5 đến 31/5. Theo đó, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động sẽ chính thức phát động cùng với Tháng công nhân vào ngày 26/4 tới đây.

Với vai trò là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động trung ương, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh và đoàn công tác kiểm tra công tác An toàn vệ sinh lao động tại xưởng sản xuất của Công ty thuốc lá Thăng Long ngày 29/3/2024 (Ảnh: Molisa)

Chưa quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn lao động

Theo báo cáo của Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới, trước các thách thức về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể người lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

So với năm 2022, tình hình TNLĐ năm 2023 giảm ở chỉ số vụ TNLĐ chết người và số người chết, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.

Cụ thể: Số vụ TNLĐ chết người giảm 8,06% số vụ (giảm 58 vụ); giảm 7,29% số người chết (giảm 50 người); giảm 4,2% số vụ tai nạn; giảm 4,7% số người bị TNLĐ (giảm 370 người).

Tuy nhiên, theo bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) năm 2023, công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Số vụ TNLĐ, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động.

Diễn biến tình hình TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ và người bị nạn.

Bà Hạnh cũng thông tin, những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2023 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.

Cũng trong năm 2023, công tác điều tra TNLĐ đối với khu vực không có hợp đồng lao động chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Việc lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động của UBND cấp xã triển khai còn rất hạn chế.

63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo thống kê TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ; trong đó có 43 địa phương báo cáo có xảy ra TNLĐ, 20 địa phương báo cáo không xảy ra TNLĐ.

Theo đánh giá, nguyên nhân của tình hình TNLĐ năm 2023 là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro;

Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.

Cùng với đó, chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Thanh, kiểm tra các doanh nghiệp ở lĩnh vực nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động;

Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy,...

Đề nghị Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê TNLĐ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo khoản 4 Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 25 Nghị định số 39/2016/NĐ/CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ và gửi Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quan trắc môi trường lao động.

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo TNLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động…

. Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/thanh-tra-viec-chap-hanh-phap-luat-ve-an-toan-lao-dong-o-cac-doanh-nghiep-20240415221906355.htm