Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều dự án lớn ở Hưng Yên có vi phạm

Hàng loạt dự án lớn ở tỉnh Hưng Yên có vi phạm liên quan đến đất đai đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong thông báo kết luận công bố chiều 26/2.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì buổi công bố Kết luận thanh tra tại tỉnh Hưng Yên

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì buổi công bố Kết luận thanh tra tại tỉnh Hưng Yên

Ngày 26/02, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 73/NQ-CP và 116/NQ-CP của Chính phủ; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của UBND tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 2011 tới tháng 6/2022).

Theo đó, cơ quan Thanh tra kết luận, UBND tỉnh Hưng Yên còn hạn chế trong công tác thanh tra, rà soát việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa; đến nay chưa hoàn thiện xong các thủ tục về giao đất, thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quy định phân cấp quản lý và phân công nhiệm vụ về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc có nội dung chưa đúng quy định; công tác xây dựng, lập danh mục các đồ án quy hoạch để bố trí vốn cho công tác quy hoạch không đầy đủ…

Bên cạnh đó, chương trình phát triển đô thị ở tỉnh có một số nội dung ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa đầy đủ, không phù hợp. UBND tỉnh đã công nhận 16 khu vực xã đạt tiêu chuẩn Đô thị loại V theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên, giai đoạn đến 2020, tuy nhiên, tại 16 khu vực này đều chưa có quy hoạch đô thị được phê duyệt.

Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị và một số dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, nhà ở, đạt tỷ lệ thấp, trong đó có nguyên nhân là do người sử dụng đất chưa hiểu rõ, thực hiện đúng quyền lợi và nghĩa vụ trong việc kê khai, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đặc biệt, qua thanh tra 19 dự án sử dụng đất cho thấy, trong quá trình triển khai, thực hiện dự án vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Cụ thể, có 7/19 dự án có hạn chế, thiếu sót về công tác quy hoạch xây dựng như: thời điểm quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, vị trí khu đất thực hiện dự án không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch chung; quy hoạch chi tiết xây dựng dự án tỷ lệ 1/500 còn một số chỉ tiêu chưa bảo đảm về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc có thiếu sót về thẩm quyền, trình tự thủ tục lập và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng.

Một số dự án, thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau đó mới được điều chỉnh, cập nhật.

Có 4/19 dự án có hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư; có 01/19 dự án lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư nhưng chưa kịp thời áp dụng văn bản chuyển tiếp theo quy định…

Có 16/19 dự án có hạn chế, thiếu sót trong việc xác định tiền sử dụng đất của dự án; Có 02/19 dự án xác định tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa chưa đúng với quy định của pháp luật tại thời điểm xác định nghĩa vụ tài chính; 5/19 dự án chậm phê duyệt giá đất, xác định bổ sung tiền sử dụng đất sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc giao đất bổ sung, trong đó có dự án đã giao đất từ năm 2018, tuy nhiên đến thời điểm kết thúc thanh tra (tháng 5/2023) chưa phê duyệt giá đất (dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phân Khu A - Khu đô thị phía Bắc QL5 thuộc Khu đô thị Phố Nối).

Ngoài ra, 11/19 dự án còn hạn chế, thiếu sót như: chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư hoặc chưa thực hiện đúng mục tiêu ưu tiên xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trước nhà ở thương mại hoặc chưa thực hiện thủ tục nghiệm thu, quyết toán, bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý.

Một số chủ đầu tư chưa tuân thủ quy định về điều kiện chuyển nhượng nhà đất đối với khu vực có yêu cầu phải xây dựng nhà ở trước khi chuyển nhượng, mà chuyển nhượng dưới hình thức phân lô, bán nền; thi công xây dựng nhưng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng quy hoạch được phê duyệt.

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra hạn chế, thiếu sót nêu trên, trách nhiệm thuộc Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phụ trách lĩnh vực, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thời kỳ có liên quan; Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh thời kỳ có liên quan; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thời kỳ có liên quan; chủ đầu tư các dự án và các tổ chức, cá nhân liên quan…

Từ kết quả thanh tra, kiểm tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức, chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong việc tổ chức triển khai và tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 06/12/2019 của Chính phủ.

Cần khẩn trương thanh tra, kiểm tra, rà soát, hoàn thiện xong phương án sử dụng đất, các thủ tục về giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa (trung ương, địa phương) trên địa bàn.

Đối với nhóm 19 dự án thanh tra trực tiếp có hạn chế, thiếu sót như: Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Minh Quang; Dự án Mở rộng khu công nghiệp Thăng Long II (Thăng Long giai đoạn 2); Dự án đầu tư xây dựng nhà ở nhà ở xã hội, nhà ở thương mại Lạc Hồng Phúc; Cụm công nghiệp Minh Khai mở rộng; Dự án Khu nhà ở và trung tâm thương mại phố Nối; Dự án khu nhà ở Hoàng Anh; Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở biệt thự Phố Hiến; Dự án khu nhà ở, dịch vụ khu công nghiệp phố Nối; Dự án Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hùng Vương Hưng Yên; Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở Như Quỳnh; Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, bến xe khách Mỹ Hào và nhà máy cấp nước sạch Bình Minh Hưng Yên; Dự án khu nhà ở Phúc Thành, tại phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; Dự án Xây dựng khu nhà ở liền kề để bán… Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo kiểm tra, rà soát và xác định lại tiền sử dụng đất tại các lần giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Phải đảm bảo tính đúng, đủ, không để thất thoát ngân sách Nhà nước.

Riêng với 2 dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại Lạc Hồng Phúc; Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, bến xe khách Mỹ Hào và nhà máy cấp nước sạch Bình Minh Hưng Yên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Hưng Yên đạo Sở Tài chính xác định chính xác số tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, thu ngân sách bổ sung số tiền hơn 3,9 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý; đồng thời chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cá nhân nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hạn chế, thiếu sót được nêu trong Kết luận thanh tra và các Biên bản làm việc của Đoàn thanh tra, từ đó xác định hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng đó, cần khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch;

Rà soát, xử lý tương tự đối với các dự án khác trên toàn tỉnh, đảm bảo tính đúng, tính đủ, đúng thời điểm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát ngân sách nhà nước; khắc phục triệt để các hạn chế, thiếu sót đã nêu tại Kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan Trung ương và địa phương.

Trong quá trình thực hiện Kết luận thanh tra, nếu phát hiện trường hợp gây thất thoát ngân sách Nhà nước, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thanh-tra-chinh-phu-phat-hien-nhieu-du-an-lon-o-hung-yen-co-vi-pham-post568219.antd