Thành phố tôi yêu

Mùa xuân sang, thành phố thay áo mới. Trong khoảnh khắc giao thừa chào năm mới trên đường Phạm Văn Đồng khi những tràng pháo hoa rực rỡ sắc màu bay lên trong tiếng reo hò hớn hở của bao người, tôi càng hiểu mình đã và đang gắn bó với thành phố của mình, thành phố tôi yêu.

Đôi bờ sông Trà Khúc. ẢNH: THANH TRUNG

Tôi đã đi qua nhiều tỉnh, thành phố ở miền Trung và nhận ra, cũng như ở nhiều nơi, TP.Quảng Ngãi được hình thành từ vị trí địa chính trị, nằm trên trục đường thiên lý Bắc- Nam. Tháng năm đi qua nhưng giờ ở phía bắc của thành cổ Quảng Ngãi (phía sau Bảo tàng Tổng hợp tỉnh) vẫn còn những dấu tích cổ xưa. Mỗi khi cư dân bên đường Lê Trung Đình đào móng nhà thường gặp những gạch vồ, đá tảng. Đó là dấu vết của thành xưa, từng một thời có tiếng hò reo, tiếng ngựa hí của quân Cần Vương do Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân từ căn cứ Tuyền Tung (Bình Sơn) về đánh chiếm tỉnh thành. Rồi đài phun nước ở khu vực Bưu điện tỉnh, nhà thờ cũ nằm trên đường Trần Hưng Đạo còn đó dấu xưa.

Thành phố đi qua những năm dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thị xã Quảng Ngãi cũ với 10 xã, phường, chỉ mấy con đường nằm trong tầm tay, đi xe đạp thôi cũng đủ dạo một vòng quanh. Mùa mưa đến, khi chưa xây dựng bờ kè nên nước sông Trà Khúc dâng cao tràn vào phố thị.

Đã 35 năm tỉnh Quảng Ngãi trở về với đơn vị hành chính cũ, đô thị trung tâm của tỉnh thật sự đổi thay. Vùng lõi của thành phố được mở rộng không ngừng. Nếu như ngày trước, sau những con đường chính như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Phương là ruộng đồng, thì nay là phố xá đông đúc. Ngã ba Thu Lộ đã trở thành ngã năm Thu Lộ. Xưa, thành phố có ngã năm giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm, Phan Chu Trinh, Nguyễn Công Phương, giờ có thêm ngã năm mới. Khu đô thị Ngọc Bảo Viên, Phú Mỹ, khu dân cư Bàu Cả... với những ngôi nhà hiện đại, làm cho diện mạo thành phố đổi thay.

Dáng xuân. ẢNH: LAM GIANG

Tôi vẫn thường chạy xe chầm chậm dọc những con phố dài trong tiết đông tàn và lắng nghe nhịp đập của thành phố khi mùa xuân sang. Tuyến đường Hùng Vương, Quang Trung, Lê Trung Đình... băng rôn, khẩu hiệu chào mùa xuân mới được căng lên và người, xe đi lại nườm nượp. Đường Lê Lợi bình yên với những hàng cây sao đen xanh mượt chạy dài. “Phố hàng me”- đường Nguyễn Tự Tân như duyên dáng hơn, cây vươn chồi mới. Đường Phạm Văn Đồng Tết đến Xuân về càng rực rỡ hơn. Con đường này lâu rồi là con đường hoa. Những chậu hoa cúc, mãn đình hồng tươi thắm từ đồng đất Nghĩa Hà, từ những làng quê bên dòng sông Vệ được đưa về đây bên cạnh những chậu mai vàng tươi thắm của các nhà vườn trong tỉnh... Rồi những cành đào xứ Bắc, những chậu hoa cẩm chướng, đỗ quyên từ xứ sương mù Đà Lạt cũng hội tụ về đây khoe sắc. Mọi người cùng nhau rước xuân về nhà.

Thành phố Quảng Ngãi xưa nằm bên sông, nhưng giờ thì cũng như thành phố Huế có dòng Hương Giang, Nha Trang có dòng sông Cái, dòng sông Trà Khúc nằm giữa lòng thành phố. Sông Trà Khúc cùng với núi Thiên Ấn là biểu tượng của Quảng Ngãi. Sông chở nặng phù sa. Bên dòng sông ngày xưa là ngút ngàn đồng mía. Trong ký ức của những người cao tuổi chẳng ai quên bát nước chè hai ngọt lịm, rồi đường muỗng làm nguyên liệu chế biến kẹo gương, đường phèn. Cũng nhờ có dòng sông nên người dân làm bờ xe nước - biểu tượng độc đáo của Quảng Ngãi về dẫn thủy nhập điền. Và cũng nhờ có dòng sông nên có con cá bống, con don làm nên đặc sản của Quảng Ngãi.
Dọc miền Trung, các thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang đều dựa vào lợi thế của biển để phát triển thành phố. Quảng Ngãi đã sớm nhận ra lợi thế và nhanh chóng sáp nhập nhiều xã của huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh về thành phố. Đồng thời, đầu tư xây dựng hai con đường nghìn tỷ Hoàng Sa và Trường Sa chạy dài về phía biển. Đây là chủ trương quan trọng, thể hiện rõ về tầm nhìn, tạo hướng mở cho thành phố tương lai.

Cùng với việc xây dựng hai con đường nghìn tỷ, Quảng Ngãi cũng đã xây dựng những chiếc cầu nối đôi bờ sông Trà Khúc. Cầu Trà Khúc 2, cầu Thạch Bích, cầu Cổ Lũy cùng với cầu Trường Xuân, cầu Trà Khúc 1 không chỉ đáp ứng nhu cầu về giao thông mà còn góp phần điểm tô cho thành phố thêm đẹp. Mai này, khi cầu Trà Khúc 1 được xây dựng mới thì cảnh quang đôi bờ sông sẽ ấn tượng hơn.

Đứng trên cầu treo dây văng Cổ Lũy trong sớm mai có thể thu vào tầm mắt một vùng núi sông cẩm tú. Ngoài phía biển, những con sóng bạc đầu lao xao. Những con tàu sau chuyến xa khơi trở về chở nặng cá tôm. Chếch về phía đông bắc là vùng biển Mỹ Khê xinh đẹp. Chếch về phía đông nam là xã Nghĩa An nằm bên mé biển thấp thoáng những rặng dừa xanh.

Còn phía trên cầu Cổ Lũy, dòng sông Trà Khúc xuôi về hạ lưu khá rộng. Ở phía bắc có núi Thiên Mã, phía nam có núi Phú Thọ. Rồi mai này, khi những công sở của tỉnh, của thành phố dịch chuyển dần ra đôi bờ sông, những khu dân cư hình thành, TP.Quảng Ngãi vừa hướng sông vừa hướng biển.

Đã bao lần trong những chuyến đi xa, tôi nói nhiều với người thân, bạn bè về những đổi thay của TP.Quảng Ngãi. Và cũng đã biết bao lần khi trở về nghe tiếng còi tàu báo hiệu dừng trên sân ga Quảng Ngãi, lòng tôi thấy nao nao. Bởi sau niềm vui đoàn tụ, tôi còn cảm nhận được niềm vui khác là đã trở về với thành phố quê hương, thành phố đang hòa nhập, vươn lên sánh vai với các đô thị ở duyên hải miền Trung.

CẨM THƯ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202402/thanh-pho-toi-yeu-39e0f1a/